Ngày 23/3, Thái Trinh công khai chuyện bị một nhân viên nam làm quay phim quấy rối bằng lời nói. Cụ thể, người này bình phẩm về ngoại hình nữ ca sĩ 28 tuổi và so sánh động tác thử chuông của cô gái với hành động nhạy cảm.
Rất nhanh chóng, dòng chia sẻ của cô thu hút hàng nghìn bình luận trên mạng xã hội. Ngoài những lời động viên, ủng hộ từ phía đồng nghiệp, khán giả, Thái Trinh còn phải nhận vô số bình luận ác ý. “Làm màu”, “hám fame”, “làm lố”… Từ vị trí một nạn nhân, cô trở thành đối tượng bị chỉ trích chỉ sau ít giờ đồng hồ.
Quấy rối bằng lời nói dễ bị nhầm lẫn thành trò vui
Theo Liên Hợp Quốc, quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể.
Điều đó đồng nghĩa với việc những lời nói trực tiếp hoặc gián tiếp có ẩn ý hoặc gợi nhắc đến các hành vi tình dục đều được xếp vào việc quấy rối.
Nhà sản xuất Harvey Weinstein quấy rối tình dục hàng loạt sao nữ ở Hollywood. |
Tại Việt Nam, căn cứ vào nghị định định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/2/2021, định nghĩa quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục.
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Về mặt lý thuyết là vậy.
Tuy nhiên, trên thực tế hành vi quấy rối bằng lời nói dễ bị nhầm lẫn là lời nói vui, trò đùa vô hại. Đặc biệt, ở Việt Nam, những thành kiến như “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” phổ biến trong xã hội khiến cho nhiều người nghĩ rằng việc lên tiếng khi bị quấy rối (bằng lời nói) là điều không đáng để đề cập.
Chỉ đến khi Thái Trinh lên tiếng trên mạng xã hội, kể về câu chuyện hậu trường showbiz nơi cô bị quấy rối bởi một nhân viên quay phim, nhiều người có lẽ mới hiểu rõ khái niệm quấy rối tình dục bằng lời nói.
Tuy nhiên, vì là người đầu tiên “khui” sự việc, nữ ca sĩ 28 tuổi chịu không ít bình luận ác ý.
Sau sự việc, ngoài những lời động viên từ đồng nghiệp, cô còn bị một bộ phận khán giả chỉ trích, cho rằng nữ ca sĩ “làm màu”, “hám fame”…
Vì thế, dù chưa nhận được lời xin lỗi chính thức từ đối tượng quấy rối tình dục song Thái Trinh phải để dòng chia sẻ ở chế độ private (cá nhân – PV).
Bản thân cô biết rằng hành động của mình sẽ được đánh đồng với những cụm từ như làm lố, kiêu căng, nhưng vẫn quyết định chia sẻ trên mạng xã hội.
“Khi tôi dũng cảm nói ra việc tế nhị của mình vì lợi ích chung, lại nhận được những phán xét vào điều tế nhị khác trong cuộc sống, quá khứ, thân thể, từ cả đàn ông và phụ nữ.
Nhưng không vì thế mà tôi dừng lại việc nói lên điều đúng đắn và vạch ra ranh giới rõ ràng cho danh dự, quyền lợi phụ nữ. Bên cạnh những quan điểm trái ngược, tôi có thể gặp bất lợi trong công việc nhưng tôi chấp nhận hy sinh một số quyền lợi nhỏ vì hướng đến cục diện lớn”, cô bày tỏ.
Đồng tình với hành động của Thái Trinh, MC Liêu Hà Trinh nói với Zing: “Điều đáng sợ không phải là những lời đùa giỡn vô tư mang màu sắc tình dục hướng đến phụ nữ mà chính là sự giễu cợt của những ai đang thóa mạ, xúc phạm ngược lại Thái Trinh.
Khi một cô gái cảm thấy không được tôn trọng, tổn thương, giọng nói yếu ớt đó lọt thỏm giữa rất nhiều bình luận thiếu thiện chí. Đặc biệt, khi Thái Trinh là nghệ sĩ, thành kiến làm màu càng khiến cô ấy trở nên yếu thế. Từ vị trí nạn nhân thành thủ phạm. Bất ngờ thay, nhiều bình luận ác ý ấy lại đến từ phái nữ”.
Ngại lên tiếng vì sợ bị chỉ trích, làm màu, hám fame
Thực ra việc quấy rối tình dục bằng lời nói diễn ra phổ biến ở trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong một cuộc khảo sát trên USA Today, 94% phụ nữ làm việc ở Hollywood bị tấn công tình dục. Và hành vi quấy rối tình dục thông thường nhất là những bình luận, trò đùa hoặc cử chỉ gợi chuyện giường chiếu.
Ở Việt Nam, vào năm 2017, người mẫu Vũ Thu Phương tiết lộ từng bị Harvey Weinstein quấy rối sau khi ông trùm Hollywood đến TP.HCM chọn ba diễn viên Việt Nam đóng vai phụ trong phim Shanghai (Thượng Hải).
Sự việc diễn ra vào năm 2008. Nhà sản xuất lừng danh gọi nữ diễn viên lên phòng riêng và gạ tình bằng cách đề nghị cô tập luyện cho việc đóng cảnh nóng kèm theo lời hứa hẹn sẽ giúp cô có được hợp đồng đóng phim ở London (Anh).
Quá sợ hãi, Vũ Thu Phương đã từ chối và quay trở về Việt Nam ngay buổi sáng hôm sau, vĩnh biệt giấc mơ dấn thân vào Hollywood.
Tương tự, ca sĩ Võ Hạ Trâm từng công khai chuyện suýt bị lạm dụng tình dục bởi một ông bầu khi đi diễn ở Quy Nhơn, Bình Định vào năm 2018. Sau sự việc, cô thẳng thắn nhận định: “Trong giới nghệ thuật, khó có nghệ sĩ nữ nào chưa từng bị gạ gẫm hay lạm dụng về tình dục”.
Điều đáng nói, nhiều nghệ sĩ nữ dù bị quấy rối tình dục bằng lời nói, gạ gẫm… nhưng ít ai dám lên tiếng. Sợ hãi, xấu hổ là lý do đầu tiên mà các nạn nhân không dám cất tiếng nói. Điển hình, Vũ Thu Phương sau gần một thập kỷ mới dám đưa câu chuyện bị nhà sản xuất Harvey Weinstein quấy rối.
Người mẫu cho rằng tình trạng diễn viên bị quấy rối tình dục là thực tại diễn ra hàng ngày và nhiều ngôi sao tại Hollywood đều im lặng, không chỉ riêng cô. Nếu Vũ Thu Phương kể ra câu chuyện của mình, cô lo sợ sẽ ảnh hưởng đến nhiều người.
“Tôi không thể chia sẻ được với ai, ngay cả mẹ mình. Lúc đó, tôi rơi vào tình huống há miệng mắc quai. Bất cứ chia sẻ nào của tôi cũng ảnh hưởng đến nhiều người khác. Tôi từng nghĩ sẽ ôm câu chuyện này suốt đời, chấp nhận điều tiếng dư luận”, cô thừa nhận.
Ca sĩ Võ Hạ Trâm và Vũ Thu Phương từng tiết lộ bị quấy rối tình dục. |
Võ Hạ Trâm cũng sau hai năm kể từ ngày bị quấy rối mới công khai câu chuyện trên mạng xã hội. Theo nữ ca sĩ, nguyên nhân khiến cô không dám hé lộ câu chuyện ở ngay thời điểm xảy ra sự việc vì sợ hãi.
“Đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tình cảnh này. Tôi may mắn không xảy ra vấn đề gì, nếu không chắc sẽ quyên sinh ngay tối hôm đó. Tôi cũng lo lắng khi tố cáo. Song tôi quyết định nói lên quan điểm cá nhân vì không đồng tình với những mặt trái như vậy và để các đồng nghiệp khác biết được sự việc mà tránh”, giọng ca sinh năm 1990 cho biết.
Một nguyên nhân khác khiến các nghệ sĩ không dám phơi bày việc bị quấy rối tình dục vì sợ bị chính công chúng quay lại chỉ trích ngược là làm màu, hám fame. Điều quan trọng nhất, các nạn nhân lo lắng bị trả thù, ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân và gia đình.
Theo bà Trần Lệ Thuỳ - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển MDI, người sáng lập diễn đàn Nhà báo và Bình đẳng giới - cho rằng một trong những yếu tố cản trở nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng là "văn hóa đổ lỗi" ở Việt Nam còn nặng nề.
Khi nạn nhân nói ra, ở đây thường có tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân hoặc xem họ như trò cười.
Lên tiếng để được gì?
Sự thật là không được gì cho bản thân những người dám lên tiếng, thậm chí họ còn gặp nhiều khó khăn trong công việc hơn.
Quyết định lên tiếng tố cáo hành vi quấy rối tình dục, nghệ sĩ phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ, bị chỉ trích, phản ứng trái chiều từ dư luận và sự lo lắng, bất an dẫn tới cuộc sống bị xáo trộn. Phải mất một thời gian dài, họ mới cân bằng lại được mọi thứ.
Ở Việt Nam, luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đã có nhưng chưa có luật nào liên quan đến việc quấy rối tình dục.
Trong bối cảnh đó, để tự bảo vệ mình, các nghệ sĩ Việt cần trang bị những kỹ năng sống, biết cách phản kháng khi bị đối tượng quấy rối. Có thể như Thái Trinh, họ thu thập bằng chứng, sử dụng mạng xã hội để lên tiếng khi xảy ra sự việc.
Điều quan trọng hơn cả là sự thay đổi về mặt chính sách, pháp lý kết hợp với giáo dục sẽ tạo ra những giải pháp để giảm thiểu những hành vi xấu, thiếu văn hóa.