Trong các cuộc tấn công từ Baghdad đến Brussels, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) thường sử dụng một chiến lược rõ ràng: Đầu tiên là đánh bom liều chết và sau đó là chiến dịch tuyên truyền nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố.
Quang cảnh hoảng loạn sau vụ tấn công liều chết ở sân bay Istanbul. Ảnh Foreign Policy |
Nhưng sau vụ đánh bom tự sát tại sân bay Istanbul giết chết 41 người và làm bị thương hơn 200 người khác, bộ máy tuyên truyền của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo vẫn “im hơi lặng tiếng”. Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức đã qui trách nhiệm cho IS về vụ thảm sát này.
Kích động xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và dân quân người Kurd
Các chuyên gia chống khủng bố cho rằng sự im lặng của IS về các cuộc tấn công ở Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ mong muốn duy trì sự hỗ trợ của các cảm tình viên địa phương, triệt để khai thác mâu thuẫn gay gắt giữa chính phủ ở Ankara và người Kurd nổi dậy và làm suy yếu sự cai trị của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, khi ông này quay sang chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
Khi các lực lượng được phương Tây hậu thuẫn dần chiếm ưu thế trên chiến trường và Thổ Nhĩ Kỳ đã siết chặt biên giới với Syria, những kẻ cực đoan trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã quay lại tấn công khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ, nước có thời dung dưỡng chúng.
Giám đốc CIA John Brennan nhận xét: "Thổ Nhĩ Kỳ đã trấn áp một số tay súng nước ngoài đang vào nước này và cho phép các máy bay của liên minh chống khủng bố sử dụng Căn cứ không quân Incirlik. Vì vậy có rất nhiều lý do khiến Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) quay sang tấn công Thổ Nhĩ Kỳ”.
Mặc dù nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo không nhận trách nhiệm, có lý do mạnh mẽ để nghi ngờ rằng IS phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở sân bay Istanbul. Các tay súng người Kurd chủ yếu đánh vào các lực lượng thực thi pháp luật và quân đội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc sử dụng áo khoác gài thuốc nổ để đánh bom liều chết vốn là “ngón nghề” quen thuộc của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Và chiến thuật tấn công sân bay Istanbul cũng khá giống vụ thảm sát của những kẻ tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo ở sân bay Brussels hồi tháng 3/2016.
Nếu quả là như vậy, đây không phải là lần đầu tiên nhóm Nhà nước Hồi giáo tấn công khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ tháng 7/2015, các quan chức ở Ankara đã qui cho cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tiến hành một số vụ đánh bom tự sát lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, những vụ mà nhóm khủng bố này không lên tiếng nhận trách nhiệm.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm Nhà nước Hồi giáo hiện vẫn nhận được sự ủng hộ của của một số phần tử cực đoan người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm Nhà nước Hồi giáo chiêu mộ tân binh ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây quỹ ở đó và tiến hành buôn lậu qua biên giới. Chính vì vậy mà nhóm này không muốn mạo hiểm bằng cách tuyên bố nhận trách nhiệm các vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nhà phân tích Ege Seçkin công ty tư vấn rủi ro IHS, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo hiện đang chiếm giữ một cửa khẩu trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Việc các lực lượng người Kurd và Arập đang tiến đánh các thị trấn Manbij và al-Bab ở Syria đe dọa cắt đứt nốt tuyến đường hậu cần đó và vụ đánh bom sân bay Istanbul có thể là một sự cảnh báo dành cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc đóng cửa con đường tiếp vận có tính sống còn đó.
Bằng cách tránh nhận trách nhiệm về các vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỹ, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo mở đường cho Ankara đổ lỗi cho người Kurd. Điều đó có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường chiến dịch quân sự chống lại người Kurd và giảm bớt áp lực mà lực lượng này đang gây ra cho phiến quân IS ở miền bắc Syria. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tìm cách triệt để khai thác mâu thuẫn giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ để “đắc lợi”.
Những chiến thắng liên tiếp của các lực lượng dân quan người Kurd chống lại Nhà nước Hồi giáo đã gây hoảng loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang sa vào nội chiến kéo dài với các nhóm ly khai người Kurd PKK. Tổng thống Erdogan có mối nghi ngờ sâu sắc đối với người Kurd và đã nhiều lần từ chối để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đánh Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ biết trước IS sẽ tấn công khủng bố
Hồi tháng 1/2016, các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy một máy tính xách tay của một thủ lĩnh tác chiến IS Yunus Durmaz tại một ngôi nhà n ở Gaziantep. Các tài liệu trong chiếc máy tính xách tay này chứa đựng các kế hoạch chi tiết tấn công 26 mục tiêu ở Thổ Nhĩ Kỳ và kích động giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các tay súng nổi dậy người Kurd.
Từ lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bị chỉ trích tiếp tay cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, mở cửa biên giới cho các tay súng thánh chiến nước ngoài ra vào Syria. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, các ưu tiên hàng đầu là lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và phản đối mọi hành động trao quyền cho người Kurd Syria ở sát biên giới nước này.
Điều đó đã dẫn đến mâu thuẫn với Mỹ vì Washington chưa muốn lật đổ Tổng thống Assad ít nhất vào thời điểm hiện tại. Ưu tiên trước mắt của Mỹ là tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo, chứ chưa phải là thay đổi chế độ ở Syria.
Trong thâm tâm, các quan chức Mỹ và Châu Âu thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị Nhà nước Hồi giáo tấn công, khi Ankara cho phép các tay súng nước ngoài và vũ khi đi qua biên giới vào Syria để lật đổ chế độ Assad. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cho biết Tổng thống Erdogan thừa nhận rằng chính phủ của ông đã đánh giá thấp mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo.
“Gậy ông đập lưng ông”?
Jonathan Schanzer, một cựu chuyên gia phân tích tài chính của các nhóm khủng bố tại Bộ Tài chính Mỹ, cho biết các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ chính là một cú “gậy ông đập lưng ông” đối với chính sách của Ankara. Ông Schanzer nói: "Họ (chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ) đã đặt nhầm cửa. Họ tin rằng họ có thể cho phép Hồi giáo và đám chiến binh thánh chiến và tiền mặt, vũ khí tự do qua lại biên giới để nhanh chóng lật đổ chế độ Assad. Rõ ràng, họ đã không thể làm được điều đó”.
Thay vào đó, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo được xây dựng được một mạng lưới buôn lậu và tuyển dụng tân binh, lợi dụng một trang web cực đoan do nhóm khủng bố al-Qaeda thiết lập.
Sau khi Nhà nước Hồi giáo bắt cóc 49 nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq và giam giữ họ suốt ba tháng trong năm 2014, thái độ của Ankara đối với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo bắt đầu thay đổi. Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát chặt biên giới trong năm đó và năm sau (2015) đã cho phép Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống Nhà nước Hồi giáo từ Căn cứ không quân Incirlik. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo phản ứng bằng cách phát động cuộc chiến tuyên truyền leo thang và chiến dịch đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm này đã cáo buộc chính phủ Erdogan phản bội Hồi giáo bằng cách hợp tác với Mỹ và Iran, chĩa mũi nhọn vào Tổng thống Erdogan. Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo cũng úp mở về việc sớm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà phân tích Michael Smith, giám đốc điều hành của công ty tư vấn an ninh Kronos chuyên theo dõi công tác tuyên truyền thánh chiến, nói: "Đằng sau cuộc tấn công khủng bố (ở sân bay Istanbul) này là những tính toán chiến lược... nhằm làm suy yếu chính phủ Erdogan".
Trước vụ tấn công đẫm máu ở sân bay Istanbul ngày 28/6, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo bị tình nghi tiến hành 4 vụ đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 7/2015: một vụ ở thị trấn Suruç gần biên giới Syria, hai vụ ở Istanbul và một vụ ở Ankara khiến 102 người thiệt mạng.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, nã pháo vào phiến quân IS dọc biên giới với Syria, Ankara vẫn không muốn đổ quân vào Syria để đánh IS trên mặt đất.
Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân đội hùng mạnh nhưng nước này không muốn bị lôi kéo vào “vũng lầy Syria”, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đồng thời đối mặt với phiến quân IS, Quân đội Syria và các lực lượng dân quân người Kurd.