Hòa Thân (1750-1799) tự Trí Trai, hiệu Gia Nhạc Đường, là người tộc Nữu Hỗ Lộc thuộc Chính Hồng kỳ Mãn Châu. Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), Gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công. Ông tổ 5 đời Ni Nha Cáp Nạp Ba Đồ Lỗ đã lập chiến công khi nhà Thanh tiến vào Trung Nguyên và được phong Tam đẳng Khinh xa đô úy.
Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. Thuở nhỏ, do quan hệ bất hòa với mẹ kế nên phải chịu nhiều vất vả. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.
Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.
Theo sử cũ ghi chép, Hòa Thân làm quan 30 năm, đến khi kiểm kê tài sản của ông ai nấy đều phải kinh ngạc. Tổng số tiền ông từng tham ô tương đương với tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh. Nhiều người cho rằng của cải mà Hòa Thân đã tham ô, nhận hối lộ thì không có bất kỳ một vị quan tham nhũng nào trong lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện đại vượt qua được.
Học vấn uyên thâm, tài xu nịnh hơn ngườiNhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vụ thị vệ. Sau được vua Càn Long sủng ái cùng với năng lực bản thân, Hòa Thân đã giữ nhiều trọng trách trong triều đình.
Càn Long cả đời yêu thích thơ phú, Hòa thân thì thuộc lòng từng câu chữ, ý thơ hay thói quen dùng điển tích điển cố, cách gieo vần của Càn Long. Để có thể tung hứng với Càn Long, Hòa Thân cũng bỏ công sức học thơ và làm thơ nên khả năng thơ phú của ông ta cũng là thiên hạ hiếm có. Tiền Vịnh Tằng cùng thời với Hòa Thân từng đánh giá rằng: “Thơ của Hòa Thân gieo vần rất tuyệt, rất thông thơ luật. Thơ của Hòa Thân rất hợp với sở thích của Càn Long, Càn Long đọc xong không thích mới lạ, rất nhiều phen tức cảnh làm thơ đã cứu mạng Hòa Thân".
Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hòa Thân: “Khanh là trung thần hay gian thần”.
Hoà Thân đáp: “Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần”.
Vua Càn Long hỏi tại sao, Hòa Thân lại tiếp tục đáp: “Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất!”.
Khi về già, Càn Long rất mực sủng ái Đôn phi. Vị phi tần này càng được nước, trở nên ngang ngược, thường xuyên đánh mắng người hầu. Có lần, Đôn phi vì một chuyện nhỏ mà đánh chết cung nữ. Càn Long biết chuyện đã vô cùng tức giận, định phế truất nàng. Đôn phi vội tìm đến cầu cứu Hòa Thân.
Vốn hiểu tính Hoàng đế vị quan họ Hòa biết Càn Long chỉ tức giận nhất thời, liền lấy lý do Thập công chúa còn nhỏ, cần mẹ chăm sóc để khuyên nhà vua bớt giận. Nhờ câu nói ấy, Hoàng đế chỉ giáng Đôn phi xuống làm tần. Sau này, khi đã lấy lại được sự sủng ái, Đôn phi đồng ý cho con trai Hòa Thân là Phong Thân Ân Đức kết hôn với người con gái thứ mười rất được yêu quý của Càn Long là công chúa Cố Luân Hòa Hiếu. Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc họ Hòa thời bấy giờ càng trở nên vững chắc.
Vào những năm cuối đời, Càn Long càng ngày càng không thích nghe những lời trung thần, thích đao to búa lớn, khoác lác khoe khoang là thập toàn lão gia, cho rằng mình có thể sánh ngang với tổ phụ Khang Hy. Hòa Thân thì hàng ngày vẫn dùng những lời đó để mê hoặc Càn Long, luôn luôn làm cho Càn Long hả hê sung sướng.
Tuy nhiên, khi Càn Long vừa mới băng hà chưa đầy nửa tháng thì Hòa Thân bị hoàng đế Gia Khánh vừa kế vị ban cho cái chết, kết thúc một cuộc đời huyền thoại.