Tờ Telegraph (Anh) dẫn báo cáo mới đây từ phía Trung Quốc, Viện hỗ trợ xã hội Zhongmin xác nhận rằng có khoảng 500.000 người cao tuổi mất tích mỗi năm tại đất nước này. Cụ thể, cuộc khảo sát công bố có hơn 1.370 cụ già ở độ tuổi trung bình là 76 tuổi mất tích mỗi ngày, trong đó nữ giới chiếm 58%.
Đáng chú ý, phần lớn số người cao tuổi mất tích ở những thành phố lớn và họ đều có dấu hiệu mắc bệnh về tâm thần, 72% trường hợp liên quan đến chứng suy giảm trí nhớ (hay còn gọi là lú lẫn) hoặc mắc bệnh mất trí nhớ thường thấy ở người già.
Phần lớn người già Trung Quốc phải tự chăm sóc bản thân mà không nương nhờ con cái. Ảnh: Telegraph |
Con số trên làm dấy lên hồi chuông cảnh báo tình trạng thiếu quan tâm đến người cao tuổi trong xã hội hiện đại. Nhiều trường hợp mất tích được cho là hậu quả của nạn nghèo đói và thiếu sự chăm sóc của con cái do họ quá bận rộn đổ xô đến các thành phố lớn và ra nước ngoài làm việc nhằm trang trải cuộc sống.
Truyền thông quốc tế đặc biệt lưu ý rằng sự phát triển ngày càng chóng mặt của kinh tế Trung Quốc khiến người trưởng thành ngày càng có xu hướng dành thời gian lo cho sự nghiệp hơn là ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc cha mẹ. Xu hướng này đang xuất hiện ngày càng sớm ở những người trẻ tuổi.
Người cao tuổi hết tuổi lao động thường nương tựa vào con cái để nhận sự chăm sóc về cả vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng tình trạng vô tâm, thờ ơ với cha mẹ tại xã hội Trung Quốc hiện nay lại trái ngược với truyền thống phụng dưỡng ông bà, cha mẹ vốn được cho là trách nhiệm thiêng liêng nhất của người Á Đông.
Các nhà nghiên cứu về đời sống xã hội bày tỏ quan điểm rằng chính sách một con hà khắc được thi hành hàng chục năm qua đang có dấu hiệu đe doạ cấu trúc gia đình và xã hội ở Trung Quốc. Lực lượng lao động ngày càng suy giảm khiến cơ cấu dân số Trung Quốc già đi nhanh chóng.
Với hàng trăm triệu dân sống trong nghèo đói ở Trung Quốc, nước này vẫn cần duy trì nền kinh tế mạnh mẽ để giữ vững vị thế. Nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn khi các cặp vợ chồng không muốn có nhiều con đồng thời không chú tâm chăm sóc cho cha, mẹ cao tuổi. Như vậy, tỉ lệ dân số già ở Trung Quốc sẽ có xu hướng ngày càng tăng với nguy cơ bị bỏ rơi trong nhịp sống hối hả hiện đại, và lao động trẻ vẫn tiếp tục thiếu hụt.