Kế hoạch năm 2020 đi lùi, quyết tâm lên sàn HoSE sau nhiều năm lỡ hẹn
Năm 2020, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng nhẹ 3,9% lên mức 210.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm 1.819 tỷ đồng. Huy động thị trường 1 tăng nhẹ 1.1% lên 168.000 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 tăng 10,7%, lên 140.883 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2020 của LPB |
LienVietPostBank có kế hoạch trích lập dự phòng và mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trong quý 2/2020 nhằm cải thiện chất lượng tài sản.
Lợi nhuận trước thuế giảm mạnh gần 17% về còn 1.700 tỷ đồng. Cổ tức cũng được LienVietPostBank điều chỉnh giảm từ 10% của năm 2019 xuống còn 8%.
Riêng trong 5 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 830 tỷ đồng, thực hiện được 49% kế hoạch.
Trong phương án trả cổ tức năm 2019, LienVietPostBank sẽ phát hành gần 98 triệu cổ phiếu tăng vốn lên mức 10,746 tỷ đồng.
Đồng thời, ngân hàng cũng phát hành riêng lẻ 59,58 triệu cổ phiếu, chiếm 5,54% lượng cổ phiếu đang lưu hành, tăng vốn điều lệ thêm gần 596 tỷ đồng. Giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10,000 đồng/cp.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên mức 11,342 tỷ đồng.
LienVietPostBank dự kiến sẽ sử dụng vốn sau khi phát hành vào đầu tư mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác.
Đại hội lần này của LienVietPostBank cũng tiếp tục thông qua kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và nâng room ngoại từ 5% lên mức tối đa 9.99% để phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của LienVietPostBank diễn ra chiều ngày 25/6 tại Him Lam Palace Tân Sơn Nhất, TPHCM. |
Cổ đông bức xúc vì sao EPS và thị giá cổ phiếu LPB ngân hàng rất thấp
Cổ đông Trần Đình Phong bức xúc nêu ý kiến, đã dự 3 kỳ họp đại hội của Liên Việt, lần nào Ban lãnh đạo cũng nói số phòng giao dịch lớn nhất trong hệ thống ngân hàng, Liên Việt rất tiềm năng. “Nhưng chúng tôi rất buồn”.
Cổ đông này dẫn chứng, ngày hôm nay đã lọc ra 4 ngân hàng tương đương vốn điều lệ Liên Việt, trong đó VIB với 924 triệu cổ phiếu thì EPS đạt tới 5.330 đồng, HDBank là 981 triệu cổ phiếu thì EPS là 3.760 đồng, TPBank với 857 triệu cổ phiếu thì EPS là 3.850 đồng.
Nhưng riêng LienVietPostBank với gần 977 triệu cổ phiếu thì EPS cứ lình xình chỉ 1.580 đồng, thấp nhất trong nhóm này dù đã thành lập 12 năm.
Từ những con số đó, cổ đông này đề nghị Ban lãnh đạo LienVietPostBank suy nghĩ xem ngân hàng kém chỗ nào, thậm chí có thể thuê ban điều hành có năng lực giỏi hơn.
Ngoài ra, nhiều cổ đông khác cũng phàn nàn về thị giá cổ phiếu LPB hiện rất thấp so với các cổ phiếu cùng ngành trên sàn chứng khoán. Được biết, kết phiên giao dịch ngày 25/6, cổ phiếu LPB đóng cửa tại mức 8.800 đồng/cp, trong khi HDB là 25.700 đồng/cp, VIB là 17.800 đồng/cp và TPB là 21.000 đồng/cp.
Tổng giám đốc Phạm Doãn Sơn lý giải, lộ trình nâng cấp phòng giao dịch từ cuối năm 2018 đến nửa đầu năm 2019, gần như mới xong, vẫn còn 100 phòng giao dịch chuẩn bị nâng cấp. Các phòng giao dịch mở mới có độ trễ về chi phí, củng cố nhân sự, từ đó năng suất lao động mới cải tiến lên được.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng Ngân hàng nhà nước khống chế, dịch vụ bảo hiểm sẽ đem lại kết quả trong thời gian tới.
Một cổ đông lo ngại rủi ro cạnh tranh của LienVietPostBank khi cả FE Credit và MCredit đều hợp tác với VNPost triển khai gói tín dụng tiêu dùng, trong khi LienVietPostBank cũng có quan hệ với VNPost. Ông Sơn cho rằng không ảnh hưởng với nhau vì phân khúc khác nhau.
Còn về thị giá cổ phiếu, ông Sơn hi vọng khi chính thức lên sàn và nới room tín dụng, thị giá của LPB sẽ cao hơn. Giá trị thật của LPB trên 14,000 đồng/cp không kém các ngân hàng khác.