Báo Bild ngày 9/9 đưa tin, Bộ Quốc phòng Đức đang cân nhắc tham gia chiến dịch không kích nhằm vào Syria của liên minh Mỹ-Anh-Pháp nếu Quân chính phủ Damascus sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch giải phóng Idlib, căn cứ địa cuối cùng của quân nổi dậy ở miền Bắc Syria.
Theo tờ báo này, Bộ Quốc phòng Đức được cho là đang thảo luận với đối tác Mỹ để đưa ra kế hoạch chi tiết cho lực lượng Bundeswehr của Quân đội Đức để tham gia cùng liên quân Mỹ-Anh-Pháp trong cuộc không kích nhằm vào Syria có thể sắp diễn ra.
Các báo cáo cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leynen đã đáp lại lời đề nghị của Mỹ, sau một cuộc họp của các quan chức cấp cao giữa hai nước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Politico Europe. |
Tuy nhiên, lực lượng Bundeswehr chỉ sẽ tham gia không kích cùng liên quân Mỹ-Anh-Pháp trong trường hợp một vụ tấn công hóa học xảy ra. Nếu Đức gia nhập liên minh này, Berlin sẽ có nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga, lực lượng đang hỗ trợ Quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.
Quyết định không kích Syria cũng sẽ đi ngược lại lập trường cứng rắn trước đây của Thủ tướng Merkel rằng Đức sẽ không tham gia vào các "nhiệm vụ quân sự" tại Syria.
Sputnik News dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel ngày 12/9 cho biết Đức ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, song Berlin sẽ không phớt lờ việc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.
"Nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của chúng tôi là ủng hộ các nỗ lực chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi buộc phải chú ý đến những vụ sử dụng vũ khí hóa học ở một số nơi nào đó, bởi đây là hành động vi phạm các công ước quốc tế", bà Merkel nói.
Trước đó, hồi tháng 4/2018, hai ngày trước khi liên quân Mỹ-Anh-Pháp tiến hành cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu tại Syria, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố Đức sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào.
Nhiều nguyên nhân lý giải việc Đức từ chối tham gia cuộc không kích khi đó dù họ là một trong những thành viên chủ chốt của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu đã được đưa ra.
Theo giới phân tích, mối quan tâm của Thủ tướng Đức Merkel lúc đó chủ yếu tập trung vào các vấn đề trong nước và bà sẽ không bao giờ muốn đạt được một vị thế cao hơn cho Đức trên trường quốc tế nếu phải đổi lại tình hình bất ổn hơn trong nước.
Mời độc giả xem thêm video: Sức mạnh tên lửa Tomahawk Mỹ không kích căn cứ Syria (Nguồn: VTC14)
Bloomberg cho rằng việc Thủ tướng Merkel từ chối đưa Đức đứng vào hàng ngũ liên quân không kích Syria hồi tháng 4/2018 có thể xem là cách để Đức khéo léo từ bỏ tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh nước này chưa thể gánh được vai trò này. DW nhận định việc không trực tiếp tham gia vào cuộc không kích cho phép Đức làm tốt vai trò của một bên trung gian hòa giải với các biện pháp ngoại giao.
Theo DW, ngay từ đầu, Đức đã hỗ trợ liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS tại Syria và Iraq, với việc tiến hành những chuyến bay trinh sát và cung cấp máy bay tiếp nhiên liệu. Mặc dù đó không phải là sự đóng góp to lớn nhưng cũng đủ để nước này được quốc tế thấy được vai trò của nước này. Tuy nhiên, liệu lực lượng Bundeswehr có nên đóng vai trò lớn hơn trong các nhiệm vụ quân sự đa quốc gia này hay không lại là một vấn đề cần được thảo luận kỹ lưỡng.