Dư luận trong nước những ngày qua đang vô cùng nóng trước vụ thảm sát 4 người tại Quảng Ninh. Không ai không bàng hoàng trước hành vi giết người ghê rợn và mất nhân tính của nghi phạm Doãn Trung Dũng.
Trên thực tế, không chỉ quan tâm tới tình tiết vụ án, dư luận còn đặc biệt quan tâm đến tâm lý của những kẻ sát nhân hàng loạt. Điều này trở thành hiện tượng phổ biến trong văn hóa đại chúng.
Jack the Ripper - kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất chưa bị bắt đã trở thành nhân vật chính trong hàng trăm tiểu thuyết, truyện tranh, phim và chương trình truyền hình.
Những tour du lịch đưa du khách đi xem những địa điểm gây án của gã sát nhân đồ tể này ở phía đông London, Anh vẫn thu hút rất đông người tham gia, đặc biệt là vào ban đêm. Các bộ phim truyền hình tội phạm về kẻ giết người hàng loạt như True Detective, Dexter, The Fall và The Jinx thu hút hàng triệu khán giả.
Rất nhiều du khách thích thú khi đến hiện trường gây án - nơi sát nhân hàng loạt Ed Gein từng giết hại các nạn nhân. |
Harold Schechter - nhà văn Mỹ chuyên về tội phạm gọi mối quan tâm của công chúng về những sát nhân hàng loạt là "một hiện tượng kích động văn hóa". Scott Bonn - nhà xã hội học và tội phạm học tại Đại học Drew, Madison cho hay số vụ án do sát nhân hàng loạt gây ra chỉ bằng 1% số vụ giết người ở Mỹ mỗi năm. Niềm "đam mê" của công chúng về sát nhân hàng loạt đã vượt xa lo ngại thực sự về nguy cơ bị những kẻ này tấn công. Công chúng luôn tò mò về động cơ gây án của họ cũng như cuộc sống cá nhân của những sát nhân bệnh hoạn.
Tại sao chúng ta muốn tìm hiểu về những kẻ giết người hàng loạt? James Hoare, biên tập viên của tạp chí Real Crime đã đưa ra câu trả lời của bản thân về vấn đề này. Biên tập viên Hoare nói: "Họ đại diện cho một thứ lạ kỳ, thực sự quái dị, giống như những câu chuyện kinh dị mà bạn được nghe kể từ hồi bé. Mọi người đều tin rằng, điều gì đó xấu xa, bẩn thỉu, kinh tởm ở ngoài kia".
Ông Schechter gọi câu chuyện về những kẻ giết người hàng loạt là "truyện cổ tích dành cho người lớn". Biên tập viên này còn nhận định có điều gì đó trong thâm tâm chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy cần phải kể những câu chuyện về việc bị truy đuổi bởi những con quái vật.
Những tội ác mà kẻ giết người hàng loạt gây ra thường ghê gớm và rùng rợn. Hung thủ có thể là một người ngoài hành tinh hay là một người nào đó sống ngay cạnh chúng ta.
Nhà xã hội học Bonn chia sẻ: "Hãy nhìn vào Ted Bundy. Hắn ta rất đẹp trai và thành công trong sự nghiệp. Phụ nữ rất thích hắn ta và đó là lý do tại sao hắn có thể lừa được 36 người vào trong xe của mình trước khi bắt cóc và giết họ. Hắn có vẻ ngoài giống như một anh chàng hàng xóm thân thiện và đó là điều đáng sợ nhất bởi vì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của hắn".
Họa sĩ Joe Coleman cũng là người thu thập các đồ vật liên quan đến những tên sát nhân khét tiếng. Trong nhà ông có viên đạn từ khẩu súng đã giết Lee Harvey Oswald, một lọn tóc của Manson, chiếc áo kẻ giết người Elmo Patrick Sonnier đã mặc khi ngồi trên ghế điện. Coleman còn có lá thư mà Albert Fish gửi cho mẹ của Grace Budd, nạn nhân cuối cùng của hắn, trong đó mô tả cách hắn đã sát hại nạn nhân ra sao.
Không chỉ quan tâm đến chuyện đời tư của sát nhân hàng loạt, không ít người thích sưu tập những vật rùng rợn liên quan đến những tên giết người man rợ đó. Nhà sử học McCorristine cho rằng, việc "đến gần" với tội phạm hơn thông qua sưu tập đồ vật của chúng là cách để trải nghiệm cái chết mà không trở thành nạn nhân, hoặc trở thành nhân chứng cho cái chết và có quyền kiểm soát nó.
Coleman cho rằng cách giải thích này đúng với bản thân. Lý do được ông đưa ra đó là việc sở hữu một vật của người nào đó như một lọn tóc, thư, tranh vẽ sẽ nhắc nhở bạn về những thế lực đen tối có thể khiến con người lạc lối.
Video mô phỏng hiện trường vụ thảm sát 4 bà cháu ở Quảng Ninh (nguồn: VTC):