Vì sao cổ phiếu OGC đột nhiên "dậy sóng"?
(Kiến Thức) - Trong phiên ngày 25/9, cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC) tiếp tục dựng trần phiên thứ hai liên tiếp lên gần 6.500 đồng/cp dù những phiên trước đó chìm trong sắc đỏ, tức tăng gần 85% chỉ trong 1 quý vừa qua.
Đặc biệt, khối lượng giao dịch phiên ngày 24/9 đột biến lên hơn 40 triệu đơn vị, ghi nhận khối lượng kỷ lục nhất từ trước đến nay của OGC. Còn trong sáng 25/9 vẫn ghi nhận hơn 5 triệu đơn vị được sang tay.
|
Biến động cổ phiếu OGC từ đầu năm đến nay (Nguồn: VietstockFinance) |
Trước đó, giai đoạn tháng 8/2020, cổ phiếu OGC cũng đã có con sóng đi lên từ 3.000 đồng/cp lên gấp đôi hơn 6.600 đồng/cp nhưng khối lượng không đột biến như phiên ngày 24/9.
Cũng cần nói thêm, bên cạnh sự đột biến của cổ phiếu OGC, nhiều cổ đông nội bộ cũng đã tranh thủ chốt lời cũng như mua vào thời gian qua.
Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT OGC đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 14/9 đến 13/10. Hay bà Phạm Thị Thu Yến, vợ ông Nguyễn Thanh Tùng – Thành viên BKS đăng ký bán hết 137.500 cổ phiếu từ ngày 15/9 đến 14/10.
Ngược lại, ông Lò Hồng Hiệp, Tổng giám đốc OGC đã mua vào 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 3 triệu đơn vị, tương đương 1% vốn công ty vào cuối tháng 7. Bà Nguyễn Minh Hạnh, chị gái bà Nguyễn Hương Nga – Trưởng Ban kiểm soát mua vào 3,8 triệu cổ phiếu, tăng sở hữu lên 6,6 triệu đơn vị, tương đương 2,91% vốn.
Đây là điều khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi mà tình hình kinh doanh của OGC vẫn chưa có nhiều khởi sắc và kiểm toán vẫn phải đưa ra nhiều ý kiến đối với báo cáo tài chính.
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2020 của OGC, hiện có 3 cổ đông lớn là Doanh nghiệp Tư nhân Hà Bảo nắm 16 triệu cổ phiếu (5,33%), ông Nguyễn Thành Trung là 15 triệu đơn vị (5% vốn – đang đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu) và Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội là 36 triệu cổ phiếu (12,02% vốn).
Vẫn còn lỗ luỹ kế khủng 2.722 tỷ đồng, muốn xóa nợ 2.683 tỷ đồng
Theo đó, ngày 14/9 vừa qua, OGC đã có giải trình về những vấn đề trong báo cáo tài chính 6 tháng 2020. Theo đó, nửa đầu năm 2020 công ty đã tiếp tục có lãi hơn 100 tỷ nhưng lỗ luỹ kế vẫn còn rất "khủng" với 2.722 tỷ đồng, sắp "ngốn" hết vốn góp 3.000 tỷ đồng.
Còn những vấn đề ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo soát xét, OGC cho biết đã tồn tại từ lâu và chưa khắc phục được như khả năng thu hồi công nợ các khoản phải thu, góp vốn cho đối tác để triển khai một số dự án...
Đặc biệt, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 lần 2 của OGC vừa qua có nhiều nội dung không được cổ đông qua nhất là liên quan đến Điều lệ công ty.
Cụ thể, cổ đông OGC đã thông qua kế hoạch năm 2020 doanh thu hợp nhất 1.008 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước nhưng lãi sau thuế tăng 1,5 lần đạt 206 tỷ đồng nhờ giảm chi phí 30%. Riêng công ty mẹ, tổng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 55 tỷ đồng và 139 tỷ đồng.
HĐQT đã phê duyệt chủ trương bán nợ, đàm phán với các đối tác với giá trị thu hồi khoảng 30% giá trị khoản nợ nhưng cũng không thu hồi được và không có đối tác mua nợ. Công ty đã khởi kiện một số đối tác, trong đó có khoản nợ công ty thắng kiện và thực hiện thi hành án nhưng số tiền thu hồi được không đáng kể, việc thi hành án kéo dài nhưng không hiệu quả.
Do đó, ban lãnh đạo đề xuất cổ đông chấp thuận phương án giao và ủy quyền cho HĐQT xem xét và quyết định việc xóa nợ, bán các khoản nợ xấu đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, năm 2020 và các năm tiếp theo gồm khoản phải thu ngắn hạn đã trích lập dự phòng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng 525 tỷ đồng. Tổng giá trị xóa nợ là 2.683 tỷ đồng.
Riêng tờ trình đổi tên Công ty và thay đổi trụ sở chính đã có tới 20% tỷ lệ không tán thành do đó tờ trình này không được thông qua.
Đồng thời tờ trình về sửa đổi bổ sung 45 Điều lệ về tên, trụ sở, thời hạn hoạt động, phạm vi kinh doanh, vốn điều lệ, chứng nhận cổ phiếu, chuyển nhượng cổ phần, thu hồi cổ phần, cơ cấu tổ chức quản lý, quyền của cổ đông phổ thông, đại hội cổ đông, các đại diện được uỷ quyền, quyền hạn nhiệm vụ của HĐQT... đều không đạt được sự đồng thuận cao nhất nên không được thông qua.
Dù vậy, OGC cho biết, trong năm 2020 sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là sản xuất kinh doanh thực phẩm và chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng. Tập đoàn sẽ đánh giá lại hiệu quả các khoản đầu tư bất động sản, tiếp tục tìm các đối tác chiến lược để thực hiện thoái vốn một số khoản đầu tư chưa hiệu quả.
Trước đó, OGC cho biết, năm 2019 và 2020, công ty đã tích cực làm việc với các bên liên quan để hoàn thiện thủ tục pháp lý của các dự án đang có và đặt kế hoạch tái khởi động tối thiểu 1 dự án trong năm 2020 để có thể sớm thu tiền.
Đồng thời đánh giá lại các dự án để hợp tác với đối tác khác nếu thu được hiệu quả kinh tế cao hoặc chuyển nhượng phần vốn góp nếu mang lại lợi nhuận lớn. Hiện OGC đang có các dự án như 25 Trần Khánh Dư, Licogi 19, Lega Fashion House, Gia Định Plaza, Công viên hồ Điều Hoà, số 10 Trấn Vũ, Sài Gòn Airport...
Bán 20 triệu cp OCH để trả nợ
Có lẽ với tình hình đó, ngày 15/9 vừa qua, HĐQT của OGC đã thông qua chủ trương chuyển nhượng 20 triệu cp CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH (OCH) để tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Ước tính theo mức giá tham chiếu phiên 15/09 là 8,800 đồng/cp, OGC sẽ thu khoảng 176 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng số cổ phiếu OCH trên.
Tính tới 30/06/2020, OGC đang nắm 59.85% vốn tại OCH, tương đương gần 119.7 triệu cp. Tại thời điểm này, Công ty cầm cố hơn 38.3 triệu cp OCH ở 4 đơn vị, CTCP Giáo dục Quốc tế Thần Đồng, CTCP Bình Dương Xanh, Ngân hàng Quốc Dân, Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam để đảm bảo cho các khoản vay và nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, Công ty cũng ghi nhận khoản phải thu gần 58 tỷ đồng với Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Đầu tư Việt Nam cho giao dịch giải chấp hơn 2.46 triệu cp OCHthuộc quyền sở hữu của Công ty để thanh toán khoản nợ của Phát triển Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại Ngân hàng Phát triển TP.HCM. Công ty đã trích lập 100% đối với khoản công nợ này.