Như thông tin trên báo Pháp luật Plus, trong mỹ phẩm của công ty Bio Cosmetics có chứa kim loại nặng, như chì và thủy ngân nhưng lại không được ghi trên bao bì sản phẩm. Đây là các chất độc hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, và đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm.
Bà Đỗ Anh Thư, Giám đốc đào tạo, Trung tâm nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa’s Garden, cho biết trong quá khứ, sự có mặt của các kim loại nặng trong mỹ phẩm như chì, thủy ngân, asen,…trong mỹ phẩm khá phổ biến, lý do là vì chúng có sẵn trong thành phần nguyên liệu. Sau này, nhờ tiến bộ khoa học người ta biết được những kim loại nặng này ảnh hưởng không tốt đến làn da và sức khỏe nên đã liệt chúng vào những nhóm chất độc hại cần cấm. Các nhà sản xuất do đó phải tìm cách loại bỏ chúng khỏi sản phẩm.
Ảnh minh họa - Internet |
Ngày nay, các nhà sản xuất chính thống, uy tín không bao giờ đưa những chất cấm độc hại này vào thành phần mỹ phẩm. Ví dụ như son của Bio Cosmetics chứa chì, người ta vẫn hiểu nhầm là nó giúp giữ màu son, giúp son dẻo, mướt, nhưng không phải. Chì chẳng có tác dụng gì nên không ai đưa vào son hay kem dưỡng. Chỉ có những sản phẩm trôi nổi, chợ đen thì có thể có thành phần thủy ngân vì thủy ngân có tác dụng làm trắng, sáng da nhanh. Đặc biệt ở các nước đang phát triển, các nước có xu hướng chuộng mỹ phẩm làm trắng thì nguy cơ sản phẩm trôi nổi có hàm lượng thủy ngân càng cao, thậm chí gấp mấy trăm lần giới hạn cho phép.
Mặc dù vậy, ngay cả sản phẩm chính thống, uy tín trên thị trường đôi khi vẫn có tồn dư hàm lượng chất cấm nhất định. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ được phép lưu hành khi hàm lượng chất cấm này trong ngưỡng cho phép. Cụ thể, hàm lượng chì phải đảm bảo dưới ngưỡng 0,002%, thủy ngân dưới ngưỡng 0,0001%, asen 0,0005%.
Nguyên nhân của sự có mặt các chất cấm này được xác định là do khâu kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào, cho đến không gian, môi trường sản xuất, máy móc sản xuất, hay thâm chí là đồ chứa thành phẩm. Chúng ta đều biết không có vật chất nào tinh khiết hoàn toàn. Môi trường ô nhiễm thì trong không khí cũng có thành phần kim loại nặng từ khói bụi, những kim loại nặng này có thể nhiễm vào nguyên liệu đầu vào, hoặc có mặt trong môi trường sản xuất, hoặc trong thành phần vật liệu chế tạo đồ chứa, hộp đựng,… Nếu khâu kiểm soát yếu kém, không xử lý được các yếu tố nguy cơ này thì khả năng hàm lượng chất cấm vượt ngưỡng cho phép là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đặc biệt là đối với nguyên liệu đầu vào, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên sẽ càng dễ có nguy cơ nhiễm tạp chất từ môi trường hơn là các nguyên liệu tổng hợp. Nguồn nguyên liệu thiên nhiên đến từ các nước như New Zealand, Úc thì chất lượng có thể đảm bảo, nhưng nguồn nguyên liệu thiên nhiên nhập từ những nước ô nhiễm nặng như Trung Quốc, Ấn Độ thì rủi ro nhiễm tạp chất, hóa chất độc hại rất cao.
Đó là lý do vì sao trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm khi kiểm nghiệm ngẫu nhiên vẫn phát hiện hàm lượng chất cấm vượt mức cho phép, dù nhà sản xuất cam đoan không đưa chúng vào thành phần sản phẩm. Mặc dù vậy, bà Đỗ Anh Thư khẳng định, dù sản phẩm bị nhiễm tạp chất, hóa chất cấm vì bất kể nguyên nhân nào thì nhà sản xuất vẫn là người phải chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm đầu ra của mình.