Sự khác biệt khi còn bé và khi trưởng thành
Ngày nhỏ, chắc hẳn ai cũng dễ dàng để trao cho cha mẹ những cái ôm, những nụ hôn và những câu nói tình cảm. Tuy nhiên, càng lớn thì những câu nói như "con yêu mẹ", "con yêu bố" ngày một ít dần.
Không thể phủ nhận rằng, vẫn có những người duy trì được thói quen đó ngay cả khi lớn lên, nhưng tâm lý "ngại" thể hiện tình cảm trực tiếp với cha mẹ là một hiện trạng của phần lớn các bạn trẻ hiện nay.
Bạn Xa Ngân Giang, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC) |
Bạn Xa Ngân Giang cũng thường xuyên bày tỏ tình cảm với cha mẹ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, khi lớn lên thì Ngân Giang không còn duy trì thói quen đó nữa.
Nữ sinh chia sẻ: "Hồi bé mình vô tư, chẳng suy nghĩ gì nhiều, thấy ai yêu mình thì sẽ yêu lại. Mình nói yêu và dành cho bố mẹ những cái ôm và cái thơm.
Nói thật là bây giờ mình ít khi làm việc đó. Mặc dù là mình muốn và mình biết nên làm như vậy, nhưng có rất nhiều rào cản ngăn mình lại".
Vì sao khi lớn lên, chúng ta lại "ngại" bày tỏ tình cảm với bố mẹ?
Càng lớn, càng trưởng thành, những hành động yêu thương lại càng khó để thể hiện. Không phải vì tình cảm mai một, mà vì rất nhiều lý do khác nhau khiến người trẻ ngần ngại thể hiện tình yêu của mình với cha mẹ.
Là một người mẹ có hai con gái đã trưởng thành, cô Tạ Thu Hiền (48 tuổi, Hòa Bình) chia sẻ: "Khi còn nhỏ, các bạn thể hiện tình cảm với bố mẹ nhiều hơn, lớn lên thì có ít đi. Cũng vì nhiều lý do khiến con không còn chủ động với bố mẹ như trước, chẳng hạn như vì áp lực học tập, thời gian nghỉ ngơi không có nhiều…
Các phương tiện truyền thông phát triển, ai cũng có điện thoại thông minh nên cả bố mẹ lẫn con cái đều ít khi ngồi nói chuyện cùng nhau. Có lẽ vì vậy mà khoảng cách giữa hai bên trở nên xa cách".
Cô Tạ Thu Hiền chia sẻ vì sao các bạn trẻ lại không thường xuyên bày tỏ tình cảm với cha mẹ. (Ảnh: NVCC) |
Cùng lý giải về nguyên nhân vì sao người trẻ lại ít khi gần gũi, thể hiện tình yêu với cha mẹ, bạn Trần An Khanh bày tỏ: "Mình nghĩ là vì chúng ta đã trưởng thành hơn về cả thể chất lẫn tinh thần, có nhiều mối quan tâm hơn, và biết "ngại" khi thể hiện cảm xúc trước nhiều người. Còn bé thì suy nghĩ đơn giản lắm, nhưng khi lớn lên thì không còn như vậy nữa.
Đôi khi lớn lên nhưng ở đâu đó trong tâm hồn chúng ta vẫn là những đứa trẻ khi đứng trước bố mẹ. Ta có thể có những thái độ, lời lẽ, hành động trẻ con, giận dỗi bố mẹ, làm bố mẹ buồn. Công việc bố mẹ cũng bận rộn hơn khiến thời gian dành cho gia đình ít đi, nên những cái ôm, cái hôn, những lời tâm sự cũng trở nên ngượng nghịu".
Bạn Trần An Khanh, sinh viên Học viện Tài chính. (Ảnh: NVCC) |
Tất cả các lý do đó cộng lại làm cho những hành động cử chỉ, lời nói thân mật cứ thưa dần theo thời gian… Mình sẽ không dùng từ "không muốn", mà chỉ là ngại thôi. Mình nghĩ cũng tùy tính cách mỗi người mà tần suất thể hiện tình cảm khác nhau nữa".
Không nói lời yêu liệu có phải là "không yêu"?
"Yêu là phải nói" - nhưng chưa chắc không nói là không yêu. Việc các bạn trẻ trở nên ngượng nghịu bày tỏ tình cảm, ngại ngần khi ôm, hôn cha mẹ là tâm lý hoàn toàn bình thường khi các bạn bước đến độ tuổi trưởng thành và cần học cách kiềm chế cảm xúc.
Các bạn trẻ vẫn có những cách riêng để bày tỏ tình cảm của mình với đấng sinh thành mà không bày tỏ trực tiếp thành lời.
"Các con cô thường thể hiện tình cảm bằng những hành động quan tâm, chẳng hạn như hỏi han bố mẹ có mệt không, có bị ốm không, nếu ốm thì đã đi khám chưa… Ngoài ra, khi các bạn tự chủ hơn về kinh tế thì cũng đã mua quà tặng cho bố mẹ vào những ngày kỷ niệm, sinh nhật.
Bên cạnh đó, khi các bạn bước qua lứa tuổi dậy thì - độ tuổi ương bướng, nhiều "nổi loạn" thì việc thể hiện tình cảm cũng rõ ràng hơn. Các con đã có suy nghĩ tích cực hơn, tâm sự cho mẹ nghe nhiều hơn, không còn quá khép kín với mẹ như hồi học cấp 2, cấp 3. Đó cũng là một cách để thể hiện tình cảm khi con đã trưởng thành".
Nữ sinh An Khanh cũng tâm sự về những cách cô bạn đã làm thể trở nên thân thiết, gần gũi hơn với cha mẹ: "Mình đang sinh sống và học tập tại Hà Nội nên thời gian ở bên bố mẹ không còn nhiều như trước, có lúc cả tháng mới về nhà một lần. Vì thế nên những khi về thì mình cũng tranh thủ gác lại deadline để dành thời gian đi shopping với mẹ, trò chuyện, nấu cơm, đi chơi..., cùng gia đình.
Vào những dịp quan trọng, mình luôn gửi những lời chúc cho bố mẹ và mua những món quà. Ngày nào cũng dành thời gian gọi điện thoại qua video cho bố mẹ, nhắn "bố yêu, mẹ yêu" nhiều hơn. Bên cạnh đó, mình luôn cố gắng học tập, làm thêm, rèn luyện các kĩ năng, kiếm thêm thu nhập để đỡ cho bố mẹ".