Vì sao bờ sông Sài Gòn phải cõng dày đại dự án?

Các chuyên gia nói việc cảm tính trong cấp phép xây dựng đã làm bờ sông Sài Gòn đang có hiện trạng dự án chia lô dày đặc.

Đặc điểm của TP.HCM là thành phố sông nước nhiệt đới, ven biển phương Nam, có điều kiện địa lý tự nhiên độc đáo với lợi thế lớn là hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, nhiều kênh rạch. Và biệt thự, chung cư nằm sát bờ sông Sài Gòn đang mang lại lợi nhuận cực lớn khiến các chủ đầu tư tranh nhau để có phần.
Có nơi không chừa lại mét đất bảo vệ hành lang sông
Nguồn tài nguyên đất ven sông, kênh rạch của TP.HCM rất lớn, với hơn 1.000 km. Nhưng phần lớn quỹ đất này đang bị người dân, doanh nghiệp biến thành của riêng.
Trước năm 2004, TP.HCM thực sự chưa có quy chế về hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, cũng như các kênh rạch khác. Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm đó, việc phê duyệt dự án còn dựa nhiều vào cảm tính, có chỗ khoảng cách ven sông thì 30 m, có chỗ 20 m, thậm chí có nơi không chừa lại chút nào.
Vi sao bo song Sai Gon phai cong day dai du an?
 Hành lang bờ sông Sài Gòn đang là khu vực dành riêng cho các dự án cao cấp. Ảnh: Lê Quân.
Từ năm 2004, sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 150/2004 về quản lý, sử dụng hành lang an toàn sông, kênh rạch, suối, hồ công cộng, và mới đây được sửa đổi, thay thế bởi Quyết định 22/2017, nhiều công trình lấn chiếm đất hành lang từ người dân cho đến doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ.
Việc xử lý mạnh tay của chính quyền được người dân ủng hộ, vì hành lang đất 2 bên bờ sông, kênh rạch là nơi xây dựng các công trình kè, cống, bờ bao, là không gian để làm công viên, quảng trường và các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Tuy nhiên, song song đó, dọc bờ sông Sài Gòn liên tục xuất hiện dự án bất động sản. Khi dự án mọc lên, ngoài cư dân của dự án, người dân quanh khu vực không thể nào đi dạo dọc hành lang sông. Bởi các dự án này nghiễm nhiên cho hành lang quanh khu vực là của mình, có bảo vệ canh gác nghiêm ngặt.
Không gian bờ sông thuộc về một nhóm người
Một số chuyên gia xây dựng cho biết trước năm 2004, khi TP.HCM giao đất cho chủ đầu tư chỉ cách bờ sông 10 m. Nhà đầu tư xây dựng trong ranh đất của mình và không gian bờ sông bị bỏ hoang, nhưng diện tích còn lại này cũng không thể sử dụng để làm công trình công cộng hay đường ven sông.
Vi sao bo song Sai Gon phai cong day dai du an?-Hinh-2
 Một số dự án đang lấn chiếm bờ sông kênh rạch. Ảnh: Lê Quân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết đến khi có quy chế rõ ràng sau khi Quyết định 22/2017 thì hành lang bờ sông vẫn chưa được cấp phép một cách bài bản.
Trong khi đó, chủ đầu tư quan tâm tới lợi nhuận nhiều hơn ý thức về an toàn bờ sông. Tình trạng các dự án xây dựng ra tận mép sông, thậm chí lấn luôn lòng sông vẫn xảy ra. Đây là điều hoàn toàn không phù hợp với quy định chung của thành phố, gây ra thiệt hại lâu dài.
“Không gian bờ sông phải thuộc về tài sản công cộng. Tuy nhiên, với tình trạng dự án cao cấp án ngữ hai bên bờ như hiện nay, không gian này bỗng nhiên không đảm bảo tính đại chúng nữa mà chỉ thuộc về một nhóm cư dân nhỏ”, ông Châu nói.
Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa kiến nghị: “Cần phải thông tin rõ Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đang xem xét, cấp phép tiếp cho những dự án nào? Kế hoạch quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn để phục vụ cho 10 triệu dân TP.HCM ra sao? Các ĐBQH cần biết thông tin, để xem cách làm trong mười mấy năm qua đúng luật hay sai luật? Nếu sai là lỗi của ai?”.
Hành lang sông vừa để giao thông, vừa để dự trữ
Trải qua một quá trình dài thả lỏng cấp phép, hiện trạng ven sông Sài Gòn chen đầy dự án cao cấp thì mọi chuyện xem như đã rồi.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận xét: “Ngoài giá trị quan trọng về vị trí, yếu tố view sông, hồ, kênh rạch đang là một tiêu chí đứng hàng thứ 2 tạo nên giá trị bất động sản. View sông làm giá trị bất động sản tăng thêm 10-20%, điều này thực sự kích thích các chủ đầu tư".
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành thì cho rằng việc cấp phép các dự án sát bờ sông Sài Gòn hiện nay thường dành cho các đơn vị có tiềm năng tài chính lẫn quan hệ thân hữu. Cảnh quan, không khí của sông vốn của cộng đồng thì nay lại trở nên “cục bộ” trong sở hữu.
Vi sao bo song Sai Gon phai cong day dai du an?-Hinh-3
 Khu công viên của một dự án cao cấp bên cạnh sông Sài Gòn vẫn chưa thực sự dành cho cộng đồng. Ảnh: Lê Quân.
Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, để giải quyết tình trạng trách nhiệm quản lý không rõ ràng, thành phố nên giao mỗi đoạn hành lang có một người chịu trách nhiệm trực tiếp. Còn toàn bộ hệ thống sẽ do giám đốc sở liên quan tải chịu trách nhiệm.
“Diễn ra tình trạng đó là do quá trình phát triển đô thị, nhưng hiện nay việc san lấp trái phép rất phổ biến. Hành lang sông vừa để giao thông, vừa để dự trữ sau này đắp đê, trong quy hoạch đã có, nhưng nếu không cẩn thận là mất. Bây giờ trong quản lý anh phải khắc phục cho được”, Tiến sĩ Võ Kim Cương nhấn mạnh
Ông Cương cũng cho rằng đối với các dự án cũ trước đây chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần có cơ chế, chính sách khuyến khích chủ đầu tư dự án đó, hoặc mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác kinh doanh để sử dụng hiệu quả quỹ đất ven sông rạch phục vụ công cộng, hoặc khai thác kinh doanh có thời hạn.
Nếu không đầu tư, bảo vệ hiệu quả sẽ gánh hậu quả nặng nề. Bởi việc lấn chiếm kênh, rạch, các nhánh sông và cả hai bên bờ sông Sài Gòn sẽ gây ra tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường và nguy cơ phá vỡ cả quy hoạch đô thị của thành phố.
Quyết định 150/2004 của UBND TP.HCM phân công nhiều cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ sông. Trách nhiệm chính việc phát hiện và xử lý vi phạm hành lang là ủy ban nhân dân quận, huyện. Nhưng quyết định này đã không xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trước UBND TP.HCM, dẫn tới đơn vị nào cũng đùn đẩy.

Tin mới

Nhà Đà Nẵng trở lại thua lỗ sau 7 quý

Nhà Đà Nẵng trở lại thua lỗ sau 7 quý

(Vietnamdaily) - Nhà Đà Nẵng lý giải nguyên nhân thua lỗ là do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm. Năm trước, công ty ghi nhận doanh thu lớn từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy B.