Lần lượt bốn tàu chiến Ấn Độ cập cảng trên quần đảo Andaman và Nicobar xa xôi với mục đích được cho là tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông và ghé thăm các nước ở Đông Nam Á.
Tàu chiến Ấn Độ. |
Theo nhiều nhà phân tích, sự xuất hiện của những tàu chiến ở cảng Blair hồi đầu tháng này là một động thái cho thấy các chuỗi đảo này dường như trở thành một phần chủ yếu trong chiến lược của New Delhi để chống lại sự hiện diện hải quân gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Trong các cuộc phỏng vấn ở New Delhi và cảng Blair, các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã vạch ra các kế hoạch để chuyển đổi căn cứ quân sự khiêm tốn trở thành một đồn bốt chiến lược.
Trong khi một số quan chức lưu ý rằng, các kế hoạch mở rộng trước đó phần lớn đều chững lại. Tuy nhiên, họ hi vọng về một sự tiến triển mới mẻ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Modi, người muốn tái khẳng định vị thế chủ đạo truyền thống của New Delhi ở Ấn Độ Dương.
Tất cả họ đều nhất trí rằng, vị trí của những chuỗi đảo này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Ấn Độ trong việc theo dõi các động tĩnh của Hải quân Trung Quốc. Hai quần đảo Andaman và Nicobar có vị trí nằm gần Myanmar và Indonesia hơn so với phần đất liền Ấn Độ. Quan trọng hơn, các đảo phía nam của hai quần đảo trên nằm ở gần đầu eo biển Malacca, một cửa ngõ tiến vào Ấn Độ Dương.
“Tuyến hải lộ bận rộn nhất thế giới là từ phía nam. Đã tới lúc chúng tôi bắt đầu xem hai quần đảo đó là một bàn đạp của Ấn Độ”, cựu chỉ huy quân đội A. K. Singh nói với Reuters.