Theo Economic Times, Ủy ban An ninh của Chính phủ Ấn Độ đứng đầu là Thủ tướng Narendra Modi đã phê duyệt việc mua khoảng 100 tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos trị giá gần 650 triệu USD. Đây sẽ là trung đoàn tên lửa BrahMos thứ 4 được tiếp nhận vào hệ trang bị của quân đội Ấn Độ. Ngoài 100 tên lửa BrahMos, quân đội Ấn Độ còn mua 5 bệ phóng di động và một trạm chỉ huy cơ động.
Trung đoàn tên lửa BrahMos thứ 4 sẽ được bố trí tại bang miền núi Arunachal Pradesh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ. Ảnh ibtimes.com |
Trung đoàn tên lửa BrahMos thứ 4 này sẽ được bố trí tại bang miền núi Arunachal Pradesh, nơi Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ. Cho đến nay, hai nước vẫn không đi tới thoả thuận được quốc tế công nhận về đường phân cách biên giới.
Khác với các trung đoàn tên lửa BrahMos được triển khai trước đó, trung đoàn mới được trang bị tên lửa phiên bản cải tiến BrahMos Block III. Loại tên lửa này có hệ thống điều khiển cải tiến và có khả năng bay theo quỹ đạo phức tạp hơn: bay ở độ cao không lớn lắm giữa các ngọn núi và bắn trúng mục tiêu trên núi dốc đứng. Nhưng tầm xa của chúng cũng giống như trong các phiên bản BrahMos khác: 290 km.
Bằng cách triển khai dọc biên giới Trung Quốc nhóm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hạng nặng phóng hàng loạt, New Delhi đang cố gắng cân bằng lực lượng trong trường hợp xảy ra xung đột với Bắc Kinh.
Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng mạng lưới đường giao thông chất lượng tốt ở khu tự trị Tây Tạng giáp biên giới Ấn Độ. Trung Quốc tiếp tục kiểm soát nhiều dốc đèo, hẻm núi và các cứ điểm quan trọng khác ở biên giới giữa hai nước. Sự kiểm soát khu tự trị Tây Tạng cho phép Trung Quốc đến gần các khu vực đông dân cư của Ấn Độ, trong khi đó các trung tâm kinh tế của Trung Quốc lại quá xa đường biên giới giữa hai nước. Và điều đó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với New Delhi.
Quân đội Trung Quốc triển khai thường trực ở Tây Tạng khá khiêm tốn: 3 lữ đoàn sơn cước, 1 trung đoàn pháo binh và 1 trung đoàn phòng không. Trung Quốc không triển khai tại đây các đơn vị tên lửa. Tuy nhiên, theo định kỳ, quân đội tiến hành các cuộc tập trận và phái đến Tây Tạng các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung từ các vùng nội địa của đất nước. Trung Quốc cũng tích cực thử nghiệm tên lửa ở vùng núi. Rõ ràng, Trung Quốc thực hiện điều đó để "đề phòng trường hợp cần đến". Dù sao đi nữa, phần lớn lãnh thổ Ấn Độ ở trong tầm bắn của tên lửa tầm trung từ tỉnh Vân Nam và Thanh Hải của Trung Quốc.
Sự hiện diện của các đơn vị tên lửa ở khu vực biên giới với Trung Quốc tạo ra cho quân đội Ấn Độ một số khả năng bổ sung trong trường hợp xảy ra xung đột biên giới. Nhưng Ấn Độ khó có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Trung Quốc vì tên lửa của họ có tầm bắn khá hạn chế. Sự vượt trội của vũ khí tên lửa Trung Quốc so với Ấn Độ là một thực tế rõ ràng. Ấn Độ chỉ thực hiện các bước cần thiết tối thiểu để duy trì sự cân bằng về lực lượng.