Vào thế kỷ 18, Việt Nam có một triều đại tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng có dấu ấn vô cùng mạnh mẽ - nhà Tây Sơn. Nói đến Tây Sơn là nói đến 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Người nắm quyền đầu tiên của nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, người anh cả, lên ngôi năm 1778. Và sau đó tới năm 1788, Nguyễn Nhạc nhường ngôi cho em là Nguyễn Huệ, chính là Quang Trung hoàng đế. Quang Trung – Nguyễn Huệ cũng là người nổi bật hơn cả so với hai người anh của mình.
Quang Trung (Nguyễn Huệ, 1753 – 1792). Cho đến bây giờ, hoàng đế Quang Trung vẫn là cái tên nổi bật trong lĩnh vực quân sự của Việt Nam. Ông được đánh giá là bậc minh quân, thiên tài quân sự, người sở hữu nhãn quan chiến thuật tài tình khiến bất cứ kẻ địch nào cũng sợ hãi.
Ảnh minh họa. |
Nhờ có sự lãnh đạo của ông và 2 người anh, cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn bị chấm dứt, 2 triều đại phong kiến đó cùng nhà Hậu Lê cũng bị lật đổ. Đặc biệt hơn, dưới thời hoàng đế Quang Trung, nước ta đánh bại thế lực ngoại xâm như Xiêm La (phía Nam), Đại Thanh (phía Bắc). Một “bản thiết kế” vĩ đại đã được Quang Trung vạch sẵn trong đầu, nhắm đến mục tiêu xây dựng Đại Việt hùng mạnh sánh vai với các cường quốc xung quanh. Đáng tiếc, sự ra đi đột ngột của ông ngay sau đó đã khiến mọi chuyện dang dở.
Hoàng đế Quang Trung là trường hợp hiếm hoi khiến hoàng đế Càn Long của Trung Quốc phải e ngại. Năm 1788, Càn Long lệnh cho 20 vạn quân Mãn Thanh đánh Đại Việt. Đáp lại, Nguyễn Huệ cùng 10 vạn quân ra Bắc nghênh chiến. Chênh lệch lực lượng là thế mà cuối cùng quân nhà Thanh bị đánh cho tan tác, 20 vạn quân bị truy sát bỏ mạng gần hết.
Lần đó, Tôn Sĩ Nghị của nhà Thanh chạy về Lạng Sơn, báo tin bị quân Tây Sơn đuổi đánh. Ai cũng nghĩ Quang Trung sẽ đánh lên phía Bắc, nhưng cuối cùng vị hoàng đế Đại Việt lại tỉnh táo mở đường hòa hiếu. Ông hiểu rõ mối nguy hiện tại của mình là quân của Nguyễn Vương Phúc Ánh “Đàng Trong”.
Về phần Càn Long, nghe tin báo xong lại không ra lệnh xua quân sang đánh trả thù. Nhiều tài liệu lịch sử cho rằng nguyên nhân vì vị hoàng đế nhà Mãn Thanh nể phục uy vũ của hoàng đế Quang Trung và e ngại ông, dù cho Đại Việt khi đó chỉ là nước nhỏ.
Lại có nguồn bảo rằng, vì nể Quang Trung mà sau này Thanh Cao Tông Càn Long đã đối xử tệ với bọn vua quan lưu vong Lê Chiêu Thống. Sau khi Quang Trung mất, việc này cũng không thay đổi.
Trong cuộc đời cầm quân của mình, hoàng đế Quang Trung chưa từng bại trận. Đây là chiến tích mà bất cứ vị tướng nào cũng ao ước. Nó còn là ‘bản profile” chất lượng khiến kẻ địch nào đối đầu với ông cũng phải dè dặt.
Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tuy tại vị ngắn, triều đại cũng không tồn tại lâu nhưng lại rất được lòng người dân. Sau khi ông mất, nhân dân khắp nơi xây lăng, lập đền thờ, dựng bia tưởng niệm. Nhà Nguyễn sau này tìm cách bôi nhọ, cấm thờ cúng hoàng đế Quang Trung nhưng vẫn không thể xê dịch hình ảnh anh hùng của ông trong lòng người dân.
Ngày nay, theo thống kê của Tổng cục Thống kê đưa ra, có 25 phường, xã tại Việt Nam mang tên vị anh hùng dân tộc Quang Trung. Ông chính là người được đặt tên cho nhiều phường, xã nhất nước ta. Các tỉnh, thành có phường, xã mang tên Quang Trung bao gồm: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Kon Tum, Đồng Nai.