Lạm phát kỷ lục
Bloomberg vừa công bố Chỉ số Khốn khổ (Misery Index). Theo đó, nền kinh tế có chỉ số khốn khổ cao nhất trong năm 2019. - một danh hiệu mà không nước nào muốn nhưng bao giờ cũng có chủ và năm nay tiếp tục thuộc về Venezuela.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp Venezuela dẫn đầu bảng xếp hạng Misery Index, một chỉ số được tính bằng tổng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp tại các nền kinh tế trên thế giới.
Xếp tiếp theo Venezuela trong bảng Chỉ số Khốn khổ là các nền kinh tế Argentina, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ukraine, Tây Ban Nha, Uruquay...
Hầu hết các nền kinh tế trong nhóm “khốn khổ nhất” đang phải vật lộn với tình trạng siêu lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, áp lực kinh tế lớn và ít cải thiện trong việc kiềm chế tăng giá cũng như tạo việc làm cho người lao động.
Venezuela xếp số 1 trong số các nước khốn khổ nhất. |
Trong khi đó, trong top 10 những nơi hạnh phúc nhất có tới 3 nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Thái Lan tiếp tục xếp cuối Misery Index, còn Thụy Sĩ vươn lên vị trí thứ 2 từ dưới lên trong bảng xếp hạng này. Singapore ở vị trí số 4; Malaysia xếp nguyên ở vị trí thứ 6. Nhật xếp thứ 4 còn vùng lãnh thổ Đài Loan lên vị trí thứ 5, Hong Kong thứ 7, Hàn Quốc thứ 10 và Isreal thứ 9.
Nếu các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á áp đảo trong top đầu những nền kinh tế có chỉ số khốn khổ thấp nhất thì đất nước Nam Mỹ Venezuela vẫn chìm trong khủng hoảng.
Mức lạm phát 2019 tại Venezuela được dự báo còn cao hơn nhiều so với năm tồi tệ vừa qua.
Trong năm 2018, Venezuela đã phải trải qua một đợt khủng hoảng chưa từng có. TTCK nước này diễn biến xấu nhất thế giới với mức giảm gần 95%, chính phủ thiếu tiền, lạm phát phi mã lên tới hơn 1 triệu phần trăm cho cả năm,...
Hàng loạt phóng sự trên truyền thông quốc tế và clip trên mạng cho thấy, người dân Venezuela ở trong tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thuốc men,...
Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạm phát tại Venezuela năm 2018 đạt khoảng 1 triệu phần trăm. Đây là mức lạm phát kỷ lục mọi thời đại của một quốc gia. Trong năm 2018, Venezuela đã phải loại bỏ 5 số 0 trên đồng tiền. Nước này thậm chí phải phát hành tiền ảo như một giải pháp để chống lạm phát. Nhiều người Venezuela đã bỏ sang các quốc gia láng giềng để kiếm sống.
Thảm cảnh quốc gia giàu tài nguyên
Một điều đáng buồn là: Venezuela là một nước giàu tài nguyên nhưng rơi vào thảm cảnh. Nền kinh tế Nam Mỹ này sở hữu trữ lượng dầu lửa khổng lồ và là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Venezuela từng là quốc gia có thế lực xếp trên nước Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch thế giới.
Không chỉ sở hữu một lượng dầu mỏ khổng lồ, Venezuela còn là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên khác như kim cương, bauxite, vàng, nickel, khí đốt và sở hữu một bờ biển dài xinh đẹp vùng biển Caribe nổi tiếng.
Đây là quốc gia giàu trữ lượng vàng và có hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối bằng vàng thỏi. Venezuela khai thác hàng chục tấn vàng/năm và từng xuất khẩu vàng sang nhiều nước trên thế giới, với khoảng vài tỷ USD trong những năm gần đây. Chính quyền Venezuela từng khẳng định chỉ 1 khu vực Arco Minero del Orinoco đã có trữ lượng khoảng 8 ngàn tấn, lớn nhất thế giới.
Venezuela cũng gửi vàng ở các ngân hàng trung ương nước ngoài với số lượng riêng ở Anh có giá trị khoảng 1,2 tỷ USD mà gần đây NHTW Anh chưa đồng ý trả do có sự bất ổn trên chính trường đất nước Nam Mỹ này.
Cho dù đã từng là một cường quốc kinh tế của Nam Mỹ thế nhưng giờ đây Venezuela lại là quốc gia nợ nần nhiều nhất thế giới do mô hình kinh tế nhà nước kém hiệu quả và nạn tham nhũng nghiêm trọng kéo dài.
Nền kinh tế Venezuela rơi vào khủng hoảng trong nhiều năm qua. |
Sau Thế chiến thứ 2, Venezuela là quốc gia giàu thứ 4 trên thế giới tính theo GDP/đầu người, cao gấp vài lần Nhật Bản và cả chục lần so với Trung Quốc. Tới đầu những năm 80, Venezuela vẫn là một trong những nước giàu có nhất khu vực Mỹ Latin.
Tuy nhiên, hiện tại, Venezuela là nước nghèo nhất Nam Mỹ. Trong năm 2018, hãng dầu mỏ quốc doanh PDVSA, cỗ máy in tiền hiếm hoi tại Venezuela nợ hàng chục tỷ USD và mất khả năng thanh toán sau khi lượng dầu của nước này rới xuống mức thấp nhất 70 năm vì khủng hoảng kinh tế.
Nền kinh tế kém đa dạng, gần như toàn bộ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, đã khiến chính phủ nước này rơi vào tình trạng thiếu tiền, không thể cung cấp đủ lương thực và thuốc men cho người dân trong nhiều năm qua.
Trên Bloomberg, Venezuela đổ lỗi cho những lệnh cấm vận của Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này. Tuy nhiên, không ít người thừa nhận, chính sự quản lý nền kinh tế yếu kém và một bộ máy làm việc không hiệu quả đã gây ra cuộc đại khủng hoảng.
Gần đây, Mỹ đang tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Venezuela để gây áp lực cho chế độ của Tổng thống Nicolas Maduro.