“Chìm” trong khủng hoảng
Sheraton Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao xa xỉ hàng đầu Hà Nội dù không có được vị thế tuyệt đẹp như Intercontinental Hà Nội nhưng Sheraton Hà Nội cũng khiến các khách sạn khác ghen tị vì nằm ngay ven Hồ Tây thơ mộng. Chính vì vậy, Sheraton trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Khách sạn Sheraton Hà Nội lận đận từ ngày mới xây dựng . |
Nhìn vào sự hoành tráng của Sheraton, không ai dám nghĩ khách sạn này cũng có thời kỳ dài lao đao và bị rao bán.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hàng loạt khách sạn cao cấp ồ ạt vào Việt Nam như Daewoo, Melia, Intercontinental Hà Nội. Sheraton cũng ghi tên mình vào danh sách đó. Faber Group là tập đoàn rót vốn vào khách sạn này với nhiều tham vọng lớn.
Sheraton khởi công từ năm 1993 nhưng không thể hoàn thành đúng kế hoạch vì “đụng” cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nổ ra năm 1997 từ Thái Lan. Cuộc khủng hoảng này không ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam nhưng tác động mạnh tới túi tiền nhà đầu tư.
Theo The Financial Times, cuối năm 1997, khách sạn 299 phòng Sheraton đã chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên. Khách sạn tuyển dụng 300 nhân viên. Phòng bếp được đưa vào thực hành nấu nướng dưới sự giám sát chặt chẽ của Giám đốc điều hành.
Thế nhưng hơn nửa năm sau, tới tháng 7/1998, Theo mô tả của The Financial Times, nhân viên lũ lượt ra đi, điện thoại bị cắt, tòa nhà 18 tầng hoàn toàn trống rỗng.
“Họ hết tiền rồi” – Một tài xế taxi ở gần cổng khách sạn đã đóng cho biết. Thậm chí trước khi khách sạn hoàn thành hoặc có người đến ở, Sheraton đã bị rao bán. Sheraton cùng chung số phận với nhiều khách sạn khác tại Malaysia và Nam phi do Faber Group sở hữu. Thời điểm đó, tập đoàn này gặp nhiều khó khăn.
Không rõ sau khi Faber Group rao bán, Sheraton có đắt khách hay không. Chỉ biết, nhiều năm sau đó, Faber Group vẫn chưa rút ra khỏi “vũng lầy” Sheraton.
Trong thời gian khủng hoảng, hoạt động của khách sạn bị đình đốn. Tới năm 2003, khách sạn được hoàn thiện trở lại. Nhưng phải tới năm 2004, Sheraton mới kết thúc xây dựng và được đưa vào hoạt động chính thức. Như thiết kế ban đầu, khách sạn gồm 299 phòng và 18 tầng.
Không giống như nhiều khách sạn khác, trong thời kỳ mới hoạt động, Sheraton không phải gánh các khoản thua lỗ vì Sheraton khá hút khách. Theo báo cáo của Conglomera, tại thời điểm 31/12/2006, tỷ lệ lấp đầy tại Sheraton là 75,4%.
Sheraton là một trong số ít các khách sạn sớm có lợi nhuận ngay sau khi hoạt động. Lợi nhuận năm 2005, 2006 và 2007 của Sheraton lần lượt là 6,9 triệu USD, 13 triệu USD và 23 triệu USD. Doanh thu các năm lần lượt là 10 triệu USD, 20 triệu USD và 44 triệu USD. Trong cả 3 năm, Sheraton đều nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Thương vụ 68,2 triệu USD
Có thể thấy, sau những lận đận ban đầu, khi đã đi vào hoạt động, Sheraton kinh doanh khá hiệu quả. Sheraton mang tới cho ông chủ Faber Group một khoản lợi nhuận không nhỏ.
Mặc dù đã vượt qua khó khăn và bắt đầu gặt hái thành quả với Sheraton nhưng Faber Group vẫn quyết tâm rời xa “đứa con” của mình. Năm 2007, Faber Group đã đàm phán với Berjaya Land để bán Sheraton. Theo Conglomera, bản hợp đồng này có giá trị 68,2 triệu USD.
Sheraton Hà Nội đã đổi chủ . |
Trong thương vụ này, Faber Group cũng có lời đôi chút khi kiếm được khoản lời 10,9%. Thời điểm đó, giá trị sổ sách ròng đã được kiểm toán của Sheraton đạt 61,5 triệu USD (tương đương 206 triệu RM). Thương vụ này phù hợp với chiến lược mục tiêu của Faber Group là tập trung vào hai mảng kinh doanh cốt lõi: quản lý và phát triển bất động.
Một bên muốn “thoát xác” để tập trung vào mảng kinh doanh chủ chốt, một bên không muốn đứng ngoài làn sóng đầu tư vào thị trường Việt Nam tại thời điểm đó nên thương vụ diễn ra khá nhanh chóng và hoàn tất trong năm 2008.
Như vậy, Sheraton đã thuộc về Berjaya Land, công ty nằm trong Tập đoàn của Vincent Tan. Năm 2008, không chỉ mua Sheraton, Vincent Tan còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào hàng chục dự án ở Việt Nam. Ngoài ra, vị đại gia này còn thâu tóm khách sạn 5 sao Intercontinental Hà Nội.
Những dự án của Vincent Tan trải dài trên nhiều lĩnh vực như đất đai, du lịch và chứng khoán từ Hà Nội, Hòa Bình đến Tp.HCM, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho đôi bên trong tương lai. Ngoài ra, cũng chính Berjaya là chủ sở hữu của khu nghỉ mát xa xỉ Long Beach Resort tại Phú Quốc.
Tuy nhiên, với Sheraton, Berjaya Land không phải ông chủ duy nhất. Theo xác nhận từ phía Sheraton, hiện khách sạn này do 2 đơn vị cùng sở hữu, bao gồm Công ty TNHH MTV Hồ Tây và Berjaya Corporation Berhad.