Hơn một tuần qua, lãnh đạo nhiều công ty và chủ đại lý vé số kiến thiết ở các tỉnh miền Tây đã đứng ngồi không yên khi tại Trà Vinh có người trúng giải độc đắc trên 92 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott). Số tiền này cao gấp 9-10 lần so với tổng giá trị giải đặc biệt của mỗi kỳ/tuần (6 hoặc 7 vé có dãy 6 số trùng nhau) mà các công ty xổ số kiến thiết (XSKT) mở thưởng.
Chế tài đại lý lơ là kinh doanh vé truyền thống
Chính vì giải đặc biệt Mega 6/45 (giải Jackpot) của Vietlott có giá trị quá lớn nên người dân miền Tây đổ xô đi mua vé số điện toán nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời. Chớp lấy thời cơ này, một số điểm bán vé số kiến thiết truyền thống hoặc người bán dạo đã mua vé điện toán in sẵn (thay gì tự chọn) để bán cao hơn giá thực tế từ 1.000-2.000 đồng.
Nhiều điểm bán vé số kiến thiết bán vé điện toán trên đường Ngô Quyền, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Việt Tường. |
Hiện, miền Tây chỉ TP Cần Thơ và tỉnh An Giang có đại lý của Vietlott nhưng vé số điện toán xuất hiện ở khắp 11 tỉnh còn lại. Nhiều người đã liên tục truy cập vào cổng thông tin điện tử của Vietlott để tìm hiểu về điều kiện trở thành đại lý chính thức của loại hình "xổ số kiểu Mỹ". Điều này cho thấy vé số điện toán đang được rất nhiều người quan tâm.
Trước phản ánh của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, ông Nguyễn Thanh Đạm - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xổ số Điện toán Việt Nam, ký văn bản gửi các đại lý của Vietlott. Nội dung của văn bản này là đại lý phối hợp với Vietlott trong việc quản lý, giám sát, kiểm tra các điểm bán hàng trực thuộc. Nếu Vietlott phát hiện vi phạm sẽ thực hiện các biện pháp xử lý đại lý và điểm bán hàng theo hợp đồng, trong đó có việc sẽ chấm dứt hoạt động của điểm bán hàng.
Trước "cơn bão" đến từ Vietlott, ông Đỗ Quang Vinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên XSKT TP.HCM (Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam) ký văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo và kiến nghị về hoạt động xổ số điện toán.
Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, tình hình hoạt động của xổ số điện toán đang gây khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của khu vực. Từ đó, các công ty XSKT báo cáo, đề nghị UBND tỉnh, thành (nhất là nơi Vietlott chưa triển khai thiết bị đầu cuối) chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của các đơn vị, cá nhân kinh doanh trái phép vé điện toán nhằm đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi và nguồn thu ngân sách địa phương.
Hội đồng XSKT khu vực miền Nam còn đưa ra giải pháp với thông báo nghiêm cấm và chế tài đối với tất cả các đại lý cũng như người bán vé số truyền thống tham gia bán vé của Vietlott vượt giá quy định. Trong đó, đại lý vé số cấp 1 phải phổ biến và nhắc nhở mạng lưới phân phối của mình để tránh vi phạm và bị xử phạt.
"Đại lý vé số truyền thống không tập trung và tích cực tiêu thụ, trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho doanh thu xổ số truyền thống bị sụt giảm thì sẽ bị công ty chế tài, điều chỉnh vé hoặc thu hồi vé để chuyển sang cho đại lý ở thị trường khác đang cần", văn bản của Hội đồng XSKT khu vực miền Nam nêu.
Giải đặc biệt 2 tỷ đồng từ đầu năm 2017
Trao đổi với phóng viên Zing.vn, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Tổng giám đốc Công ty XSKT Bạc Liêu, cho biết đơn vị đã báo cáo lãnh đạo tỉnh này về việc vé số điện toán được in sẵn bán nhiều tại địa phương này. Qua đó, công ty XSKT sẽ nhờ công an kiểm tra việc bán vé số điện toán không phép và bán giá cao hơn quy định, gây ảnh hưởng đến vé số truyền thống.
Vé số điện toán mở thưởng ngày 24/6, được đại lý của Vietlott in sẵn vào 14h44 ngày 20/6 và bán đến tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
"Người nào mua vé số điện toán là phải đến tận nơi được lắp thiết bị đầu cuối. Sau khi chọn chuỗi 12 số thì người mua sẽ được đại lý in ra tại chỗ. Việc bán vé điện toán được in sẵn ở các địa phương không có đại lý của Vietlott là sai quy định, cần phải xử lý", bà Thúy nói.
Theo bà Thúy, Vietlott được Bộ Tài chính cho phép kinh doanh vé số tự chọn trên phạm vi cả nước nên về lâu dài, loại hình xổ số này sẽ ảnh hưởng đến doanh số tiêu thụ của vé số truyền thống. Do đó, XSKT Bạc Liêu xác định sẽ "sống chung với lũ" khi hòa nhập với sân chơi lớn này.
Cùng quan điểm, ông Cao Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty XSKT Hậu Giang, cho biết đơn vị sẽ "sống chung với lũ" từ khi Vietlott kinh doanh vé số tự chọn. Hiện, tỉnh này chưa có đại lý của Vietlott nhưng vé điện toán được nhiều người bán dạo đưa đến tay người dân với giá 11.000-12.000 đồng/vé.
"Chúng tôi chưa nhờ chính quyền, công an can thiệp việc kiểm tra, giám sát vé điện toán được in sẵn để bán với giá cao. XSKT Hậu Giang sẽ cạnh tranh đúng pháp luật với Vietlott. Tôi thấy hơn 3 tháng mà Vietlott có doanh thu 139 tỷ đồng thì chỉ bằng một tháng của XSKT Hậu Giang", ông Tùng tự tin.
Trước quán cơm Ngọc Thảo ở Sóc Trăng có áp phích quảng cáo vé số điện toán dán lên tường và niêm yết giá bán là 11.000 đồng/vé. Ảnh: Việt Tường. |
Tương tự, lãnh đạo một công ty XSKT khác ở miền Tây đang cùng tập thể đơn vị và các đại lý ở các tỉnh triển khai nhiều phương thức cạnh tranh lành mạnh với vé số tự chọn. Tuy nhiên, vị này không tiết lộ cách làm cụ thể vì sợ "lộ chiêu bài" trước đối thủ.
Theo vị này, 21 công ty XSKT phía Nam đã thống nhất nâng giá trị của giải đặc biệt truyền thống từ 1,5 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng. Hiện, Thường trực Hội đồng XSKT khu vực phía Nam đang trình Bộ Tài chính để triển khai từ ngày 1/1/2017.
Lãnh đạo một công ty XSKT khu vực phía Nam cho rằng tiền bán vé số kiến thiết sau khi trích cho quỹ khen thưởng và phúc lợi của doanh nghiệp thì số còn lại nộp hết vào ngân sách Nhà nước. Người mua vé số kiến thiết trúng thì lĩnh thưởng, không trúng cũng mang lại ích nước lợi nhà.
Vị này đặt vấn đề vé số điện toán có làm được như vé số truyền thống về việc đóng góp cho ngân sách Nhà nước hay không, vì Vietlott có sự liên kết đầu tư với nước ngoài.
Mời quý độc giả xem video về Vietlott (nguồn VTC):