Theo báo Thanh tra, cận Tết, nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao khiến giá vé máy bay tăng vọt. Mong ước sau một năm làm việc xa quê được về đoàn tụ với gia đình, mẹ cha đành phải gác lại do thu nhập không đủ mua vé máy bay khứ hồi cho cả gia đình. Năm nào cũng như năm nào, không ít gia đình phải từ bỏ kế hoạch về quê đón Tết.
Gia đình chị Mai Thị Oanh, sống tại TP.HCM, đã lên kế hoạch về Hà Nội đón Tết cùng ông bà nội. Tuy nhiên, do công việc bận rộn, chị không thể đặt vé máy bay sớm.
“Sau Rằm tháng Chạp, khi gia đình tôi mới có thể chốt ngày nghỉ Tết, thì vé máy bay hạng phổ thông đã hết. Giá vé thương gia lại quá cao. Tổng chi phí cho vé khứ hồi của cả gia đình lên đến hơn 30 triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đành phải hủy kế hoạch về quê đón Tết,” chị Oanh chia sẻ.
Giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình quyết định không về quê ăn Tết (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Chị Oanh cho biết, đã nhiều mùa Tết gia đình chị không thể về quê do ảnh hưởng của Covid-19 và khó khăn kinh tế. Năm nay, dù đã quyết tâm về quê ăn Tết cùng ông bà, nhưng chi phí quá cao khiến kế hoạch bị phá sản một lần nữa.
“Giá vé máy bay quá cao, chỉ riêng tiền đi lại đã hết 36 triệu đồng. Cộng thêm các khoản chi phí khác như quà bánh, lì xì, tổng chi phí có thể lên đến 60 - 70 triệu đồng. Cả năm dành dụm cũng không đủ để tiêu Tết,” chị Oanh nói thêm.
Không chỉ riêng gia đình chị Oanh, chị Hải Triều cũng quyết định không về quê Thanh Hóa vì giá vé máy bay cao. Chị Triều chia sẻ: “Giá vé quá đắt, dù biết bố mẹ, anh em, họ hàng sẽ rất mong, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác...”.
Dịp Tết, vé máy bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc nhiều năm qua luôn trong tình trạng “nóng”. Hiện nay, một số chặng từ TP.HCM đi miền Bắc và miền Trung vẫn còn vé, nhưng phải nối chuyến phức tạp. Ví dụ, hành khách từ TP.HCM muốn tới Đà Nẵng phải bay qua Hà Nội trước.
Chặng TP.HCM - Đà Nẵng vào ngày 24/1 (25 tháng Chạp) có giá vé nối chuyến qua Hà Nội của Vietjet là 6,1 triệu đồng/chặng, trong khi Vietnam Airlines cung cấp giá vé từ 9,3 triệu đồng/chặng.
Mặc dù các hãng hàng không đã bổ sung 522 chuyến bay, tương đương 133.000 ghế, nhưng nhiều đường bay từ TP.HCM đến các tỉnh vẫn kín chỗ trong những ngày sát Tết và ngược lại sau Tết.
Liên quan tháng phục vụ cao điểm Tết Ất Tỵ 2025, báo SGGP đưa tin, ngày 20/1, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (Cảng hàng không TSN) cho biết phương án phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Dự kiến sản lượng cao điểm Tết Nguyên đán 2025, tăng 6,25% chuyến bay và 5,36% lượng khách. Theo lịch bay có khoảng 26.033 chuyến bay và hơn 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc nội chiếm tỷ trọng cao hơn. Nâng số slot khai thác lên 48 chuyến/giờ ban ngày và 46 chuyến/giờ ban đêm, tăng tải cung ứng 18%.
Nhằm đảm bảo các chuyến bay đúng giờ, Cảng hàng không TSN điều chỉnh linh hoạt các vị trí đỗ và tối ưu tuyến lăn, đặc biệt đối với các máy bay thân rộng.
Song song đó, triển khai hệ thống ACDM (Hệ thống phối hợp ra quyết định) nhằm giảm thiểu thời gian lăn bánh, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Đồng thời, sử dụng phần mềm theo dõi thời gian thực để tối ưu nguồn lực và cải thiện khai thác. Nâng cấp hệ thống CUTE/CUPPS và FIDS, giúp cải thiện quy trình thủ tục và thông báo thông tin.
Sẽ có hơn 4 triệu lượt khách đi lại qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cao điểm Tết Ất Tỵ 2025. (Ảnh: ACV/ HNM) |
Theo Vietnamnet, trong bối cảnh hạ tầng còn hạn chế khi chờ đợi Nhà ga T3 đưa vào khai thác (dự kiến ngày 30/4/2025), sân bay Tân Sơn Nhất điều chỉnh công bố tham số Slot 1 số khung giờ lên 48 chuyến/giờ ban ngày và 46 chuyến/giờ ban đêm từ 21/1 đến 9/2 nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của hành khách.
Triển khai hệ thống thu không tiền mặt giúp cải thiện, thời gian phương tiện qua trạm rút gọn đáng kể. Hiện tại mỗi ngày có trên 78% lượt xe ra vào sân bay sử dụng dịch vụ thu không tiền mặt giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực.