Về hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị Paris

Tròn nửa thế kỷ trước, quanh chiếc bàn tròn tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, có nhiều câu chuyện.

Về hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị Paris

Hội nghị bốn bên hay hai bên?

Bà Hà Thị Ngọc Hà, nguyên đại sứ Việt Nam tại Chi Lê, là con gái đại sứ Hà Văn Lâu. Có dịp gặp bà để hỏi chuyện về đại sứ Hà Văn Lâu tại Hội nghị Paris, bà Hà cho tôi xem cuốn sách “Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình” do nhà văn Trần Công Tấn chấp bút, theo lời kể của cha bà. Trong cuốn sách, có một phần khá dày dặn về Hội nghị Paris được đại sứ Hà Văn Lâu kể lại. “Đây là cuốn hồi ký của cha tôi. Đọc những điều trong đó, có thể coi như nghe cha tôi kể chuyện vậy”- bà Ngọc Hà nói.

Bà Ngọc Hà cho biết, thời điểm đó, đại sứ Hà Văn Lâu là Phó Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Hội nghị Paris. Và một trong những câu chuyện đáng nhớ về Hội nghị Paris được ông kể lại trong cuốn hồi ký “Hà Văn Lâu - người đi từ bến làng Sình” là hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị lịch sử này. Câu chuyện bắt đầu năm 1968, khi tại chiến trường miền Nam, ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ buộc phải thương lượng với Chính phủ VNDCCH, sau đó hai bên đạt thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán bắt đầu ngày 13/5/1968 tại Paris. Trong thời gian đàm phán, từ 13/5 đến 31/10/1968, phái đoàn VNDCCH yêu cầu Mỹ cần chấm dứt chiến tranh và chấp thuận họp Hội nghị bốn bên với sự tham gia của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (DTGPMNVN). Ngày 1/11/1968, chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng không chấp thuận sự có mặt bình đẳng của đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN. Họ cho rằng, hội nghị tiếp theo tại Paris vẫn là cuộc đàm phán giữa hai bên: Một bên là Mỹ với chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), một bên là đoàn VNDCCH với Mặt trận DTGPMNVN. Như vậy, Mỹ cố tình phủ nhận vai trò của Mặt trận DTGPMNVN là một bên đàm phán. Phía Đoàn ta giữ vững quan điểm họp bốn bên với mục đích đề cao Mặt trận DTGPMNVN trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong đàm phán. Trước thực tế khó cưỡng, ngày 3/11/1968, Mỹ buộc phải chấp thuận thành phần họp bốn bên với sự tham gia của đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN.

Ve hinh dang chiec ban dam phan tai Hoi nghi Paris

Chiếc bàn tròn đàm phán giữa bốn bên tại Hội nghị Paris (Ảnh: T.L).

Hôm sau, ngày 4/11/1968, Đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu đã đến Paris. Trong hồi ký “Hà Văn Lâu - người đi từ bên làng Sình”, đại sứ Hà Văn Lâu mô tả sự xuất hiện của Đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN tại sân bay Bourget có hàng ngàn Việt kiều, hàng trăm nhà báo Pháp và quốc tế cùng nhiều đại sứ, đại diện ngoại giao của nhiều nước đi đón. Một rừng cờ đỏ sao vàng, cờ Giải phóng của Mặt trận, băng rôn, biểu ngữ rợp trời cùng những tiếng hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Mặt trận DTGPMNVN muôn năm”. Ngày hôm sau, nhiều tờ báo Pháp đưa lên trang nhất tin và bài viết về Đoàn đại biểu Mặt trận DTGPMNVN đến dự Hội nghị Paris. Nữ nhà báo Pháp nổi tiếng Mađơlen Riphô viết: “Việt cộng đã thắng lợi lớn qua sự tiếp đón bà Bình tại Paris. Bà Bình như bà hoàng, được đón như quốc trưởng, đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt. Bà Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris. Thật tuyệt. Rất hiếm có…”.

Ve hinh dang chiec ban dam phan tai Hoi nghi Paris-Hinh-2

Phó đoàn VNDCCH Hà Văn Lâu (thứ 3 từ phải sang) tại Hội nghị Paris (Ảnh: T.L).

Ngược với sự tiếp đón trên, hơn một tháng sau, ngày 8/12/1968, đoàn VNCH do Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu, ông Phạm Đăng Lâm (tổng đại diện VNCH tại Paris) làm trưởng đoàn đã tới Paris dự hội nghị. Chỉ có khoảng 40 người Việt, người Pháp và người Phi ra đón đoàn, cầm theo một số cờ và biểu ngữ. Ngày hôm sau, báo chí Pháp đưa tin: “Những người Việt Nam được VNCH thuê đi đón đoàn được trả 50 Franc (Phơ-răng) cho mỗi người”.

Khẳng định chỗ ngồi bình đẳng qua hình dáng chiếc bàn

Trước thực tế trên, phía Mỹ vẫn tìm cách hạ thấp vị trí của đoàn Mặt trận DTGPMNVN tại hội nghị bốn bên. Điều đó được họ tìm cách thể hiện qua hình dáng chiếc bàn và chỗ ngồi trên bàn đàm phán. Đại sứ Hà Văn Lâu kể lại trong hồi ký, trước khi đoàn VNCH sang Paris 4 ngày, ngày 4/12/1968, ông Cyrus Vance (thành viên cốt cán trong đoàn đàm phán của Mỹ) đã đến gặp Phó đoàn VNDCCH Hà Văn Lâu để bàn việc tiến hành họp hội nghị bốn bên. Chiếc bàn để bốn bên ngồi đàm phán được Vance nêu ra là sẽ mang hình dáng thế nào, tròn hay méo, vuông hay lệch? Rồi Vance đưa tới mười kiểu bàn, thể hiện lập trường đây vẫn là cuộc đàm phán giữa hai bên, nhưng bị ta bác bỏ. Phó đoàn Hà Văn Lâu đề nghị bàn hình vuông để các bên có vị trí như nhau, nhưng Vance lại đề xuất bàn hình chữ nhật với ngụ ý bên quan trọng hơn sẽ ngồi ở phần chiều dài, còn lại ngồi ở chiều rộng. Cuộc gặp không thống nhất khi hai bên bất đồng quan điểm.

Ve hinh dang chiec ban dam phan tai Hoi nghi Paris-Hinh-3

Bà Hà Thị Ngọc Hà (thứ tư từ phải sang) thay mặt gia đình gửi tặng những tư liệu của đại sứ Hà Văn Lâu cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Ảnh: KIẾN NGHĨA).

Chỉ riêng chuyện hình dáng chiếc bàn đàm phán, Mỹ đã kéo dài qua nhiều cuộc họp để Vance tranh luận với Phó đoàn Hà Văn Lâu. Trước sự việc này, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (thời điểm này đã sang Paris) tố cáo Mỹ cố tình vin cớ để kéo dài mọi chuyện càng lâu càng tốt, giúp họ có thời gian “hà hơi tiếp sức” cho chính quyền Sài Gòn trước khi rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn làm ngơ trước phê phán của ta, tiếp tục “kèo nèo” quanh kiểu dáng chiếc bàn đàm phán, với mục đích kéo dài thời gian qua các cuộc họp.

Trong lần gặp thứ sáu, Phó đoàn Hà Văn Lâu đưa ra hai kiểu bàn mới hình thoi và hình tròn chia tư, vẫn với ngụ ý các bên bình đẳng như nhau. Vance lảng chuyện, tìm cách bàn ngang là hình dáng bàn có thể nhờ Pháp thu xếp giúp, nhưng ta không đồng ý. Lần gặp thứ bảy, Vance đưa ra hai kiểu bàn có hình bầu dục cắt dọc đôi và hình tròn cắt đôi. Phó đoàn Hà Văn Lâu bác bỏ, đưa ra kiểu bàn tròn kín không cắt đôi, cả bốn đoàn muốn ngồi vị trí nào cũng được. Vance nói sẽ nghiên cứu đề xuất này. Tuy nhiên, ngày 12/1/1969, tới lần gặp thứ 9, ông ta lại nêu quan điểm cũ là bàn ngồi đàm phán phải thể hiện rõ là họp hai phía. Ta vẫn giữ vững lập trường đây là hội nghị bốn bên, và các bên đều bình đẳng như nhau. Ngày 16/1/1969, tới lần gặp thứ mười, Vance nói với Phó đoàn Hà Văn Lâu là Mỹ chấp thuận hình dáng chiếc bàn tròn theo ta đề xuất, nhưng họ đề nghị có thêm hai bàn nhỏ kê đối diện nhau, mỗi bàn cách cạnh ngoài của bàn tròn khoảng 45cm, để cho thư ký ngồi. Ta đồng ý. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã làm giúp bàn đàm phán như đã hứa, và chỉ trong một đêm là xong.

Ngày 25/1/1969, Hội nghị Paris giữa bốn bên đã khai mạc trọng thể tại phòng lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc tế, thuộc phố Kleber (Cộng hòa Pháp). Để sau đó 4 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết quanh chiếc bàn tròn lịch sử. Đến nay, hình dáng chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị Paris vẫn luôn là câu chuyện nhắc nhở chúng ta về sự kiên định, về đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam, vì quyền lợi chính đáng của dân tộc. 

Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại

Hiệp định Paris 1973: 40 năm nhìn lại

Sự thất hứa của Mỹ sau Hiệp định Paris 1973

(Kiến Thức) - Nhiều người nghĩ rằng, sau Hiệp định Paris 1973, hòa bình sẽ được lập lại ở Việt Nam, nhưng hòa bình chỉ được tái lập sau ngày 30/4/1975.

Sự thất hứa của Mỹ sau Hiệp định Paris 1973
Ở phần 1 "Việt Nam - Cuộc binh biến thầm lặng", chúng ta đã được nhìn lại một phần cuộc chiến tranh tàn khốc. Sự chán nản, phẫn nộ kèm theo những hành động phản đối đã được John Pilger tái hiện lại chân thực nhất khi nói về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Một trong những lời phát biểu gây ám ảnh nhất của binh lính Mỹ: “Tôi không thể thấy được ý nghĩa của cuộc chiến này, và không ai lý giải được việc tại sao chúng tôi lại phải ở đây. Tôi thật sự không muốn cầm súng chống lại những người này, tôi không muốn giết họ…”
Phần 2 này, chúng ta sẽ được thấy những hành động của Mỹ sau khi tuyên bố “chấm dứt chiến tranh” tại Việt Nam vào Tháng 2 năm 1973. Mỹ đã thất hứa khi vẫn hiện diện ở Việt Nam dưới vỏ bọc là cơ quan quản lý dịch vụ (Management Services Division). Và, đối với John Pilger chiến dịch cuối cùng ở Việt Nam bắt đầu từ ngay ngày đầu năm mới 1975, khi quân đội miền Bắc bao vây và chiếm thủ phủ Phước Bình, chỉ cách Sài Gòn có 75 dặm.

Giây phút xúc động của bà Nguyễn Thị Bình khi ký Hiệp định Paris

“Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử rất xúc động, nghĩ đến miền Nam, nghĩ đến đồng bào, đồng chí... Trong đời tôi, đây là vinh dự lớn...”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Giây phút xúc động của bà Nguyễn Thị Bình khi ký Hiệp định Paris

VietNamNet trân trọng giới thiệu những hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về ngày ký kết chính thức Hiệp định Paris.

Ngày 27/1/1973, lễ ký kết chính thức "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" là ngày đáng ghi nhớ với nhân dân ta và nhân dân thế giới...

Giay phut xuc dong cua ba Nguyen Thi Binh khi ky Hiep dinh Paris
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN 

Đối với mỗi anh chị em chúng tôi trong hai đoàn đàm phán, ngày 27/1/1973 cũng là ngày không thể nào quên. Những ngày trước đó cả hai đoàn phải tập trung hoàn thành văn kiện, kể cả việc rà soát, in ấn. Làm việc mệt mỏi cho đến tận khuya nhưng vẫn vui...

Hôm ấy, từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã được bạn bè ở Paris và các tỉnh, cả bạn bè mấy nước lân cận, gọi điện, gửi lẵng hoa chúc mừng thắng lợi, cổ vũ chúng ta chiến đấu đến ngày toàn thắng.

Trời Paris hửng nắng. Đúng 10 giờ, các đoàn lần lượt đến đại lộ Kléber. Điều hết sức xúc động là hai bên hè đường và trước cửa Trung tâm hội nghị quốc tế người đông nghịt giữa rừng cờ đỏ sao vàng và cờ sao vàng trên nền nửa đỏ, nửa xanh, tưng bừng vẫy gọi, chào đón chúng tôi, chúc mừng lễ ký kết.

Phần lớn bà con kiều bào và bạn bè Pháp, cùng khá đông bạn bè các nước châu Âu, châu Phi và cả những người bạn Mỹ đến chia vui với chúng ta. Mỗi người đều thấy đó là kết quả đấu tranh chung, trong đó có sự đóng góp của chính mình đã hàng chục năm kiên trì phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ và ủng hộ Việt Nam chiến đấu chính nghĩa.

Phóng viên thông tấn Mỹ AP mô tả: "Họ hô các khẩu hiệu chống Mỹ và chống Sài Gòn khi Lắm và Rogers đến; nhưng lại hò reo hoan hô các đoàn xe của bà Bình và ông Trinh - Việt Nam muôn năm! Hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời! Hoan hô Việt Nam dân chủ cộng hòa".

Phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI cũng tả quang cảnh hôm đó: "Buổi lễ ký kết hòa bình ở Việt Nam diễn ra trong khung cảnh huy hoàng tráng lệ của thế kỷ 19 và những biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất mà thế kỷ 20 có thể tạo ra. Bốn ngoại trưởng được một đạo quân gồm 2000 cảnh sát và nhân viên an ninh bảo vệ nghiêm cẩn... Sau bốn năm làm gia chủ nơi tiến hành cuộc đàm phán, giờ đây, người Pháp tin rằng bà Nguyễn Thị Bình, các ông Nguyễn Duy Trinh, W. Rogers và Trần Văn Lắm sẽ làm cho toàn thế giới hướng về Paris trong ngày 27/1/1973".

Đó là không khí rất trang nghiêm. Chúng tôi được quan chức lễ tân Pháp trịnh trọng hướng dẫn đi giữa hai hàng Vệ binh cộng hòa với gươm tuốt trần oai nghiêm chào đón. Phòng họp rực sáng hơn thường lệ. Trong phòng đã có mặt đại diện Chính phủ Pháp, các đại sứ của bốn nước thành viên Ủy ban quốc tế và rất đông các nhà báo, nhiếp ảnh, quay phim quốc tế...

Vẫn chiếc bàn tròn lớn phủ kín nỉ xanh mà bốn đoàn đã tranh luận suốt 174 phiên, từ ngày 25/1/1969 đến hôm nay, vừa tròn bốn năm. Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu và Bộ trưởng Xuân Thuỷ ngồi bên. Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình dẫn đầu. Đoàn Mỹ do Ngoại trưởng William Rogers dẫn đầu, có thêm Thượng nghị sỹ Mike Mansfield, người thường xuyên chống chiến tranh Việt Nam (anh em trong đoàn cho biết, sau lễ ký, ông này đến xin tấm biển ghi tên đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời đặt trên bàn để làm kỷ niệm).

Đúng giờ, bốn bộ trưởng Ngoại giao bắt đầu ký hiệp định và bốn nghị định thư kèm theo. Mỗi ngoại trưởng phải ký tới 32 chữ ký và mỗi người có 32 cây bút để làm việc đó. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều...

Giay phut xuc dong cua ba Nguyen Thi Binh khi ky Hiep dinh Paris-Hinh-2
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo sau khi dự phiên họp đầu tiên bàn về thủ tục của Hội nghị 4 đoàn tại Paris (Pháp) ngày 18/1/1969. Ảnh: TTXVN 

Đối với chúng ta, nội dung quan trọng và cơ bản nhất của Hiệp định Paris là Điều quy định Mỹ phải tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ta, quân Mỹ phải rút về nước mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì; hành lang Nam - Bắc vẫn nối liền, hậu phương với tiền tuyến thành một dải liên hoàn thống nhất, đảm bảo cho phong trào cách mạng miền Nam dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời giữ nguyên được địa bàn, giữ nguyên được thế lực của mình để tiếp tục tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử rất xúc động, nghĩ đến miền Nam, nghĩ đến đồng bào, đồng chí, đến gia đình, bạn bè trên cả hai miền Nam - Bắc...

Trong đời tôi, đây là vinh dự lớn được thay mặt nhân dân và các chiến sỹ cách mạng miền Nam Việt Nam đấu tranh trực diện với Mỹ tại Paris, được thấy niềm tự hào vinh quang cùng với ân tình sâu đậm mà cả thế giới dành cho cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta.

Tôi vô cùng biết ơn Bác Hồ và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tin cậy giao cho tôi một nhiệm vụ khó khăn, nhưng rất vẻ vang này.

Tôi muốn nói lên lòng biết ơn của tôi đối với đồng bào và chiến sỹ ta từ Nam chí Bắc, đã chấp nhận mọi hy sinh và dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay; cảm ơn bà con kiều bào tại Pháp và các nước xung quanh; cảm ơn sự đoàn kết, cộng tác của tất cả anh chị em trong hai đoàn đàm phán và các cơ quan, đoàn thể ta ở Paris. Và tôi nghĩ đến gia đình, đến chồng con…

Buổi lễ kéo dài hơn 10 phút. Tiếp sau đó, Chính phủ Pháp mở tiệc rượu chào mừng. Mọi người chạm cốc, bắt tay. Không khí vui vẻ, hoà giải. Tôi chạm cốc với Ngoại trưởng Mỹ William Rogers, chúc "Hoà bình"; nói chuyện với Ngoại trưởng Sài Gòn Trần Văn Lắm, ông ta nhờ tôi chuyển lời thăm "Anh Phát" (đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời ). Bốn người phát ngôn báo chí của bốn đoàn nâng cốc chúc sức khoẻ nhau.

* (Lược theo hồi ức của bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước cộng hòa XHCN Việt Nam, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Bà cũng là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này).

Đọc nhiều nhất

Tin mới