Lãi mẹ đẻ lãi con, nên với số tiền nhỏ ban đầu sau một thời gian ngắn không trả được, số tiền nhỏ ban đầu sẽ đội lên gấp nhiều lần. Minh chứng gần đây nhất là trường hợp của hai vợ chồng ông Trần Thánh Nông (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM).
Vợ chồng ông Nông đã vay của một người bạn hơn 3,5 tỷ đồng, nhưng sau 2 năm ông bà vô cùng bàng hoàng khi biết số tiền phải trả đã vượt quá 10 tỷ đồng.
Giấy vay tiền của ông Nông với ông N. H H. không ghi thoả thuận về mức trả lãi. |
Ngày 28/4/2017, ông Nông viết giấy mượn của ông L. số tiền 150 triệu đồng, không tính lãi, không ghi rõ thời hạn vay. Đến ngày 13/6/2018, ông Nông đã trả cho ông L. số tiền 2 tỷ đồng.
Theo đơn của ông Nông, do khoản vay của ông H. không được trả lãi đầy đủ nên ông L. tính lãi mẹ đẻ lãi con, đến kỳ ép ông Nông viết nhiều giấy vay (thực chất là hợp thức hóa tiền lãi mà trên thực tế ông không nhận tiền), cụ thể: Giấy vay tiền ngày 5/3/2017 với số tiền 3.000 USD và 130 triệu đồng, Giấy vay tiền ngày 14/4/2017 với số tiền 1 tỷ đồng.
Ngày 1/1/2018, ông L. yêu cầu ông Nông phải viết Giấy vay tiền của một người khác là ông N. H. H. với số tiền 4 tỷ đồng, để cấn trừ vào số tiền lãi mà ông Nông đã mượn trước đó của ông L.
Như vậy, tổng số tiền ông L. tính toán buộc ông Nông phải trả lên đến 10 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Nông cho biết số tiền thực chất vay của ông L. là hơn 1,6 tỷ triệu đồng và số tiền bảo lãnh cho ông H. vay là 2,2 tỷ đồng.
Ngày 16/3/2020, ông Nông có Đơn kêu cứu gửi đến Ban nội chính TP HCM, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Giám đốc Công an TP HCM yêu cầu xử lý đối với hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của ông P.V. L. Các cơ quan này đã chỉ đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 2 TP HCM xem xét giải quyết.
Về phía hai chủ nợ là ông L. và ông N. H. H, cả hai đều đã nộp đơn khởi kiện ông Nông tại Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức yêu cầu ông phải trả tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng còn lại.
Hiện tại Tòa án nhân dân Quận Thủ Đức đang tiến hành giải quyết theo Quy định của pháp luật. Toà án nhân dân Quận Thủ Đức đã Quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 8h30 ngày 27/7.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, Luật sư Lâm Hiền Phước (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, về lãi suất lúc đầu ông H. yêu cầu trả lãi 1,7%/ tháng (1,7% x 12 tháng = 20,4%/ năm) - dù trong Giấy mượn tiền ngày 1/1/2018 không ghi lãi suất là không phù hợp quy định pháp luật.
Căn cứ theo Điều 468-Bộ Luật Dân sự 2015, Lãi suất cho vay không được vượt quá 20% /năm.
"Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ", luật sư Phước cho biết.
Do vậy sau đó ông H. thay đổi mức lãi suất là 0,83%/tháng (0,83 x 12 tháng = 9,96%/ năm). Tuy nhiên không hề có bất cứ chứng cứ nào nói lên "có thỏa thuận về việc trả lãi" nên yêu cầu này là không đúng quy định pháp luật cần bác yêu cầu.