Bị điên là do trời phạt?!
Họ ngồi rúm ró cạnh những gốc cây, nằm trong lều, bị ngược đãi và bị lãng quên, vì người thân không còn muốn chăm sóc cho họ, vì hệ thống y tế hoạt động không hiệu quả, và cũng vì người ta cho rằng bị điên là do trời phạt.
Trong bối cảnh đó, người bệnh tâm thần bị xích tại thiên đường du lịch Bali. Có khoảng 350 ca bị xiềng tại Bali và khoảng 40.000 ca trên toàn Indonesia. Người Bali gọi các bệnh nhân là “pasung” tức “bị xiềng”.
Komang bị người anh xích. |
Dân địa phương chẳng biết làm gì khác để giúp những người điên này, nhưng bác sĩ tâm lý Luh Ketut Suryani đang nỗ lực để trả lại tự do cho họ. Bà Suryani (68 tuổi) có 6 con trai và 17 cháu, là một người phụ nữ vui tính, khuôn mặt tròn như mặt trăng. Bà Suryani là bác sĩ tâm thần của đảo Bali.
Bác sĩ Suryani đã giúp cho 52 “pasung” được tự do. Nhưng Komang (26 tuổi) không được may mắn như thế. Người phụ nữ này sống cùng 6 gia đình tại ngôi làng gần bãi biển Lovina. Những gia đình ấy nuôi heo, gà, còn Komang thì trần truồng nằm trong lều cạnh chuồng bò, cổ tay phải bị cột vào một sợi xích dài 1,5m từ 8 năm nay, đầu kia của sợi xích được buộc chặt vào một cây cột.
Komang không tắm từ 2 tháng qua, không thể diễn tả cô đang nghĩ gì, cần gì. Người anh của Komang phải xích cô lại, để còn trồng lúa và đậu nành để nuôi mẹ già, cô em khuyết tật, người em trai tâm thần và Komang. Cả nhà sống với số tiền tương đương 1,30 euro/ngày.
Bà mẹ kể, hồi bé Komang bình thường như bao đứa bé khác nhưng từ năm 12 tuổi, cô như bị quỷ ám. Người chị dâu kể, Komang lấy chồng lúc 18 tuổi, sau đó nhà chồng trả cô về nhà mẹ đẻ và giữ đứa con nên từ đó cô luôn la hét.
Komang được chẩn đoán là bị sang chấn tâm lý, và bác sĩ Suryani nói có thể cô bị bạo lực tình dục. Bà mẹ nói do Komang không yêu chồng nên bị trời phạt là ăn phải thức ăn có tẩm độc và hóa điên.
Phải có 5 người ôm chặt Komang, bác sĩ mới có thể tiêm thuốc cho cô bởi cô luôn đấm thùm thụp vào ngực và bộ phận kín của mình. Sau khi tiêm thuốc, cô dần tỉnh và thường nói những câu như: “Con xin lỗi”, “Ma nhập”, “Tại sao con thế này? Tha con làm phước, cởi xích cho con”… Bà Suryani bảo gia đình tắm rửa cho cô và vệ sinh nơi cô ngủ nghỉ, sau đó bà ghi vào hồ sơ: “Cách trị cần thiết cho Komang: sự quan tâm, tình yêu thương”.
Komang từng tự do vài tháng, được gia đình cho ra đồng làm việc, nhưng rồi chủ ruộng trả cô về với lý do cô chỉ dán mắt vào tường. Thế là người anh lại nhốt cô.
Cứ 4 đến 8 tuần, bà Suryani lại đi tiêm thuốc cho những người bệnh. Bà khuyên gia đình nên tháo xích ngay cho người điên khi họ tỉnh. Bà thường nói chuyện hàng giờ với các gia đình trước khi chữa trị, bà hỏi về triệu chứng, thời thơ ấu, cùng những cơn ác mộng của người bệnh. Nhưng nhiều người không biết vì sao người thân của họ bị bệnh.
Khi người thân phát bệnh, gia đình không biết cách xử lý và không được ai giúp đỡ. Thế nên họ đành chọn cách tự bảo vệ bằng cách nhốt, xích bệnh nhân - cũng là cách bảo vệ người bệnh khỏi sự phẫn nộ của cộng đồng.
Hết hy vọng hồi phục
Bác sĩ Suryani bắt đầu giúp các “pasung” từ khi xảy ra những vụ bom nổ ở làng Kuta năm 2002 và 2005. Lúc đó, bà đang là Trưởng khoa Thần học của Đại học Udayana thuộc thủ phủ Denpasar. Bà nghe nói những vụ tự sát ngày càng tăng ở các ngôi làng sau những vụ đánh bom, nên đã tìm đến để tìm hiểu nguyên nhân.
Tại đây, bà tìm thấy một người đàn ông bị xích vào chuồng gà. Người thân của ông cho biết chỉ còn cách đó để giữ ông chứ thật sự họ không còn hy vọng ông có thể bình phục.
Từ những lần gặp “pasung”, bà Suryani đã quyết định thành lập Viện Suryani ở Denpasar, nhằm lấy tiền từ việc chữa trị các bệnh nhân giàu có gồm khách du lịch - để thuê 7 nhân viên, đưa họ đến 2/9 huyện nghèo của Bali để tìm “pasung”. Và họ đã tìm thấy Kumang năm 2008.
Mỗi lần tiêm thuốc cho các bệnh nhân, bà Suryani bỏ ra 7,5 euro. Đó là số tiền quá lớn đối với các gia đình nghèo. Đôi lúc bà Suryani cũng được các cá nhân và tổ chức ủng hộ thuốc men. Năm 2009, bà được chính quyền Bali hỗ trợ nửa triệu USD, nhưng một năm sau thì cắt vì họ cho rằng hoạt động của bà không mang lại kết quả rõ ràng. Họ chuyển qua xây dựng những lều gạch có song sắt để các gia đình có thể nhốt người thân mỗi khi họ lên cơn điên.
Bà Suryani nói vấn đề là xã hội chỉ quan tâm đến người điên khi họ trở thành một vấn nạn. Ngay khi họ bớt bệnh, gia đình lại quên luôn việc tiêm thuốc. Bà có thể nhờ cảnh sát can thiệp khi tìm thấy người bị xiềng, vì “pasung” là phi pháp ở Indonesia.
Năm 2014, Chính phủ Indonesia đã thông qua một chương trình cấm tệ nạn “pasung”.
“Ðôi khi tôi nói chuyện…”
Bali chỉ có một bệnh viện tâm thần thuộc nhà nước, chăm sóc - chữa trị miễn phí và đa số bệnh nhân của bà Suryani từng ở đó. Bệnh viện Bangli có 2 bác sĩ tâm lý, 10 bác sĩ cùng các y tá nhưng phụ trách 400 người bệnh. Bệnh viện cũng đang... xây dở, sau khi chỉ mới xây khu điều trị người cai nghiện ma túy.
Trông bệnh viện giống như nhà tù, nhưng dù sao đây vẫn là một cơ sở y tế tốt ở Indonesia, bởi không có xiềng xích. 30 người bệnh ở chung một căn phòng lớn có song sắt. Nam, nữ được tách riêng và mỗi bệnh nhân một giường. Thế nhưng, hầu hết người bệnh đều nằm dưới đất, hoặc đi vòng tròn, hoặc ngồi nhìn chằm chằm vào tường. Nệm giường của họ vất dưới đất, bốc mùi nước tiểu...
Khi một bác sĩ được hỏi bệnh nhân thiếu gì, ông đáp: “tính cách”, và khi được hỏi cách chữa, ông đáp cộc lốc: “Đôi khi chúng tôi nói chuyện với họ”.
Các cô y tá có vẻ thân thiện hơn, họ đứng trước các “xà lim”, chăm chú ghi tên tuổi, chẩn đoán và cách chữa trị mỗi bệnh nhân lên một tấm bảng. Họ cho biết người bệnh chỉ lưu trú tại bệnh viện khoảng 1, 2 tháng rồi cho về nhà. Vị bác sĩ giải thích: “Chúng tôi có cung cấp dịch vụ đưa về nhà” khi người bệnh thôi lên cơn. Và tại nhà, họ lại bị người nhà xích lại…Ví dụ Ketut bị xiềng 19 năm nay, nằm trên chiếc chõng tre trong rừng.
Ketut trước đây là thợ xây. Người này từng toan giết em trai mà không rõ nguyên nhân. Ông đã vào Bệnh viện Bangli nhiều lần, và thường bị bác sĩ còng tay khi đến đón ông. Khi về nhà, người anh rể lại xích ông vì sợ. Họ đứng từ xa ném thức ăn, nước uống và thuốc lá cho ông, cứ như ông là chó dữ. Bác sĩ Suryani nói: “Cũng may là ông ấy khá khỏe”….
“Chạy thầy” không khỏi điên
…Không như Kaded bị nhốt suốt 24 năm nay: Suryani nói: “Nông dân, sống trong lều không cửa sổ. Chẩn đoán: tâm thần phân liệt. Bà ấy đang hấp hối”.
Cha Kadek kể khi còn trẻ, con ông mê toán, ngày ngày ghi các con số vào sổ tay. Khi mẹ chết, Kaded xé nát cuốn sổ và không bao giờ nói chuyện nữa, chỉ lấy ảnh mẹ rồi ngồi nhìn suốt ngày. Sau đó, cô lấy xe mô tô của người chú phóng đi, cầm dao xông ra đường, cởi hết quần áo rồi lao xuống sông...
Người cha nói Kadek bị quỷ ma ám nên dòi đang gặm nhắm dạ dày. Gia đình đã vay mượn tiền để “nhờ thầy” trừ tà. Như bao người khác ở Bali, gia đình Kadek theo đạo Hindu, tin bệnh tâm thần là do thần thánh phạt vạ, hay do một lời nguyền của tổ tiên. Người cha kể đã nhờ 57 “thầy” (gọi là balian) trong 24 năm qua, “thầy” nào cũng kê đủ loại thuốc dân gian và thuốc tây để chữa trị, nhưng Kadek vẫn điên.
Theo phong tục, người bị hồn ám thì vô tội, có thể được “sạch” và lại sống bình thường. Nhưng cha Kadek nói con gái ông không thể “sạch”. Vì thế, ông treo vô số mặt nạ xung quanh nhà, tạo thành một “ngôi đền” để bảo vệ Kadek.
Khi lần đầu gặp Kadek, bác sĩ Suryani nói bà ấy nặng chưa tới 30 kg. Suryani liền đến trạm xá làng báo: “Có người sắp chết cách đây 500 m”.
Nhưng người trưởng trạm đáp: “Chẳng thể làm gì khác. Lao phổi, sốt rét, trẻ đột tử và tâm thần đều là vấn đề để thần thánh xử lý”…
+ Châu Á không là nơi duy nhất có “pasung”. Việc nhốt xích người điên đều có ở Somalia, Nigeria, Sudan: những quốc gia từng có chiến tranh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, xã hội còn người mê tín dị đoan. Ở nơi không có kinh phí và kiến thức, người điên thường bị bỏ rơi nên sống dở chết dở.
Trong thực tế, Chính phủ Indonesia chẳng làm được gì nhiều cho người điên. Trên toàn quốc chỉ có 48 bệnh viện tâm thần, tổng cộng 7.700 giường, tại một đất nước cứ 32.000 dân thì có 1 giường.
+Theo Tổ chức Y tế thế giới, 85% bệnh nhân tâm thần đều thiếu sự chăm sóc tại các nước đang phát triển.