“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”...
Cách đây 77 năm, giữa tháng 8 năm 1945, khi tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tích cực chuẩn bị và quyết tâm tổ chức toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Chủ trương, phương châm Tổng khởi nghĩa được thể hiện rõ trong Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào từ 13 đến 15 tháng 8 năm 1945. Tiếp đó Quốc dân đại hội khai mạc vào ngày 16 tháng 8 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng.
Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu. |
Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân Tân Trào có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đã đề ra chủ trương, kế hoạch khởi nghĩa kịp thời và đúng đắn, biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân trong giờ phút quyết định của lịch sử. Thời cơ ngàn năm có một cho ta giành chính quyền đã đến.
Từ tháng 6 năm1945, khi nói về vấn đề giành chính quyền, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí quyết tâm: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.Và trước thời điểm lịch sử này, Người đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến…”.
Theo lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, của Tổng bộ Việt Minh và lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước triệu người như một đã nhất tề nổi dậy; bão táp cách mạng cuồn cuộn khắp nơi.
Từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền cục bộ, Đảng ta đã nhanh chóng phát động quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa toàn quốc; đã huy động được lực lượng toàn dân, sức mạnh của cả dân tộc đứng dậy tự mình giải phóng cho mình...
Trong tình thế khẩn cấp của những ngày Tháng Tám lịch sử, Đảng ta đã biết huy động toàn lực ở các đô thị và nông thôn, khởi nghĩa giành chính quyền tại đầu não của địch là Hà Nội và các trung tâm chính trị quan trọng khác trong cả nước, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi nhanh chóng, ít đổ máu.
Và chỉ trong vòng 15 ngày, từ 14 đến 28 tháng 8, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thật sự thuộc về Nhân dân. Lực lượng chính trị quần chúng của toàn dân kết hợp với lực lượng vũ trang, trong đó lực lượng chính trị của quần chúng đóng vai trò quyết định, chủ yếu tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Lời thề Độc lập giữa Ba Đình lộng gió
Cách mạng Tháng Tám thành công mở đầu trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Hồ chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 - Ảnh tư liệu. |
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập !” Và thay mặt toàn thể Nhân dân Việt Nam, Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập ”.
Đặc biệt trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Giữa Ba Đình lộng gió Mùa thu, Lời thề Độc lập của dân tộc ta vang vọng núi sông và 77 năm qua, Lời thề Độc lập ấy vẫn còn vang lên trên đất nước này, nhắc nhở mỗi người dân đất Việt trước hoạ xâm lăng, trước sự đe doạ của kẻ thù, trước thiên nhiên khắc nghiệt và trước cả những kẻ thù nội sinh để giữ vững non nước này thái bình, thịnh trị, muôn dân, hạnh phúc, ấm no.
Lời thề Độc lập vang vọng mãi
Ngay sau khi giành được độc lập, bước ra từ đói nghèo tăm tối, vùng lên xoá bỏ xiềng gông, nhà nước công nông non trẻ vừa ra đời, toàn thể dân tộc ta đã phải đối phó ngay với thù trong giặc ngoài. Nạn đói, giặc dốt, âm mưu của bọn phản động và hoạ ngoại xâm đưa dân tộc ta đứng trước thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ở miền Nam, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã dội xuống và máu của đồng bào, chiến sĩ ta đã đổ. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Nhân dân Nam Bộ vùng lên kháng chiến, quyết đem “Tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc.
Và không chỉ có Nam Bộ, theo tiếng gọi của non sông: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã cùng Nam Bộ kháng chiến.
Những đoàn quân Nam tiến với những đứa con ưu tú của trăm miền đất nước lần lượt lên đường chi viện cho miền Nam, cản bước và đẩy lùi quân thù trên các chiến tuyến, các mặt trận. Bao người con của miền Bắc, miền Trung đã ngã xuống trên chiến trường Nam Bộ trong những ngày đầu khói lửa, để giữ gìn nền độc lập non trẻ vừa giành được của đất nước.
Tiếp đó, tháng 12 năm1946, thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa; tình thế khẩn cấp buộc Đảng, Chính phủ ta phải có quyết sách kịp thời. Hội nghị bất thường mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tối 19 tháng 12 năm 1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và “Toàn thể dân tộc Việt Nam lại quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Lời thề Độc lập lúc này vang dội non sông, là lời hịch kêu gọi đồng bào toàn quốc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước”.
Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã tìm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh, nhưng thực dân Pháp chủ trương gây chiến. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải dùng chiến tranh chính nghĩa để chống lại chiến tranh phi nghĩa.
Lời thề Độc lập vang dội non sông để toàn dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới kiên quyết giữ gìn nền độc lập với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Quân dân Thủ đô bắt đầu từ mùa Đông 1946 đã chiến đấu suốt 60 ngày đêm không nghỉ cùng quân dân cả nước giam chân thực dân Pháp trong các thành phố, tạo điều kiện cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm lâu dài và gian khổ.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời hịch cứu nước, cứu Tổ quốc. Tinh thần, quyết tâm kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được truyền đến toàn thể đồng bào, đồng chí, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước của Nhân dân, tạo thành khối đoàn kết vững chắc với sức mạnh vô địch của Nhân dân để làm nên chiến thắng.
“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Chúng ta đã từ bỏ Hà Nội “ngùng ngụt cháy sau lưng”, rời khỏi các thành phố, thị xã và hẹn một ngày không xa đoàn quân sẽ tiến về giải phóng Thủ đô yêu quý.
Và trong 9 năm ấy, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để đi hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, từ chiến thắng Việt Bắc Thu đông năm 1947, chiến thắng Biên Giới năm 1950 đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, “rạng rỡ năm châu, chấn động địa cầu”.
Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu. |
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, nhưng Tổ quốc Việt Nam lại bị chia đôi. Lời thề Độc lập năm nào lại vang lên với tinh thần, ý chí, quyết tâm thống nhất Tổ quốc không gì lay chuyển được: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Và ngày 17 tháng 7 năm 1966, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Lời thề ấy tiếp tục thể hiện ý chí, tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam trước âm mưu và thủ đoạn mới của kẻ thù, khi chúng hùng hổ và ngạo mạn, ồ ạt đưa hàng chục vạn quân xâm lược miền Nam. Chúng huy động hàng ngàn máy bay các loại, kể cả máy bay chiến lược B-52 hòng đưa miền Bắc quay về thời kỳ đồ đá.
Trước vận mệnh của Tổ quốc bị đe doạ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Người khẳng định: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng...
Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ và huy động toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để chiến đấu, giành chiến thắng.
Và với ý chí, quyết tâm ấy, triệu triệu con người trên mảnh đất miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã vùng lên trong cơn bão tố; “từ Trị - Thiên băng qua Tây Nguyên lan tới bưng biền triệu người bừng bừng, cùng Đà Nẵng với Huế chiến thắng khí thế sôi sục tràn về Sài Gòn, giờ tấn công sục sôi tim muôn người”.
Và trên miền Bắc với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, triệu triệu con người đã không tiếc tuổi xuân lên đường ra trận với khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, để cuộc hành quân 30 năm không nghỉ của dân tộc đến đích cuối cùng; non song thu về một mối với chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 chói ngời sắc đỏ.
Khi hai đầu Tổ quốc, kẻ thù rình rập xâm lược đất nước ta, lời thề Độc lập giữa Ba Đình mùa thu năm ấy lại vang lên. Toàn thể dân tộc Việt Nam lại đoàn kết một lòng, đem tất cả tinh thần và lực lượng để chiến đấu, gìn giữ biên cương của Tổ quốc vì một nền hoà bình dài lâu của dân tộc. Và trong cuộc chiến đấu đó, chúng ta đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới.
Hơn 70 năm qua, dân tộc Việt Nam đã không tiếc máu xương, chiến đấu để bảo vệ Đất nước này; càng thấu hiểu cái giá của Độc lập Tự do; cái giá của Hòa bình-Hạnh phúc, nên kẻ thù khó có thể làm lay chuyển được ý chí đó của dân tộc này.
Nhưng hỡi ai đó, cố tình không hiểu cái giá trị thiêng liêng này, cố tình đạp lên kỉ cương phép nước để xa rời quần chúng nhân dân, vì lợi ích cá nhân tầm thường đã tham ô, vơ vét của cải của Nhân dân, làm tổn hại đến đời sống nhân dân và danh dự của mình thì hãy tỉnh ngộ và hãy lấy tấm gương về sự hy sinh của triệu triệu con người cho Tổ quốc mà sống sao cho xứng đáng.
Hơn 70 mùa Thu đã đi qua, Tổ quốc đã sạch bóng thù. Nhưng lời thề Độc lập mùa thu năm 1945 giữa Ba Đình rực nắng như vẫn vang đâu đây giữa đất trời, biển đảo, núi sông của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc. Lời thề ấy nhắc nhở toàn thể dân tộc Việt Nam phải tiếp tục đem tất cả tinh thần và lực lượng để gìn giữ non sông gấm vóc này, để không hổ thẹn với tiên tổ và hãnh diện, tự hào với con cháu mai sau.