Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới tăng hơn 2%, đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 2/2013. Theo đó, giá vàng giao ngay chạm mức 1.678,58 USD/ounce trước khi giảm nhẹ. Giá vàng tương lai tại Mỹ tăng lên mức 1.664,6 USD/ounce và đang duy trì quanh ngưỡng này.
Tại thị trường trong nước, chiều 24/2, giá vàng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng. Giá vàng miếng của các thương hiệu dao động từ 48 - 49 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao kỷ lục trong hơn 7 năm qua. Đáng chú ý, có thời điểm giá vàng SJC tại Doji Đà Nẵng còn lên 49,7 triệu đồng/lượng - mức cao nhất từ tháng 8/2011.
Video: Giá vàng SJC vượt mốc 39 triệu đồng/lượng. Nguồn: VTC1.
Giá vàng trong nước tăng vọt gần 50 triệu đồng/lượng. Ảnh: Zing |
Theo các chuyên gia, giá vàng liên tục tăng cao do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới khi dịch virus corona lây lan mạnh. Không ít người cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư ngắn, "lướt sóng" vàng.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc đầu tư vàng mang tính chất “lướt sóng” cực kỳ nguy hiểm và tiềm ẩn rủi ro bởi hiện tại giá vàng đang ở mức rất cao. Hiện, giá vàng lên, xuống bất ngờ, và số tiền chênh lệch sau khi đầu tư không nhiều. Vì vậy, không nên "lướt sóng" vàng thời điểm này.
Mặt khác, việc mua vàng sau đó bán ngay, mức giá cũng có sự chênh lệch. Chưa kể, người mua còn phải chịu thêm một khoản lỗ liên quan đến phí gia công cho mỗi sản phẩm vàng.
Trường hợp người dân có nhu cầu mua vàng với mục đích phòng ngừa rủi do trong khi kinh doanh trầm lắng, dịch bệnh thì có thể mua.
Anh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong ngày vía Thần tài vừa qua, anh mua 2 lượng vàng SJC với giá 43,7 triệu đồng/lượng. Nay giá vàng lên cao gần 49 triệu đồng/lượng, anh Tuấn dự định sáng nay sẽ đi bán để chốt lời. Nhẩm tính, anh Tuấn ước lãi khoảng 6 triệu đồng/lượng.
Sau khi bán, anh Tuấn sẽ đợi khi nào giá vàng hạ mới mua lại để tích trữ.