Cục Thuế tỉnh Thái Bình vừa công khai thông tin 107 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với số tiền là 2.199 tỷ đồng (tính đến 30/9/2023). Trong đó, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) tiếp tục dẫn đầu danh sách nợ thuế với tổng số nợ trên 1.781 tỷ đồng.
“Quán quân” nợ thuế nghìn tỷ
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà được biết đến với vị thế là một “ông lớn” trong lĩnh vực xăng dầu khu vực miền Bắc. Hải Hà Petro được thành lập năm 2003, có địa chỉ trụ sở chính tại số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Người đại diện pháp luật là bà Trần Tuyết Mai.
Hải Hà Petro hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Đầu năm 2012, công ty này được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hải Hà Petro giữ vị trí “quán quân” về nợ thuế tại tỉnh Thái Bình. Trong năm 2023, Hải Hà Petro liên tục được "điểm danh" khi số thuế nợ tính đến ngày 31/5/2023 lên đến hơn 1.800 tỷ đồng; hay, tính đến ngày 31/7/2023, nợ tiền thuế hơn 1.736 tỷ đồng (chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách Nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của Hải Hà Petro).
Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp xăng dầu này cũng là cái tên đứng đầu trong danh sách nợ thuế với số dư hơn 1.709 tỷ đồng. Tương tự, vào năm 2019, Hải Hà Petro cũng đã bị Tổng Cục thuế “bêu tên” nợ hơn 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Đáng nói, Hải Hà Petro nhiều năm qua được biết đến là đơn vị thuộc top các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn được tỉnh Thái Bình biểu dương.
Ở diễn biến liên quan, vào cuối tháng 6/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế để nộp vào ngân sách Nhà nước đối với Hải Hà Petro. Doanh nghiệp này bị cưỡng chế thuế là do đang nợ gần 1.800 tỷ đồng tiền thuế đã quá 90 ngày. Trong gần 1.800 tỷ đồng tiền nợ thuế này, có tới trên 90% là tiền thuế bảo vệ môi trường, mà người tiêu dùng mua xăng, dầu đã đóng vào ngân sách Nhà nước thông qua Hải Hà Petro...
Vận tải thủy bộ Hải Hà trúng nhiều gói thầu nhưng vô địch "nợ thuế" (ảnh minh họa: Hải Hà Petro). |
Ngoài ra, Hải Hà Petro còn là một trong 4 doanh nghiệp rơi vào "tầm ngắm" về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu năm 2023, của đoàn kiểm tra (thành lập theo Quyết định số 1896 của Bộ Công Thương đầu tháng 8/2023).
Đến ngày 30/8/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, hiện là bà Trần Tuyết Mai. Lý do tạm hoãn xuất cảnh, do doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023 đến khi Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Hoạt động đấu thầu của Hải Hà Petro có gì?
Theo giới thiệu trên website doanh nghiệp: haihapetro.vn, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà có mạng lưới 22 cửa hàng xăng dầu và hơn 200 khách hàng là thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán tiêu thụ trực tiếp trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đã và đang tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá xăng dầu của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Doanh nghiệp cũng đang sở hữu kho xăng dầu tại xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình với tổng diện tích hơn 66.600m2, gồm 11 bồn chứa, sức chứa hơn 75.900m3.
Thống kê dữ liệu đấu thầu cho thấy, thời gian qua, Hải Hà Petro được “xướng tên” trúng nhiều gói thầu cung cấp nhiên liệu bảo đảm cho các cơ quan, doanh nghiệp. Cụ thể, trong lịch sử đấu thầu của mình, Hải Hà Petro đã tham gia 16 gói thầu, trong đó trúng 12 gói, trượt 2 gói, 2 chưa có kết quả, với tổng giá trị trúng thầu đạt hơn 278,7 tỷ đồng. Trong đó, 100% các gói thầu Hải Hà Petro dự thầu với vai trò độc lập. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 93,87%.
Điển hình, tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hải Hà Petro được công bố tham dự 3 gói thầu, trong đó, được chỉ định thầu 2 gói gồm: Gói thầu HH01-XLSC2023: Cung cấp dầu DO phục vụ xử lý sự cố và gói thầu số 01: Thử nghiệm chất lượng xăng, nhiên liệu Điêzen (DO).
Tuy vậy, trước khi được chỉ định 2 gói thầu nêu trên, vào tháng 3/2023, Hải Hà Petro lại trượt gói thầu Cung cấp nhiên liệu dầu (HFO và DO) cho quá trình vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 năm 2023 do Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 làm chủ đầu tư/bên mời thầu.
Đáng chú ý, lý do Hải Hà Petro bị loại khỏi gói thầu trị giá hơn 170 tỷ đồng này được nêu là do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Nhà thầu trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng - Công ty CP Xăng dầu Dầu khí PVOil Hải Phòng trúng với giá 170,689 tỷ đồng (giá gói thầu là 170,719 tỷ đồng).
Trước đó, trong năm 2022, Hải Hà Petro cũng tham dự và trúng cả 3 gói thầu cung cấp nhiên liệu với tổng giá trị trúng thầu gần 200 tỷ đồng. Điểm chung trong các gói thầu này là có giá trúng thầu khá sát với giá dự toán, tỷ lệ tiết kiệm thấp.
Đơn cử, gói thầu SXKD2022-HH06: Cung cấp dầu DIESEL 0,05S (DO) cho khởi động đốt lò và ô tô xe gạt thuộc dự án Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đợt 2) các gói thầu vốn sản xuất kinh doanh điện năm 2022 - Công ty Nhiệt điện Uông Bí. Gói thầu này do Công ty Nhiệt điện Uông Bí – chi nhánh Tổng Công ty Phát điện 1 làm chủ đầu tư/bên mời thầu có giá dự toán hơn 159,6 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Hải Hà Petro được duyệt trúng thầu với giá hơn 159,5 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 135 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm xấp xỉ 0,08%...
Về tình hình tài chính, trong những năm qua, kết quả kinh doanh của Hải Hà Petro luôn "bết bát". Theo tờ Lao Động, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Hải Hà Petro còn 17.142 tỷ đồng, tăng thêm 4.000 tỷ đồng sau 12 tháng, trong đó bao gồm 16.878 tỷ đồng nợ ngắn hạn và gần 268 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong số này, nợ vay tài chính khoảng 2.400 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước hơn 1.375 tỷ đồng, quỹ bình ổn giá hơn 561 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, Hải Hà Petro lỗ sau thuế xấp xỉ 2.574 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong các năm 2020 và 2021 với số tiền lỗ lần lượt 787 tỷ đồng, 155 tỷ đồng. Việc thua lỗ liên tiếp là nguyên nhân dẫn đến việc Hải Hà Petro đang gánh khoản lỗ luỹ kế 4.576 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Trong khi vốn góp chủ sở hữu công ty là 454 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu Hải Hà Petro âm hơn 4.122 tỷ đồng…