Hội thảo diễn ra nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang thay đổi để thích nghi với dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật cho hay, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu. Rất nhiều Công ty, doanh nghiệp, nhãn hàng bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, cho người lao động nghỉ việc... Dịch bệnh COVID-19 đã để lại những hệ lụy vô cùng lớn đối tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học Nghệ thuật phát biểu khai mạc hội thảo. |
Nhà báo Hoàng Dự lo ngại, dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại trong mùa đông, nhiều quốc gia cũng như các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực trong việc phòng chống dịch bệnh quay trở lại. Những chính sách về kinh tế được Chính phủ Việt Nam ưu tiên hàng đầu trong thời gian này.
Nhà báo Hoàng Dự cho rằng, để tự giải cứu cho mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chiến lược nhằm khôi phục lại sản xuất. Nhiều sáng kiến đã được triển khai, áp dụng linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh...
Ngoài ra, Nhà nước đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp hỗ trợ người lao động, người lao động kiên trì, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tất cả cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn... Sự đồng lòng của doanh nghiệp, sự quyết tâm góp sức người, sức của, hy sinh lợi ích riêng của mỗi cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.
Nhiều chuyên gia, diễn giả là nhà văn, nhà báo, nhà quản lý kinh tế và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế TS Lê Thành Ý cho biết, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố chi phối hầu hết kết quả của doanh nghiệp, mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận và bảo đảm điều kiện tài chính tốt nhất, văn hóa doanh nghiệp chính là chìa khóa cho sự thành công hay thất bại của doanh nhân.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Dũng - Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam cho biết, Petrovietnam với vai trò giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Dưới tác động của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với Petrovietnam, cũng đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu và dịch bệnh.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Thành Ý. |
Theo đó, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí; giá cung cấp các dịch vụ trong ngành dầu khí ở mức thấp; các nhà máy lọc dầu trong nước tồn kho lớn, tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu sa sút nghiêm trọng. Thậm chí, những đơn vị tưởng chừng sẽ được hưởng lợi từ giá dầu giảm sâu như sản xuất đạm thì dịch bệnh cũng như hạn hán ở Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bão lũ ở miền Trung… cũng khiến các đơn vị này “điêu đứng”.
Tuy nhiên, với phương châm: “Quản trị biến động, tối ưu giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ, nỗ lực vượt khó, nắm bắt cơ hội, an toàn về đích”, Petrovietnam đã nỗ lực từng bước vượt qua khó khăn, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu và bóng đen bao phủ ngành dầu khí thế giới.
Một trong những nguyên nhân cơ bản góp phần làm nên kết quả trên là do Petrovietnam đã vận dụng văn hoá doanh nghiệp gắn kết các đơn vị và người lao động. Với giá trị cốt lõi “ Khát vọng, Trí tuệ, Chuyên nghiệp, Nghĩa tình”.
Theo ông Dũng, kết quả 9 tháng đầu năm 2020 cho dù "cơn bão kép" của khủng hoảng ập xuống, vào thời điểm được cho là giai đoạn khó khăn, thử thách nhất kể từ thời điểm thành lập cho đến nay, nhưng Petrovietnam vẫn đạt tổng doanh thu là 423.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 50.200 tỷ đồng, thực hiện tiết giảm 7.170 tỷ đồng.