Mary, 31 tuổi, một người thường xuyên "hẹn hò tốc độ" (speed dating) ở Hong Kong, chưa từng có bạn trai. Suốt 5 năm, cô liên tục rơi vào cảnh thất vọng trong hành trình tìm kiếm "Mr. Right".
Trả lời với đề nghị giấu tên, Mary cho biết cô cảm thấy vô vọng trước cảnh "gái ế" tại thành phố này vì tình trạng "âm thịnh dương suy" trong cơ cấu dân số. Tình hình ngày càng tệ hơn khi tỷ lệ kết hôn hạ thấp do giá bất động sản gia tăng và cũng như nhiều người độc thân không thiết tha với chuyện hẹn hò vì công việc căng thẳng.
Ngày Valentine có thể trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ độc thân tại Hong Kong. Ảnh: AP. |
Chưa từng biết yêu
Trung Quốc đại lục vốn nổi tiếng với việc nam đông hơn nữ và hiện tượng "cành cây không nhánh", cụm từ chỉ những người đàn ông lớn tuổi nhưng chưa tìm được đối tượng kết hôn. Thế nhưng, tỷ lệ giới tính tại Hong Kong ngày càng trở nên chênh lệch theo chiều ngược lại: 852 nam/1.000 nữ (cách đây một thập kỷ là 911 nam/1.000 nữ).
"Tôi chưa bao giờ biết một mối quan hệ nghiêm túc thực sự là thế nào, sống cùng nhà với một chàng trai là ra sao hay kết hôn là chuyện gì", Mary nói. "Tôi lớn lên và tìm hiểu về chuyện hẹn hò bằng cách xem phim ảnh, nhưng tôi không biết chuyện đó thực sự là như thế nào, bạn biết đấy, chuyện có một người bạn trai yêu mình".
"Tất cả chúng ta đều biết rằng ở Hong Kong, nữ đông hơn nam. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu rốt cuộc tôi thực sự là người không thể tìm thấy một nửa của mình?", cô hỏi.
Mary chỉ là một trong nhiều phụ nữ trẻ tại thành phố này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Mặc dù chỉ mới 23 tuổi, Wendy So Shun-man cũng cảm thấy cần phải tham gia các buổi hẹn hò tốc độ để tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc.
Sau khi chi hàng đống tiền, Wendy sẽ đón ngày Valentine năm nay cùng bạn trai, người cô gặp hai năm trước, cũng vào ngày 14/2.
Nắm bắt tâm lý nôn nóng tìm kiếm tình yêu, những người làm nghề mai mối tại Hong Kong vẫn ăn nên làm ra trong thời đại kỹ thuật số bất chấp sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò miễn phí, vốn được xem là một cuộc cách mạng giúp những người trẻ có thể tìm thấy đối tượng hẹn hò đơn giản bằng cách vuốt (ngón tay) sang phải (trên màn hình điện thoại).
Những "ông tơ bà nguyệt" thu phí 2.000 HKD (255 USD) cho lần tư vấn đầu tiên. Một đơn vị tổ chức sự kiện cho biết số người đặt trước cuộc hẹn vào ngày Valentine sắp tới đã vượt quá số lượng tối đa đến 20% từ nhiều tuần trước lễ.
Khủng hoảng tuổi 30
Tình trạng "đơn thân gối chiếc" đã khiến Mary đặc biệt khổ sở vào năm ngoái khi cô bước sang tuổi 30, "cái ngưỡng" mà đôi khi làm cô thấy sợ hãi.
"Khá là mệt mỏi vào những ngày lễ như Giáng sinh hay Valentine, khi cả thế giới này dường như đều cho rằng bạn không nên ở một mình. Nhưng tôi có thể đi đâu chứ?", cô đặt câu hỏi. "Tất cả những cô bạn của tôi hẳn là đang vui vẻ với người yêu của họ".
"Đã đến giai đoạn mà những cô bạn của tôi lấy chồng hết, một số người còn có con. Tôi thì vẫn một mình. Tôi bắt đầu lo lắng rằng đến lúc tôi tìm được người đàn ông phù hợp thì tôi có thể đã quá tuổi để sinh con và nuôi dạy chúng".
Cha mẹ của Mary cũng lo lắng cho con gái. Họ từng sắp xếp một cuộc "xem mắt" cho cô với con trai của một người bạn. Cha mẹ hai bên hẹn nhau đi yum cha (sinh hoạt truyền thống của người Quảng Đông chỉ việc đi ăn dimsum và uống trà giữa các bữa ăn chính). Những người lớn háo hức trò chuyện thay mặt hai đứa con, trong khi Mary và cậu trai kia tỏ ra chẳng chút "tâm đầu ý hợp".
"Kỳ cục hết sức. Tôi đồng ý đi chỉ để làm vui lòng bố mẹ. Rõ ràng anh chàng kia cũng là bị ép buộc", cô nói.
Không gặp được người đàn ông nào phù hợp trong môi trường làm việc, và bản chất cũng không phải là người hướng ngoại, Mary quyết định đi hẹn hò tốc độ. Ngoài ra, cô tìm cách mở rộng quan hệ xã hội bằng cách tham gia các lớp học sau giờ làm. Cô cũng thử dùng các ứng dụng và website hẹn hò.
Giống như nhiều trái tim cô đơn trong thành phố, cô vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Mở rộng phạm vi tìm kiếm
Không gian một sự kiện "hẹn hò tốc độ" tại Hong Kong, nơi những người độc thân có cơ hội tìm hiểu đối tượng trong thời gian ngắn trước khi quyết định có hẹn hò hay không. Ảnh: SCMP. |
Tìm kiếm bạn đời là việc thời gian tốn kém, ít nhất là có vẻ như thế tại Hong Kong, nơi các cặp đôi ngày càng kết hôn rất muộn hoặc không kết hôn.
Sự mất cân bằng giới tính đã dẫn đến một xu hướng xã hội gọi là "gái ế", từ mà Mary sử dụng để chế giễu bản thân cũng như những phụ nữ khác đã bước qua tuổi 30 mà chưa lấy chồng.
Theo số liệu từ cuộc điều tra dân số mới nhất, đàn ông Hong Kong thường lập gia đình lần đầu ở tuổi 31, trong khi vào năm 1991, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới là 29. Cũng trong quãng 25 năm đó, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ tăng từ 26 lên 29.
Xu hướng này đã khiến ngày càng nhiều phụ nữ Hong Kong tìm kiếm đối tượng kết hôn từ Trung Quốc đại lục, theo kết luận của cuộc điều tra.
Năm 2016, khoảng 7.626 phụ nữ Hong Kong kết hôn với đàn ông đại lục. Con số này là 1.390 vào năm 1991, chỉ chiếm 6,1% tổng số vụ kết hôn.
Annie Chan Hau-nung, giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam, cho biết nguyên nhân là ngày càng có nhiều hoạt động kinh tế giữa Hong Kong và đại lục so với trước đây.
"Trước đây, phụ nữ Hong Kong ít có xu hướng kết hôn với đàn ông đại lục, nhưng trong những năm gần đây, khoảng cách về văn hóa và kinh tế xã hội đã thu hẹp", giáo sư Chan nói.