Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh, trong đó chủ yếu là do muỗi Aedes aegypti. Biến chứng sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong vì gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn đến sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau.
Sốt xuất huyết có 4 tuýp DEN1, DEN2, DEN3, DEN4. Theo các chuyên gia, một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp virus khác nhau.
Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết.
Ảnh minh họa: TimesOfIndia. |
Được biết, vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết của Takeda (Nhật Bản), TAK-003 (tên thương mại đăng ký QDENGA) đã được cấp phép sử dụng tại hơn 30 quốc gia bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Argentina và các quốc gia có tình hình dịch tễ sốt xuất huyết tương tự như Việt Nam như Indonesia, Brazil và gần đây hơn là Thái Lan. Tuy nhiên, TAK-003 hiện chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam.
Báo Sức khỏe và Đời sống dẫn lời GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh với vaccine phòng bệnh cùng một liều tiêm có thể chỉ định cho cả người lớn và trẻ nhỏ, do đó cần phải thử nghiệm và có những đánh giá kỹ càng về tác động đối với sức khoẻ trước khi áp dụng rộng rãi trên cộng đồng.
Vaccine sốt xuất huyết Qdenga hiệu quả sao?
Theo thông tin trên trang ema.europa.eu, Qdenga là vắc xin bảo vệ chống lại bệnh sốt xuất huyết. Vắc xin có thể được tiêm cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em từ 4 tuổi trở lên.
Vaccine này chứa phiên bản giảm độc lực của 4 loại huyết thanh virus. Những phiên bản này không thể gây bệnh nhưng chúng "dạy" hệ thống miễn dịch (cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể) cách bảo vệ cơ thể chống lại virus.
Khi một người được tiêm vaccine, hệ thống miễn dịch sẽ xác định các loại huyết thanh giảm độc lực là ngoại lai và tạo ra kháng thể chống lại chúng. Sau đó, khi một người tiếp xúc với virus, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra nó và có thể nhanh chóng tạo ra nhiều kháng thể hơn, sau đó vô hiệu hóa virus trước khi nó có thể gây ra bệnh sốt xuất huyết.
Vắc xin này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sốt do bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và thanh thiếu niên trong 12 tháng sau mũi tiêm thứ hai. Trong một nghiên cứu chính ở 8 quốc gia thuộc Châu Mỹ Latinh và khu vực Châu Á Thái Bình Dương, khoảng 20.000 trẻ em từ 4 đến 16 tuổi được tiêm Qdenga hoặc giả dược. Kết quả cho thấy giảm 80% số ca sốt do bệnh sốt xuất huyết được xác nhận ở những người được tiêm vaccine so với những người dùng giả dược.
Vaccine này cũng làm giảm tỷ lệ nhập viện do sốt xuất huyết tới 90%.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất với Qdenga là đau và đỏ ở chỗ tiêm, nhức đầu, đau cơ, mệt, sốt. Những tác dụng phụ này thường ở mức độ nhẹ đến trung bình và hết trong vài ngày, ít gặp hơn sau liều vắc xin thứ hai so với sau liều đầu tiên.
Lưu ý, không được sử dụng vaccine này ở những người có phản ứng quá mẫn với liều Qdenga trước đó, người có hệ thống miễn dịch yếu do bệnh tật hoặc nhiễm HIV, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: Singapore mở trại nuôi muỗi chống sốt xuất huyết
Nguồn video: THĐT