Một bé trai 11 tuổi ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, do vô tình uống thuốc cảm khi sốt đã khiến hơn 80% da trên cơ thể bị bong tróc.
Vào lúc 1h sáng ngày 4/10, bé được chuyển khẩn cấp đến Khoa Hồi sức Nhi của Bệnh viện Sản nhi Đông Quản, được chẩn đoán mắc hoại tử thượng bì nhiễm độc (toxic epidermal necrolysis, TEN) - một bệnh lý hiếm gặp trên lâm sàng và nguy kịch, tỷ lệ tử vong cao.
Không ai ngờ chỉ vài viên thuốc cảm lại có thể khiến bé trai bong tróc da toàn thân. |
Theo thông tin đăng tải, bé trai bị sốt vào ngày 30/9 và được cha mẹ cho uống thuốc cảm. Thế nhưng, bé lại sốt vào ngày 2/10, phát triển mụn rộp ở miệng và da mí mắt sưng đỏ.
Ngày 3/10, vùng da quanh miệng và 2 mắt bị bào mòn, da trên người nổi mẩn đỏ, bong tróc, sốt cao 41°C. Đến 1 giờ sáng ngày 4/10, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện.
Lúc này, trên da của bé trai xuất hiện ban đỏ ngày càng nhiều, đầu tiên là ở mặt, cổ, ngực, sau đó nhanh chóng kết thành vảy và lan ra toàn thân. Sau đó xuất hiện các mụn nước mềm và bong biểu bì với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài ra còn có thể nhìn thấy bề mặt mảng và các vùng niêm mạc rộng lớn, bong tróc hoại tử, trong đó hơn 80% da trên toàn cơ thể bong ra thành từng vùng lớn.
Bác sĩ Chu Tân Long - Phó Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Đông Quan, kiêm Giám đốc Khoa Chăm sóc Chuyên sâu Nhi khoa, cho biết, bé bị hoại tử thượng bì nhiễm độc, đây là một hội chứng cấp cứu lâm sàng hiếm gặp với tỷ lệ tử vong cực cao. Bệnh chủ yếu do thuốc gây ra, khởi phát đột ngột và diễn biến nhanh.
Trên lâm sàng, bệnh biểu hiện dưới dạng ban đỏ đau đớn, xuất hiện sau khi dùng thuốc và lan nhanh, trên cùng xuất hiện ban đỏ, bọng nước, bong tróc biểu bì, bào mòn và tiết dịch, có thể kèm theo sốt, ớn lạnh, suy nhược toàn thân, đau cơ, v.v. Bệnh tiến triển tương đối nhanh, trường hợp nặng có thể xảy ra mất cân bằng điện giải, suy đa tạng và tử vong.
Trong trường hợp này, có lẽ việc tự ý uống thuốc cảm khi sốt đã khiến bé trai mắc phải chứng bệnh hiếm. Khó khăn trong việc điều trị căn bệnh này là bong tróc da khiến cơ thể mất một lượng lớn chất lỏng, chức năng hàng rào bảo vệ của da bị phá hủy dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Để xử lý, các nhóm đa ngành như da liễu nhi khoa, bỏng, chăm sóc đặc biệt nhi khoa, nhãn khoa và phẫu thuật đã cùng nhau làm việc. Đến nay, bé trai đã trải qua 5 lần trao đổi huyết tương, lớp da mới bắt đầu phát triển, lớp da trên lưng cũng mọc trở lại, cả quá trình vô cùng đau đớn nhưng bé vẫn rất kiên cường.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Xe cứu thương bất ngờ bốc cháy, nữ bệnh nhân bị bỏng nặng