Cách đây gần 2 tuần, trong bữa cơm gia đình, anh Hoàng Văn Nam (SN 1978, trú huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) bất ngờ bị hóc xương cá đồng.
Biết mình bị hóc xương cá, nhưng với tâm lý chủ quan, dễ xử lý, nên anh Nam tới gặp bà mo của bản để chữa hóc xương cá. Được bà mo ban nước thần, anh Nam đều đặt sử dụng với hy vọng mảnh cá tự tiêu tan.
Nước thần cứ dùng liên tục, mà cơn đau không dứt, thậm chí còn đau đớn thêm. Mất ăn mất ngủ vì đau, sụt cân liên tục, lúc này, gia đình mới đem anh đi bệnh viện.
Hình ảnh cắt lớp vi tính và Xquang xương cá trong cổ anh Nam |
Tại khoa Tai Mũi Họng, BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, anh Nam được các bác sĩ cho đi chụp cắt lớp vi tính và X-quang.
Hình ảnh cho thấy, chiếc xương sắc nhọn dài gần 4 cm đâm sâu vào vị trí thành sau hầu thanh quản, nằm trong khoang cạnh hầu và ngang mức bờ trên sụn giáp, sát cột sống cổ và miệng thực quản.
Anh Nam sau đó điều trị kháng sinh, chống viêm để bớt phù nề. Đến ngày 13/12, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định gây mê nội soi lấy dị vật.
Sau 3 ngày lấy dị vật ra ngoài, sức khỏe anh Nam hồi phục nhanh, hết hẳn đau đớn.
Bác sĩ Tăng Xuân Hải - Phó Giám đốc BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, đây là ca hóc xương có vị trí rất khó, nếu xương vẫn còn để lộ một phần nhỏ, sẽ không khó khăn gì để xử lý.
Nhưng với bệnh nhân Nam, chiếc xương quá sắc nhọn đã đâm sâu, không để lại vết tích rõ ràng. Dù hình ảnh cận lâm sàng xác định vị trí cơ bản, nhưng thực tế để tìm được chính xác lại là câu chuyện phức tạp.
“Dị vật thường xuyên di động do động tác nuốt của bệnh nhân; khoang cạnh hầu rộng, nhiều giả mạc xung quanh nên êkip nội soi mãi vẫn không thấy dị vật. Êkip phải sáng tạo đầu nối dài dao điện, mở rộng vùng để tìm kiếm. Mò mẫm, dò tìm từng chấm trắng của đầu xương” bác sĩ Hải thông tin.