Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/7, nhóm cổ phiếu liên quan liên danh VIETUR gồm cổ phiếu CC1, VCG, HAN và PHC đều tăng kịch trần, với khối lượng dư mua lớn. Ngược lại, nhóm liên danh Hoa Lư liên quan các cổ phiếu HBC, CTD đều giảm mạnh, trong đó CTD giảm kịch sàn.
Việc diễn biến trái chiều của 2 nhóm cổ phiếu ngành xây dựng này diễn ra trong bối cảnh vẫn chưa có kết quả cuối cùng gói thầu 5.10.
Trong khi đó, Chứng khoán VietCap (VCSC) vừa có báo cáo góc nhìn đầu tư đại dự án Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA).
Cán cân tiềm lực của 3 nhà thầu
Theo đó, gói thầu LTA 5.10 gồm xây lắp và lắp đặt thiết bị phần thân nhà ga hành khách với tổng giá trị hơn 35 nghìn tỷ đồng, là gói thầu lớn nhất của LTA giai đoạn 1. Tháng 9/2022, gói thầu này được mời thầu lần đầu; tuy nhiên, không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu nên ACV phải tổ chức đấu thầu lần hai. Ngày 12/6/2023, ACV chính thức đóng thầu đợt 2 cho gói thầu 5.10.
Tóm tắt các nhà đầu tư của LTA và tổng chi phí đầu tư cho các dự án thành phần |
Ba liên danh nhà thầu đã nộp hồ sơ dự thầu cho gói thầu này là: Nhà thầu CHEC - BCEG - Việt Nam, Hoa Lư và VIETUR. Theo ACV, quá trình chấm thầu có thể mất từ 1,5-2 tháng.
Nhà thầu CHEC - BCEG - Việt Nam: Đứng đầu liên danh là China Harbour Engineering Co., Ltd. (CHEC - Trung Quốc), Công ty TNHH Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG - Trung Quốc), Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, CTCP Xây dựng CDC, Công ty TNHH Tập đoàn 789, Công ty TNHH Nhà Thép PEB, CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội số 52 và CTCP Đầu tư và Xây dựng Samcons Việt Nam.
Trong đó, CHEC là đại diện của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) tại thị trường nước ngoài. Đây là nhà thầu chính của nhiều dự án cơ sở hạ tầng nước ngoài được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. CCCC đã tham gia xây dựng Sân bay Daxing ở Trung Quốc (100 triệu khách/năm) và CHEC tham gia xây dựng Sân bay Khartoum ở Sudan (7 triệu khách/năm).
CHEC có 90 văn phòng tại hơn 100 quốc gia và đã hoàn thành các dự án trị giá hơn 30 tỷ USD. CHEC vào Việt Nam từ năm 2002 và đã tham gia vào hơn 20 dự án trên cả nước trị giá 700 triệu USD.
Còn BCEG là một trong 10 nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Trung Quốc và hoạt động tại 27 quốc gia. Tương tự như CHEC, công ty này có kinh nghiệm xây dựng sân bay và các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu.
Nhà thầu Hoa Lư: Đứng đầu liên danh là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Công ty TNHH MTV Thành An, Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng DELTA CTCP Xây dựng Miền Trung, CTCP Xây dựng An Phong, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Powerline Engineering PCL (Thái Lan).
Trong đó, CTD, HBC, Delta và Unicons lần lượt được xếp hạng nhất, nhì, sáu và bảy trong danh sách top 10 nhà thầu xây dựng trong nước năm 2023 của Vietnam Report. Các công ty này có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng sân bay cũng như các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác.
Còn Powerline Engineering PCL đã giúp xây dựng Sân bay Suvarnabhumi hàng đầu của Thái Lan. Chuyên môn của Powerline nằm ở hệ thống điện, điều hòa không khí, đường ống, hệ thống nước thải và hệ thống phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà, bệnh viện, nhà máy xây dựng, khu phức hợp trung tâm mua sắm và sân bay.
Nhà thầu VIETUR: Đứng đầu liên danh là Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Xây dựng IC Istas, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng số 1, CTCP Kết cấu Thép ATAD, CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Hawee Cơ Điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HAN).
Trong đó, IC Istas là chi nhánh xây dựng của tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ IC Holdings và là một trong ba nhà thầu hàng đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, nổi bật là các sân bay quốc tế tại Nga (Sân bay quốc tế Pulkovo), Ả Rập Saudi (Sân bay quốc tế King Khaled) và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Còn Ricons, Newtecons và SOL E&C có liên quan đến cựu Chủ tịch CTD là ông Nguyễn Bá Dương.
Trong khi đó, Vinaconex có kinh nghiệm trong các dự án hạ tầng lớn trong nước. Vinaconex là nhà thầu chính của nhà ga thứ hai của Sân bay Quốc tế Phú Bài (2,3 nghìn tỷ đồng).
Ước tính tổng lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói 5.10
Việc được trao gói LTA 5.10 sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản tư nhân trầm lắng.
Ba nhà thầu niêm yết đáng chú ý tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 của LTA là Coteccons (HOSE: CTD), Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) và Vinaconex (HOSE: VCG). Cả CTD và HBC đều là những nhà thầu xây dựng hàng đầu trong nước.
Trong giai đoạn 2014-2018 trước khi thị trường bất động sản suy thoái, giá trị hợp đồng mới trung bình hàng năm được ký kết của CTD và HBC lần lượt đạt 27 nghìn tỷ đồng và 18,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị ký kết hợp đồng mới trung bình hàng năm của CTD và HBC lần lượt giảm 50% và 21% trong giai đoạn 2019-2022 so với 2014-2018 xuống còn 13,4 nghìn tỷ đồng và 14,3 nghìn tỷ đồng.
Do đó, gói thầu 5.10 của LTA tương ứng một khối lượng công việc backlog khá hấp dẫn khi khối lượng công việc này tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của CTD và HBC trong giai đoạn 2019-2022.
Giá trị gói thầu LTA 5.10 so với giá trị hợp đồng ký kết hàng năm của các nhà thầu liên danh chủ chốt (tỷ đồng) |
VCSC ước tính tổng lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói 5.10.
Do thông tin về cơ cấu đấu thầu của từng liên danh đấu thầu gói thầu 5.10 của LTA còn hạn chế, VCSC cung cấp phân tích độ nhạy về khả năng tăng lợi nhuận cho từng nhà thầu dựa trên các giả định về biên lợi nhuận ròng khác nhau và tỷ lệ phân chia backlog 35 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù tính toán của VCSC trình bày một phạm vi khá lớn của phần giá trị backlog được phân bổ cho từng nhà thầu (từ 10% đến 100%) và biên lợi nhuận ròng trên phần giá trị backlog được phân bổ (từ 1% đến 10%), VCSC kỳ vọng phạm vi hợp lý của hai biến số này là tối đa 50% đối với giá trị backlog và tối đa 3% đối với biên lợi nhuận ròng trên giá trị backlog, tức tương đương khoản lợi nhuận 525 tỷ đồng mà một nhà thầu cụ thể trong liên danh có thể thu được khi hoàn thành gói thầu LTA 5.10.
VCSC lưu ý rằng ước tính này là cho tổng lợi nhuận từ việc hoàn thành gói thầu 5.10. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của CTD (264 tỷ đồng), HBC (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và VCG (866,3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho LTA giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Lợi nhuận ròng ước tính là 525 tỷ đồng mà một nhà thầu thu được từ việc hoàn thành gói thầu 5.10 so với lịch sự lợi nhuận ròng hằng năm của các nhà thầu chính |