Phát hiện mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Sheffield, Anh giải thích tại sao ung thư khó chữa trong nhiều trường hợp. Nguyên nhân là đôi lúc, chính hệ miễn dịch bảo vệ khối u ung thư khỏi hóa trị.
Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư, các tế bào bạch cầu có tác dụng làm lành vết thương lại chính là nhân tố bảo vệ các khối u ung thư khỏi quá trình hóa trị, giúp chúng phát triển trở lại. Điều này khiến căn bệnh trầm trọng hơn và làm giảm cơ hội kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ung thư.
Tế bào bạch cầu làm lành vết thương lại bảo vệ tế bào ung thư khỏi quá trình hóa trị. |
Tuy vậy, điều đáng mừng là các nhà khoa học cũng đã tìm được phương pháp ngăn chặn quá trình hồi phục của tế bào ung thư. Họ đã chế tạo ra loại thuốc Plerixafor có tác dụng làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch, khiến khối u ung thư không còn khả năng tự vệ trong quá trình hóa trị. Thử nghiệm loại thuốc này trên chuột, các nhà khoa học nhận thấy quá trình tái phát ung thư đã bị chậm lại.
Trước khi được chính thức đưa vào thử nghiệm trên người, thuốc Plerixafor còn phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm khác.
Phát hiện này mở ra một hi vọng mới trong điều trị ung thư, giúp tăng khả năng sống sót của bệnh nhân thông qua việc ngăn chặn sự phát triển của khối u ung thư sau hóa trị.