Thỏa thuận Minsk II không phải hiệp định hòa bình
Trong khi đó, Thỏa thuận Minsk II không phải là một hiệp định hòa bình. Đó chỉ là một thỏa thuận ngừng bắn rất mong manh dễ tan vỡ. Ngoài việc đình chỉ chiến sự quy mô lớn, rút vũ khí hạng nặng và trao đổi tù binh… các bên khó có thể thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk II.
Kiev không chịu trả tiền cho việc tái thiết khu vực Donbass và cũng không muốn nói chuyện với các nhà lãnh đạo nổi dậy. Quan hệ kinh tế không được phục hồi và các mối liên lạc của con người lại bị hạn chế. Chính quyền Kiev chỉ chấp nhận việc tái hòa nhập khu vực Donbass vào phần còn lại của Ukraine, khi các lực lượng nổi dậy buông súng đầu hàng và cho phép Ukraine nối lại sự kiểm soát đường biên giới giữa Donetsk, Lugansk với Nga. Về mặt lý thuyết, điều này chỉ có thể đạt được thông qua chiến thắng quân sự của chính phủ Ukraine. Nhưng đây lại là điều phi thực tế vào thời điểm hiện nay.
Với chiến sự ở Donbass tạm thời lắng dịu, tình trạng hỗn loạn ở Ukraine lại tập trung vào Thủ đô Kiev. Nhà tài phiệt Igor Kolomoisky đã sử dụng “quân đội riêng” để thâu tóm tài sản ở Kiev và gây ra một cuộc đụng độ với quân đội trung thành với Tổng thống Petro Poroshenko. Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk hiện bị các đối thủ chỉ trích, còn cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko thì đang tìm cách giành lại quyền lực cũ đã bị xói mòn. Trong khi đó, Quốc hội Ukraine - bị phân hóa sâu sắc bởi các nhóm lợi ích - lại bận rộn bàn chuyện tư nhân hóa.
“Cách mạng Maidan” làm đảo lộn mọi thứ
“Cách mạng Maidan” năm 2014 đã làm đảo lộn mọi thứ, trừ hệ thống kinh tế-chính trị vốn bị các nhóm lợi ích và các ông trùm tài phiệt thao túng. |
Người ta có thể nói rằng “Cách mạng Maidan” năm 2014 đã làm đảo lộn mọi thứ, trừ hệ thống kinh tế-chính trị vốn bị các nhóm lợi ích và các ông trùm tài phiệt thao túng. Tổng thống Viktor Yanukovych đã bị lật đổ, nhưng các nhóm lợi ích lại trở nên mạnh mẽ hơn. Sự hòa giải giữa các nhóm lợi ích, giữa các phe phái chỉ là tạm thời trong bối cảnh có chiến sự đẫm máu ở miền đông Ukraine. Theo cựu Tổng thống Leonid Kravchuk, tầng lớp thượng lưu đã thiếu trách nhiệm khi đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu ở Ukraine. Ông Kravchuk cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình hình rối ren hiện nay nằm trong lỗi hệ thống mà các chính phủ Ukraine đã mắc phải trong suốt 20 năm qua.
Ukraine cần được hỗ trợ tài chính qui mô lớn, nhưng Liên minh châu Âu (EU) và các nhà tài trợ khác lại khá do dự trong việc chi tiền và đưa nhiều yêu sách khắc nghiệt như đối với Hy Lạp. Họ cũng không mấy tin tưởng vào các đối tác ở Kiev, những đối tác không muốn và cũng không thể gánh vác trách nhiệm đối với một nước hỗn độn Ukraine hiện nay.
Chỉ có điều, những tính toán sai lầm ở Ukraine của Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng gấp bội so với những gì đã xảy ra ở Nam Ossetia. Xét về khía cạnh chiến lược, Nga gần gũi với Ukraine hơn Mỹ và Nga cũng có nhiều lợi ích cũng như nhiều thứ để mất hơn. Nếu Ukraine tiếp tục sa vào bất ổn triền miên và dẫn đến tan rã, điều này sẽ gây ra nhiều tác động bất lợi đối với Nga.
Nói tóm lại, những gì mà Ukraine rất cần vào thời điểm hiện tại là sự hỗ trợ của các bên để có thể tiến hành cải cách kinh tế và chính trị. Nguy cơ tan rã của Ukraine đã hiển hiện rõ ràng và các bên hữu quan phải cùng nhau ngăn chặn nguy cơ này biến thành hiện thực. Đánh bạc về tương lai Ukraine là quá mạo hiểm và thái độ thờ ơ “sống chết mặc bay” vào thời điểm này có thể gây ra những hậu quả vô cùng tai hại trong tương lai.