Quyết định sản xuất máy thở giữa đại dịch COVID-19
Dẫn số liệu chỉ hơn 300 ca lây nhiễm và không có ca tử vong nào, báo tài chính hàng đầu tại Mỹ Bloomberg cho rằng đại dịch COVID-19 dường như đã "bỏ qua" Việt Nam. Trong bối cảnh đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hồi tháng 4 vừa qua đã thể hiện tầm nhìn, được cho là "vượt biên giới" đầy táo bạo khi quyết định đầu tư sản xuất máy thở.
Covid-19 được xem là căn bệnh viêm phổi cấp khủng khiếp nhất từ trước đến nay trên toàn cầu. Khi nhiễm phải, phổi bệnh nhân sẽ bị virus tấn công và không thể tiếp nhận oxy cho máu. Một chiếc máy thở là cầu nối giữa giữa sự sống và cái chết, tuy nhiên thế giới lại đang rất thiếu hụt phương tiện này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng yêu cầu các nhà sản xuất ôtô và một số công ty khác của Mỹ lên kế hoạch sản xuất máy thở với những hợp đồng với Chính phủ trị giá lên tới 336 triệu USD.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Bloomberg |
Trước tình hình đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tin rằng, Tập đoàn Vingroup của ông có thể chế tạo máy thở nhanh hơn, với chi phí rẻ hơn thế. Với thiết kế của Medtronic - tập đoàn sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới - Vingroup đã trình làng một phiên bản máy thở vào tháng 4 vừa qua. Trong khi chờ đợi được cấp phép, những chiếc máy thở của DN này đang dần được hoàn thiện trên các dây chuyền lắp ráp.
Những chiếc máy thở của Tập đoàn Vingroup có giá khoảng 7.000 USD/chiếc (hơn 160 triệu đồng) tại Việt Nam, rẻ hơn 30% so với mẫu gốc do Medtronic thiết kế. Tập đoàn cũng cho biết có thể sản xuất 55.000 chiếc mỗi tháng và sẽ xuất khẩu sang bất cứ nơi nào có nhu cầu.
Mặc dù đang sở hữu 1 hệ thống các bệnh viện và phòng khám trong nước, nhưng thực tế việc trở thành nhà sản xuất thiết bị y tế chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Vingroup.
Nhà máy sản xuất xe Vinfast ở Hải Phòng. Ảnh: Bloomberg |
Tuy nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người đã tạo dựng cơ nghiệp bằng cách bán mì gói ở Ukraine, vốn nổi tiếng là người rất tâm huyết đóng góp vào sự thịnh vượng của quê hương. Do đó, khi Việt Nam đẩy mạnh nội địa hóa những sản phẩm phức tạp, Vingroup đã bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh, xe hơi, và giờ là máy thở.
Vingroup hiện đã lắp đặt thành công dây chuyền sản xuất máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng, cải tiến từ 3 dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của mình. Đội ngũ kỹ sư sản xuất ô tô Vinfast đã đứng ra thiết kế máy thở, với sự trợ giúp của đại diện tập đoàn Medtronic.
Mời độc giả xem video: Người Việt nào giàu hơn tỷ phú Phạm Nhật Vượng? Nguồn: VTC14
Sản xuất xe điện để xuất sang Mỹ
Tháng 12, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuyên bố rằng Vinfast – chi nhánh sản xuất xe hơi của tập đoàn sẽ phát triển một chiếc xe hơi điện và xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2021. Lấy 2 tỷ USD tiền túi, ông Vượng quyết tâm biến tham vọng này thành hiện thực.
Đầu tháng 6 vừa qua, thông tin về chiếc xe điện đầu tiên của VinFast lộ diện, cùng tuyên bố VinFast hướng tới xuất khẩu xe sang thị trường Mỹ vào năm 2021 đã thu hút đông đảo truyền thông và độc giả quốc tế thảo luận.
Xe điện chạy thử nghiệm của Vinfast. Ảnh: Vinfast. |
Bài góc nhìn của phóng viên Ronan Glon trên trang AutoBlog (Mỹ) nhận định, đây là kế hoạch táo bạo của hãng xe Vinfast. Dù mới thành lập năm 2017, nhưng họ đã có những bước đi đáng kể khi đã bán 3 mẫu xe tại thị trường nội địa.
Trong khi đó, trang InsideEV đưa ra dự đoán, mẫu xe điện vừa lộ diện của VinFast sẽ là đối thủ tiềm năng với mẫu Kona Electric của Hyundai. Chắc chắn, mẫu xe của VinFast cũng sẽ có phiên bản xe chạy xăng. Còn trang Automotif cho rằng, xe điện VinFast sẽ định vị Tesla là đối thủ.
Bên cạnh đó, kế hoạch của VinFast cũng nhận được sự ủng hộ đông đảo từ truyền thông và cộng đồng người yêu xe khu vực Đông Nam Á.
Nhân viên lắp ráp máy thở. Ảnh: Bloomberg. |
Việc người Mỹ có quan tới xe hơi “Made in Việt Nam” hay không vẫn là câu hỏi mở. Thế nhưng, với máy thở thì khác. Đó là "cơ hội trời cho" từ một thế giới đang bị virus tàn phá. "Trong khủng hoảng là những cơ hội, chúng ta phải nắm bắt và hành động thật nhanh", tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ với Bloomberg.