Thị trường chứng khoán bắt đầu “nóng” từ năm 2006. Và cũng trong năm 2006, danh sách các tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán mới được nói tới. Cho đến bây giờ, đã 12 năm trôi qua, danh sách tỷ phú chứng khoán này đã có rất nhiều biến động.
Trong đó, đáng kể nhất là ông Phạm Nhật Vượng liên tục gia tăng tài sản và đứng ở “ngôi vương”. Trong khi đó, “cựu vương” một thời Đặng Thành Tâm lại chìm sâu trong khó khăn.
Những tỷ phú lừng lẫy đời đầu
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup đang giữ “ngôi vương” trong đanh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng, thực tế, “huyền thoại chứng khoán” đầu tiên phải kể đến là ông Trương Gia Bình.
12 năm trước, ông Phạm Nhật Vượng mới chỉ là "tỷ phú trẻ". |
Năm 2006, khi thị trường chứng khoán Việt Nam “lên cơn sốt”, cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần Tập đoàn FPT (Tên gọi tại thời điểm đó là Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT) được xem là “cánh chim đầu đàn”, là “hàn thử biểu” của thị trường chứng khoán còn non trẻ.
Thời gian đó, cổ phiếu FPT đã tạo ra thế hệ “huyền thoại chứng khoán” đầu tiên như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT; ông Lê Quang Tiến, ông Bùi Quang Ngọc – những Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc FPT.
Trong năm 2006, 3 cái tên kể trên đứng lần lượt từ vị trí 1 đến 3 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Trương Gia Bình là người giàu nhất với tổng tài sản đạt 2.354 tỷ đồng.
Ngoài ra, FPT còn có các tỷ phú chứng khoán khác giữ thứ hạng cao như ông Hoàng Minh Châu - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc, và các thành viên Hội đồng quản trị: ông Đỗ Cao Bảo, ông Nguyễn Thành Nam, ông Trương Đình Anh.
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Phú và bà Chu Thị Bình, Phó tổng giám đốc Minh Phú cũng nằm trong Top 10 với khối tài sản trên 1.100 tỷ đồng.
Bà Chu Thị Bình đã từng là người phụ nữ giàu nhất nhì Việt Nam. Ảnh: Zing. |
Sang năm 2007. ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo soán ngôi của ông Trương Gia Bình với tổng tài sản đạt 6.293 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2007, ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên “ra mắt” nhưng lại đứng sau ông Tâm với 3.751 tỷ đồng. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đứng ở vị trí thứ 3 với 3.476 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI đứng ở vị trí 4, ngay sau ông Trần Đình Long. Dù chưa bao giờ nắm giữ ngôi vương nhưng ông Nguyễn Duy Hưng lại là một ngôi sao chứng khoán bởi SSI từng là công ty chứng khoán lớn nhất thời bấy giờ và bản thân ông Hưng có kiến thức rất sâu rộng về chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Tới năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức vụt sáng với cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Vì vậy, ông Đức dễ dàng lấy được vị trí quán quân từ ông Đặng Thành Tâm. Ông Vượng vẫn ở vị trí thứ 2.
Năm 2008, ông Đoàn Nguyên Đức vụt sáng với cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. |
Sau 3 năm đứng ở vị trí á quân, sang năm 2010, ông Vượng vươn lên và nắm giữ “ngôi vương” với tổng tài sản lên đến 15.755 tỷ đồng. Ngoài ông Vượng, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương cũng lọt vào Top 10 với hơn 2.000 tỷ đồng.
Người về đỉnh cao, người tụt vực sâu
Trong những ngày nóng bỏng đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, những gương mặt kể trên là những người nổi bật nhất trong danh sách các tỷ phú chứng khoán đời đầu.
Hơn một thập kỷ đã trôi qua, danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động rất lớn. Nhiều năm đứng ở vị trí số 1 nên ông Phạm Nhật Vượng không còn vị trí nào để “phấn đấu”. Tuy nhiên, ông Vượng không ngừng đạt các đỉnh cao mới. Đó là tốc độ gia tăng của tổng tài sản.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2018, ông Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản lên tới gần 193.000 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, đã nhiều năm qua, ông được tạp chí uy tín Forbes ghi nhận là người giàu nhất Việt Nam. Theo tính toán của Forbes, hiện tại, ông Vượng đang có 6,8 tỷ USD.
Chưa bao giờ lên ngôi vương nhưng ông Trần Đình Long vẫn quanh quẩn ở Top 4 người giàu nhất. |
Chưa bao giờ lên ngôi vương nhưng ông Trần Đình Long vẫn quanh quẩn ở Top 4 người giàu nhất. Tại ngày 27/6/2018, tài sản của ông Long đạt 21.100 tỷ đồng. Hồi tháng 3 năm nay ông được Forbes công nhận là tỷ phú giàu thứ 4 Việt Nam với tài sản lên tới 1,3 tỷ USD.
Trong khi ông Phạm Nhật Vượng luôn ở “đỉnh cao”, thì hàng loạt tỷ phú đời đầu lại “về vực sâu”. Nếu không tính ông Hà Văn Thắm bị “ngã ngựa” trong đại án OceanBank, ông Đặng Thành Tâm là người thê thảm nhất.
Tất cả các công ty liên quan đến ông Tâm đều tuột dốc. Có thời, ông Tâm lâm vào cảnh túng quẫn tới mức muốn uống thuốc sâu tự tử. Tới nay, cơn bĩ cực đó đã qua nhưng ông Tâm vẫn ngụp lặn ở một nơi xa rất xa danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Ông Đặng Thành Tâm. |
Ông Đoàn Nguyên Đức bớt bi thảm hơn nhưng cũng có thời điểm ông Đức cùng quẫn như ông Tâm khi bị khoản nợ khổng lồ “hành hạ”. Hoàng Anh Gia Lai có lúc đứng trước nguy cơ phá sản.
Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai vững vàng hơn sau chuỗi quý thua lỗ thảm nhưng cổ phiếu HAG vẫn giao dịch dưới mệnh giá khiến bầu Đức chỉ còn 1.700 tỷ đồng. Vì vậy, thay vì ở vị trí số 1, bầu Đức rớt xuống vị trí thứ 41.
Những cái tên lừng lẫy một thời như ông Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc, Lê Quang Tiến, Đỗ Cao Bảo, Nguyễn Duy Hưng, Hoàng Minh Châu, Trương Đình Anh,… cũng lùi xa Top 20.
Gần đây, bà Chu Thị Bình gây chú ý với vụ mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank. Nhưng scandal này không “giấu” được sự thật bà đã tuột dốc trong danh sách những người giàu nhất. Vị trí hiện tại của bà Bình chỉ là 51.