Đầu phiên giao dịch ngày 17/3 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 98,26 điểm.
Đầu giờ sáng, đồng USD vẫn tăng giá bất chấp Mỹ vừa có một động thái giảm sốc lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế. Cuộc chạy đua nới lỏng tiền tệ trên thế giới khiến thị trường tài chính chao đảo.
Nỗ lực giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế của Mỹ gần như chưa có tác động nào tích cực tới các thị trường khi mà chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh, thêm khoảng 10%. Đồng USD vẫn là một lựa chọn trong bối cảnh giới đầu tư muốn bán mọi thứ và chuyển sang cầm tiền.
Trong một báo cáo mới nhất, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do dịch Covid-19. Theo GS, tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 0% trong quý 1/2020, so với mức dự đoán ban đầu là tăng 0,7%. Còn trong quý 2/2020, ước tính GDP của Mỹ sẽ giảm 5%, so với mức dự báo ban đầu là tăng 0%. Trong quý 3, GDP tăng 3%, từ mức ước tính tăng 1% ban đầu và GDP của Mỹ trong cả năm 2020 sẽ tăng 0,4%, thấp hơn so với con số tăng 1,2% như dự kiến ban đầu.
Giới đầu tư trở nên lo sợ sau khi Fed chi nhánh New York cho biết chỉ số điều kiện kinh tế trong cuộc khảo sát thị trường Empire State tụt giảm 34 điểm xuống âm 21,5 điểm trong tháng 3 vừa qua. Đây là mức thấp nhất kể từ 2009.
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay: USD tăng mạnh. |
Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm sốc lãi suất, bớt 100 điểm phần trăm, từ mức 1-1,25% xuống 0-0,25% - bằng đúng với mức thấp nhất mà ngân hàng trung ương Mỹ áp dụng trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Hôm nay 16/3, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng đã bất ngờ hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, BoK đã giảm lãi suất chủ chốt 50 điểm phần trăm xuống 0,75%. Đây là lần hạ lãi suất khẩn cấp đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Mức lãi suất 1,25% trước đó của Hàn Quốc đã được duy trì kể từ tháng 10/2019.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sáng 16/3 bơm thêm 14,3 tỷ USD vào hệ thống tài chính, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của Covid-19. PboC cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng từ 16/3, qua đó giải phóng 550 tỷ nhân dân tệ thanh khoản vào hệ thống.
Ngày 16/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản, chống dịch Covid-19.
Ngân hàng Trung ương New Zealand hôm 16/3 cũng gây bất ngờ với quyết định hạ lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống 0,25%, trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia, ngân hàng trung ương, bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính đang căng thẳng.
Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 11/3 đã cắt 50 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản từ mức 0,75% xuống 0,25%/năm; Ngân hàng Canada (BoC) hôm 5/3 đã cắt giảm mạnh lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 1,25%.
Trên thị trường trong nước phiên giao dịch 16/3, tỷ giá USD/VND ở một số ngân hàng phổ biến ở quanh mức: 23.170 đồng/USD và 23.310 đồng/USD.
Tới cuối phiên 16/3, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.170 đồng/USD và 23.310 đồng/USD. Vietinbank: 23.168 đồng/USD và 23.308 đồng/USD. BIDV: 23.160 đồng/USD và 23.300 đồng/USD. ACB: 23.180 đồng/USD và 23.290 đồng/USD.
Chốt phiên giao dịch 16/3, tỷ giá Euro đứng ở mức: 25.617 đồng (mua) và 26.520 (bán). Tỷ giá Bảng Anh: 28.546 đồng (mua) và 28.857 (bán). Tỷ giá yên Nhật ở mức 215,0 đồng và bán ra ở mức 225,2 đồng. Nhân dân tệ: ở mức 3.284 đồng và bán ra ở mức 3.397 đồng.