Đa dạng phương thức tuyển sinh
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, năm nay do mở rộng xét tuyển kết hợp thêm 2 đối tượng là học sinh đạt giải cấp tỉnh và học sinh giỏi hệ chuyên nên phương thức xét tuyển kết hợp tăng lên 35%, tương ứng phương thức xét theo điểm thi giảm về 60%.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay, năm nay xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tùy theo từng ngành, dự kiến từ 70% - 80% chỉ tiêu của ngành đó; xét tuyển dựa vào điểm bình quân kết quả học tập 5 kỳ học THPT (không tính kết quả học kỳ II lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển phương thức 1 sẽ tùy theo từng ngành dự kiến để lấy từ 20% - 30% chỉ tiêu; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020 dự kiến từ 10% - 20% chỉ tiêu của các chương trình tiên tiến và chất lượng cao.
So với năm 2019, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi đã giảm, năm nay, không ngành nào có tỷ lệ 100% lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia như năm ngoái. Thậm chí, có ngành chỉ còn lấy 70% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Ngoại thương, các trường ĐH thuộc ĐH quốc gia Hà Nội cũng đã giảm sự phụ thuộc đáng kể vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019 Ảnh: Như Ý |
Tại khu vực phía Nam, do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nên chỉ tiêu của các trường từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm tương đối sâu. Trường ĐH Nông lâm TPHCM lần đầu tiên bổ sung hai phương thức tuyển sinh là điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và học bạ (chiếm đến 40-50% tổng chỉ tiêu).
Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm nay xét tuyển dựa vào điểm trung bình năm học kỳ và điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Theo dự kiến, phương thức xét điểm trung bình tổ hợp môn chiếm 20-30% tổng chỉ tiêu. Phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ còn chiếm 20-30%. Năm nay Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM mở rộng chỉ tiêu xét học bạ lên đến 40%.
“Đặt cược” vào đâu?
PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, chỉ tiêu xét tuyển lấy kết quả học bạ của trường năm nay tăng lên do trường đã khảo sát kết quả học tập của những sinh viên trúng tuyển bằng xét học bạ những năm trước cho thấy các sinh viên này đều học tốt. PGS Bùi Đức Triệu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thông tin, năm nay phương thức xét tuyển kết hợp tăng chỉ tiêu lên là do khảo sát của trường cho thấy chất lượng nhóm này rất tốt.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác lại e ngại tính phân hóa trong đề thi xét tốt nghiệp không cao nên đều lựa chọn xét học bạ 5 học kỳ/3 năm học THPT. Có thể thí sinh được ưu ái trong một học kỳ một môn học nào đó nếu có, nhưng năm học kỳ là cả quá trình trong khi kết quả kỳ thi tốt nghiệp đôi khi chưa phản ánh đầy đủ năng lực thí sinh.
Mặt khác, các chuyên gia giáo dục cho rằng, năm nay do Bộ GD&ĐT đã “gỡ” bỏ hàng rào quan trọng nhất để ngăn chặn tiêu cực thi cử là sự tham gia trực tiếp của các trường ĐH vào công tác chấm thi, coi thi nên kết quả thi khiến các trường ĐH thực sự “lăn tăn”.
Một trong những giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra để hạn chế việc tiêu cực trong thi cử cũng như tránh tính trạng “tráng gương” học bạ đó chính là việc đối chiếu, so sánh điểm thi tốt nghiệp với kết quả học tập. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phổ điểm. Còn lại, các sở GD&ĐT, nhà trường sẽ công bố việc đối chiếu, so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm ghi trong học bạ của học sinh. Qua đó, có thông tin chung để đánh giá chất lượng dạy và học trong các nhà trường, phản ánh một phần về tính trung thực của kỳ thi.