Tùy Dạng Đế Dương Quảng: Giết cha, đoạt mẹ kế làm vợ?

Câu chuyện Tùy Dạng Đế Dương Quảng giết cha, soán ngôi rồi cưỡng đoạt cả mẹ kế hoàn toàn là chuyện bịa đặt. Tuy nhiên, suốt hàng ngàn năm qua, câu chuyện dân gian này đã biến Tùy Dạng Đế trở thành một ác ma, một bạo chúa tàn bạo vô luân.

Tùy Dạng Đế Dương Quảng: Giết cha, đoạt mẹ kế làm vợ?

Lâu nay, mỗi khi nhắc tới Tùy Dạng Đế là người ta nghĩ ngay tới một tên bạo chúa khát máu và tàn bạo. Vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Tùy này là người duy nhất trong lịch sử có một "bảng thành tích" khó ai có thể bì kịp: Soán ngôi Thái tử của anh, giết cha, cướp ngai vàng rồi cưỡng đoạt luôn cả ái thiếp của cha mình. Tuy nhiên, những tư liệu mới nhất lại chứng minh rằng, vị Hoàng đế nhà Tùy bị oan…

Năm Nhân Thọ thứ 4, tức năm 604, là năm quan trọng nhất trong cuộc đời Dương Quảng. Ngày 13 tháng 7 âm lịch năm đó, Tùy Văn Đế Dương Kiên, cha của Dương Quảng, qua đời ở đại điện của Nhân Thọ cung ở tuổi 64. Quyền lực cao nhất của đế quốc Đại Tùy cuối cùng cũng lọt vào tay của Dương Quảng như sở nguyện. Năm đó, Dương Quảng 36 tuổi. Mười mấy năm khắc khổ "tu hành" của Dương Quảng cuối cùng cũng nhận được sự báo đáp huy hoàng và vinh quang nhất: được ngồi lên ngai vàng Hoàng đế.

Tuy Dang De Duong Quang: Giet cha, doat me ke... lam vo?

Tuy nhiên, cái chết của Tùy Văn Đế lại làm dấy lên một làn sóng những dị nghị. Người ta nhắc tới cái chết của Dương Kiên với đầy những tình tiết bí ẩn, tất cả đều nhắm tới một mục đích khẳng định rằng: Tùy Văn Đế hoàn toàn không phải chết vì già yếu mà là chết vì một âm mưu chính trị. Hoặc có thể nói là, vị Hoàng đế triều Tùy đã chết vì một cuộc chính biến trong cung đình mà ít người biết tới. Và điều này mới là quan trọng: Thái tử Dương Quảng nay là Tùy Dạng Đế chính là kẻ chủ mưu trong vụ chính biến ấy.

Vì sao Dương Quảng lại giết chết người cha già yếu của mình để lên ngôi báu khi sớm hay muộn ngôi báu ấy cũng thuộc về ông ta? Người ta đã nghĩ ra đủ mọi lý do để lý giải cho tính hợp lý của câu chuyện giết cha tàn bạo của Dương Quảng. Trong đó, câu chuyện ly kỳ và giàu màu sắc nhất, cũng được người ta tin là "thuyết phục nhất" chính là Dương Quảng đã quyết tâm giết cha để soán ngôi vì một người phụ nữ.

Chuyện kể rằng, sau khi Độc Cô Hoàng hậu, người vợ đầy uy quyền của Tùy Văn Đế, qua đời, vị Hoàng đế nhà Tùy bắt đầu sủng hạnh một phi tần họ Trần. Vị Quý nhân họ Trần này vốn là con gái của Trần Tuyên Đế, sau khi nhà Trần bị nhà Tùy tiêu diệt thì bị nạp vào hậu cung của Tùy Văn Đế. Mặc dù Trần thị xinh đẹp và cực kỳ thông minh, rất được Dương Kiên yêu thích, tuy nhiên, trong suốt thời gian Độc Cô Hoàng hậu còn sống, Dương Kiên vì sợ vợ mà không dám dây dưa với bất cứ phi tần nào khác. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi Độc Cô Hoàng hậu qua đời.

Từ một phi tần bình thường, Trần thị được tấn phong làm Quý nhân, được giao quản lý mọi công việc của lục cung và ngày ngày được ở sát bên Dương Kiên.

Khi bệnh của Dương Kiên bắt đầu nặng, Thượng thư Tả bốc xạ Dương Tố, Binh bộ Thượng thư Liễu Thuật và Hoàng môn Thị lang Nguyên Nham,… lập tức được lệnh vào cung Nhân Thọ thành lập một nội các "lâm thời" trong thời gian Dương Kiên không thể ngự triều. Cùng lúc đó, Thái tử Dương Quảng cũng nhận được lệnh vào điện Đại Bảo để có thể ngày đêm phục vụ Hoàng đế. Trong mắt của Dương Quảng, Dương Kiên sẽ không sống được bao lâu nữa, vì vậy vị Thái tử lắm mưu mẹo này quyết định chuẩn bị trước cho những tình huống xấu nhất.

Dương Quảng viết một bức thư gửi cho Thượng thư Tả bốc xạ Dương Tố hỏi về tình hình các quan và triều đình, đồng thời lệnh cho ông ta phải có sự bố trí thích hợp để phòng trường hợp khi Hoàng đế qua đời thì triều đình xảy ra động loạn. Dương Tố, theo yêu cầu của Dương Quảng, viết trả lời một bức mật thư.

Tuy nhiên, người đưa thư trong cung không biết nhầm lẫn thế nào lại mang bức mật thư gửi đến chỗ Hoàng đế Dương Kiên. Dương Kiên đọc nội dung bức thư, lập tức nổi giận đùng đùng. Hoàng đế thì còn nằm bệnh trên giường, chưa biết sống chết ra sao mà Thái tử và Tể tướng đã ngấm ngầm sắp đặt mọi chuyện. Đây chẳng phải là một cuộc mưu phản thì là gì?

Trong khi Dương Kiên đang chưa biết trút sự giận dữ vào đâu thì Trần Quý nhân, người thiếp được Dương Kiên sủng ái nhất, bước vào với khuôn mặt đầy vẻ hoang mang, rối loạn. Dương Kiên hỏi có chuyện gì thì Trần thị bật khóc nói: "Thái tử vô lễ!". Đang lúc giận dữ vì chuyện của Dương Quảng giờ lại nghe Trần thị nhắc tới hai chữ Thái tử, Dương Kiên trừng mắt, vặn hỏi Trần Quý nhân đã xảy ra việc gì. Trần thị lúc này mới vừa nấc vừa kể rằng sáng sớm hôm ấy bất ngờ gặp Dương Quảng trên đường đi, Dương Quảng không phân biệt trên dưới đã trêu ghẹo, đòi làm trò bại hoại nhân luân với mình.

Trần thị đã phải tìm mọi cách chống cự mới chạy thoát khỏi tay Dương Quảng để chạy tới đây. Dương Kiên nghe Trần thị nói mà cứ như sấm nổ bên tai. Vị Hoàng đế nhà Tùy không thể ngờ rằng đứa con trai nổi tiếng hiền lành, khiêm nhường lại có thể là một tên súc sinh đội lốt người như vậy. Dương Kiên nằm ở trên giường bệnh nhưng vẫn dùng hết sức đập tay xuống giường, chửi: "Một tên súc sinh như vậy thì làm sao có thể giao phó chuyện quốc gia đại sự được? Độc Cô thị đã làm hại ta, Độc Cô thị đã làm hại ta!...".

Sau khi đã rút ra "bài học xương máu" nói trên, Dương Kiên cho gọi Liễu Thuật và Nguyên Nham vào nói: "Truyền gọi con ta!". Liễu Thuật và mọi người đứng hầu đang định quay ra gọi Thái tử Dương Quảng vào hầu Hoàng đế thì Dương Kiên nói thêm một câu: "Truyền gọi Dương Dũng!". Liễu Thuật và Nguyên Nham nhìn nhau như chợt hiểu ra điều gì, vội vàng soạn thảo chiếu thư lệnh cho Hoàng tử Dương Dũng vào chầu. Dương Tố nghe xong chuyện này vội vàng báo với Dương Quảng.

Dương Quảng vội giả mạo chỉ dụ của Hoàng đế ra lệnh bắt Liễu Thuật và Nguyên Nham tống vào ngục tối, sau đó điều động toàn bộ binh lính ở Đông Cung của mình xông vào khống chế cung Nhân Thọ, nơi ở của Dương Kiên. Tiếp đó, Dương Quảng hạ lệnh cho thuộc hạ xông vào tịch cung của Hoàng đế, đuổi toàn bộ cung nữ đang hầu hạ Dương Kiên ra ngoài nhốt ở một cung điện khác. Ngày hôm đó cũng là ngày tin tức Tùy Văn Đế Dương Kiên đã băng hà được truyền ra từ cung Nhân Thọ.

Do một loạt hành động "không bình thường" của Thái tử Dương Quảng trước khi Hoàng đế qua đời, thành ra cái chết của Tùy Văn Đế Dương Kiên trở thành đề tài dị nghị của tất cả mọi người trong và ngoài cung cấm. Trần Quý nhân và các phi tần bị nhốt ở một cung điện khác, khi nghe tin Tùy Văn Đế đã chết, thì lo lắng không yên. Họ tin rằng việc họ bị đuổi khỏi tịch cung của Hoàng đế rồi tiếp đó là cái chết đột ngột của Tùy Văn Đế là những điềm báo rằng những ngày tháng tiếp theo của họ sẽ chẳng lấy gì làm tốt đẹp.

Buổi trưa ngày hôm đó, sứ giả của Thái tử Dương Quảng mang một chiếc hộp vàng tới gặp Trần thị, nói rằng Thái tử muốn tặng chiếc hộp này cho Quý nhân. Trên chiếc hộp là một mảnh giấy có ghi những dòng chữ do chính tay Thái tử Dương Quảng viết. Mới nhìn, Trần thị đã tin rằng bên trong chiếc hộp này chính là thuốc độc nên vô cùng sợ hãi, không muốn mở ra. Mãi tới khi vị sứ giả thúc giục, Trần thị mới vừa run rẩy, vừa mở nắp chiếc hộp.

Tuy nhiên, khác hoàn toàn với dự đoán của Trần thị, bên trong hộp vàng không phải là thuốc độc mà lại là những chiếc "đồng tâm kết" được tết bằng gấm rất tinh xảo. Những cung nữ đang ở cạnh Trần thị lúc này vừa kinh ngạc, vừa vui mừng nói với nhau: "Như vậy là thoát nạn, có thể miễn được cái chết rồi". Tuy nhiên, Trần thị thì ngược lại, không hề vui vẻ gì, quay lưng lại định bỏ đi mà không đáp tạ món quà của thái Tử. Các cung nữ níu giữ, nài nỉ mãi, cuối cùng Trần thị mới miễn cưỡng bái một bái lấy lệ.

Buổi tối hôm đó, Thái tử Dương Quảng mang theo bộ mặt đắc ý tìm tới phòng của Trần Quý nhân… Kết quả là, Dương Quảng đã cưỡng đoạt ái thiếp của người cha vừa mới mất của mình. Nhiều người tin rằng, chính Trần Quý nhân là động lực khiến Dương Quảng quyết định làm cái việc "giết cha" đầy phản nghịch kia. Câu chuyện nói trên được ghi chép rất nhiều trong các sách sử cũng như lưu truyền rất rộng trong dân gian. Chính vì vậy, ngày nay, hễ nhắc tới Tùy Dạng Đế Dương Quảng là người ta nhắc tới một bạo chúa sau khi giết cha, cướp ngôi còn cưỡng đoạt cả mẹ kế, một tên tiểu nhân không bằng loài cầm thú.

Tuy Dang De Duong Quang: Giet cha, doat me ke... lam vo?-Hinh-2

Trên thực tế, nếu đọc kỹ lại sử sách có thể thấy, câu chuyện nói trên hoàn toàn là do trí tưởng tượng phong phú trong dân gian sáng tạo nên. Nếu như lược bỏ những tình tiết đầy ám thị trong câu chuyện trên thì những sự kiện chính về cái chết của Tùy Văn Đế Dương Kiên được sách "Tùy thư" ghi chép như sau:

- Ngày 27 tháng Giêng, Dương Kiên về tới cung Nhân Thọ.

- Ngày 28 tháng Giêng, Dương Kiên hạ chiếu giao toàn bộ việc tài chính, thưởng phạt và những việc nhỏ cho Thái tử Dương Quảng toàn quyền xử lý.

- Tháng 4, Dương Kiên bắt đầu cảm thấy cơ thể yếu hơn.

- Tháng 6, triều đình tuyên bố đại xá thiên hạ.

- Ngày 10 tháng 7, bệnh của Dương Kiên ngày càng nặng, vội vàng cho gọi văn võ bá quan. Trong giây phút hấp hối, Dương Kiên cố hết sức nắm tay các cận thần của mình nói lời từ biệt. Cảnh tượng lúc bấy giờ vô cùng thương tâm, nhiều đại thần đã khóc.

- Ngày 13 tháng 7, Dương Kiên chết.

Nếu theo ghi chép này của "Tùy thư", có thể khẳng định rằng Tùy Văn Đế Dương Kiên đã chết một cách hoàn toàn tự nhiên và trong tâm trạng mãn nguyện. Đối với việc giao phó chuyện quốc gia đại sự lại cho Thái tử Dương Kiên, vị Hoàng đế già không hề cảm thấy ân hận, ngược lại hoàn toàn yên tâm phó thác. Thậm chí, người ta có thể tưởng tượng ra cảnh tượng khi Dương Kiên lâm chung, nắm tay các đại thần văn võ nói những câu đại loại như: "Các khanh cố gắng phò giúp Thái tử, đừng phụ sự phó thác của trẫm…".

Ngoài ra, trong phần "Hà Trù truyện" của sách "Tùy thư" cũng ghi chép một đoạn đối thoại có thể làm chứng cứ cho việc Tùy Văn Đế Dương Kiên không hề cảm thấy ân hận khi truyền ngôi cho Dương Quảng. Trong "Hà Trù truyện" có chép, một ngày trước khi Dương Kiên nói lời vĩnh biệt bá quan văn võ, có cho gọi một đại thần thân tín của mình là Hà Trù tới và giao cho họ Hà phụ trách việc hậu sự của mình. Sau khi gặp Hà Trù, Dương Kiên cho gọi Dương Quảng tới rồi dùng tay xoa xoa vào cổ Dương Quảng, nói: "Hà Trù làm việc gì cũng tỉ mỉ, cẩn thận. Ta đã giao phó chuyện hậu sự của ta cho ông ấy. Làm việc gì cũng nên thương lượng với ông ta".

Việc tìm người để giao phó chuyện hậu sự chứng tỏ đầu óc Dương Kiên trước khi chết vẫn còn rất tỉnh táo, hơn nữa cũng rất bình thản, còn việc xoa xoa vào cổ thái tử Dương Quảng một lần nữa chứng tỏ rằng, sự thương yêu mà Dương Kiên dành cho thái tử Dương Quảng không hề giảm đi so với trước kia.

Nói một cách khác, Dương Kiên vẫn như trước kia, hoàn toàn tin tưởng và kỳ vọng vào người mà ông đã chọn làm Thái tử. Vì vậy, không thể có chuyện Dương Kiên tức giận vì Dương Quảng trêu ghẹo ái thiếp của mình, định phế bỏ Dương Quảng nên đã bị Dương Quảng "ra tay trước" giết chết để soán ngôi.

Trên thực tế thì câu chuyện kể trên không phải do những người biên soạn sách "Tùy thư" sáng tạo nên. Câu chuyện Dương Quảng giết cha, soán ngôi rồi cưỡng đoạt mẹ kế có nguồn gốc từ một tiểu thuyết dã sử có tên là "Đại nghiệp lược ký" xuất hiện vào thời kỳ đầu nhà Đường. Ai cũng biết, vào thời kỳ cuối Tùy, đầu nhà Đường, dân chúng Trung Quốc vô cùng căm ghét tên "bạo chúa" Dương Quảng, vì vậy việc sáng tạo nên câu chuyện đầy tính ly kỳ này có lẽ xuất phát từ tâm lý thù địch đối với Dương Quảng. Những người viết sách "Tùy thư" lại là những đại thần của nhà Đường mới được thành lập, chính vì vậy, họ sẽ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào có thể để nói xấu triều đại cũ, thậm chí còn bỏ công tô đậm thêm sự xấu xa của triều đại đó.

Tuy nhiên, trong quá trình "gia công" ấy, các sử gia nhà Đường đã để lộ nhiều chỗ sơ hở không đáng có.

Trong cuốn dã sử "Đại nghiệp lược ký" viết: Cao Tổ (Dương Kiên) bị bệnh nặng ở cung Nhân Thọ, Dạng Đế cũng ở đó hầu hạ. Bên cạnh Dương Kiên lúc đó có hai mỹ nhân họ Trần và họ Thái. Một lần, Dương Kiên cho gọi Thái thị ở phòng bên cạnh nhưng mãi không thấy ra, khi ra tới nơi thì mặt bị xước, đầu tóc rối bù. Dương Kiên hỏi, Thái thị khóc trả lời: "Thái tử vỗ lễ". Dương Kiên nổi giận, thổ cả huyết ra sàn, lập tức cho gọi Liễu Thuật, Nguyên Nham viết chiếu triệu Thái tử bị phế là Dương Dũng. Dương Quảng liền sai người hạ độc giết chết Dương Kiên…

Có thể thấy rằng, trong cuốn dã sử "Đại nghiệp lược ký", người bị Dương Quảng "vô lễ" không phải là Trần Quý nhân mà là một mỹ nhân họ Thái. Vậy vì sao các sử gia biên soạn "Tùy thư" lại có thể nhầm lẫn từ họ Thái sang họ Trần? Câu hỏi này cho tới nay không ai có thể trả lời được, tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cụ thể có thể khẳng định khi biên soạn câu chuyện trong "Tùy thư", các sử gia triều Đường đã nghĩ tới nếu như để Dương Quảng "sàm sỡ" với Thái thị, một người không hề quen biết thì e rằng người ta sẽ không tin. Vì vậy, họ quyết định thay vì để Dương Quảng sàm sỡ với Thái thị thì cho Dương Quảng sàm sỡ với Trần thị, người đã có nhiều liên hệ với Dương Quảng trong việc cướp ngôi của Thái tử Dương Dũng từ trước đó. Tuy nhiên, chính việc "gia công" này lại để lộ rất nhiều sự phi logic.

Thứ nhất, theo ghi chép của sử sách, toàn bộ sự việc "giao phó chuyện hậu sự", "xoa cổ thái tử" cho tới "nói lời từ biệt các quan" đều xảy ra từ ngày 10 tới ngày 13 tháng 7. Vì vậy, có thể chắc chắn rằng, không chỉ Dương Quảng mà cả Dương Kiên cũng tự thấy rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Trên thực tế, Dương Kiên cũng đã xác định rằng mình chỉ còn sống được ba hôm nữa.

Theo lý thường, đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm đối với Dương Quảng. Bởi lẽ, khi Dương Kiên sắp mất thì cũng là lúc Dương Quảng chỉ còn cách ngai vàng quyền lực một bước rất nhỏ. Song, một bước rất nhỏ này lại là bước nguy hiểm nhất, cũng là khó khăn nhất. Rất nhiều vị Thái tử đã mất quyền kế vị, thậm chí mất luôn cả mạng trong thời khắc chuyển giao này.

Trong thời điểm nhạy cảm như vậy, một người có khả năng nhẫn nhịn và tự kiềm chế như Dương Quảng chắc chắn sẽ phải cẩn thận hơn ngày thường gấp cả trăm lần.

Thậm chí, khi có mặt các quan văn võ, để lấy lòng các đại thần tương lai, Dương Quảng còn tự tay bưng trà, rót nước hầu hạ người cha đang nằm trên giường bệnh của mình. Đó mới là hành xử phù hợp với tính cách của một người lắm mưu mẹo như Dương Quảng.

Tuy nhiên, trong câu chuyện của "Tư trị thông giám", Dương Quảng lại có một hành động cực kỳ bất lợi cho mình đó là trêu ghẹo ái thiếp của cha. Nếu sự việc này thực sự là thực thì nó không chứng minh Dương Quảng háo sắc mà chỉ có thể chứng minh ông ta quá ngu xuẩn. Bởi lẽ, chỉ vài ngày nữa cả thiên hạ đều là của ông ta huống hồ là một người đàn bà họ Trần. Hà cớ gì một người đầy mưu mô như Dương Quảng lại vì một phút "nông nổi" mà phí hoài hơn 20 năm nỗ lực chuẩn bị cho sự kế thừa ngôi báu của mình.

Ngay cả khi Dương Quảng chắc chắn rằng mình đã nắm được người cha bệnh tật trong lòng bàn tay thì chuyện "sàm sỡ" với ái thiếp của cha, nếu lộ ra ngoài cũng vô cùng bất lợi cho việc lên ngôi của Dương Quảng sau này. Vì vậy, trong thời điểm lúc bấy giờ, một người như Dương Quảng chắc chắn không bao giờ trêu ghẹo Trần thị bởi lẽ điều này không phù hợp với logic thực tế.

Ngoài việc không hợp logic trong cách hành xử của Dương Quảng, ngay biểu hiện của Trần Quý nhân cũng rất mâu thuẫn. Phần "Hậu phi liệt truyện" của sách "Tùy thư" có chép, Trần thị được nạp vào hậu cung nhà Tùy làm phi tần. Do khi Độc Cô Hoàng hậu còn sống tính hay ghen nên Dương Kiên rất ít nạp phi tần. Vì thế, sau khi Độc Cô Hoàng hậu qua đời, Trần thị được đắc sủng. Khi đó, Tấn Vương Dương Quảng âm mưu đoạt ngôi của anh nên đã chuẩn bị lễ hậu hĩnh tặng cho Trần thị để Trần thị nói tốt cho mình. Việc Dương Quảng được phong Thái tử là nhờ một phần lớn công sức của Trần thị.

Theo ghi chép này có thể thấy ngay từ khi Dương Quảng còn là Tấn Vương thì Trần Thị đã lợi dụng sự sủng ái của Tùy Văn Đế dành cho mình để giúp đỡ Dương Quảng giành được ngôi vị Thái tử. Vì thế, có thể chắc chắn rằng, mối quan hệ của Dương Quảng và Trần thị không hề bình thường, nếu như không phải là tình nhân thì chí ít cũng là một "đồng minh chính trị". Nói cách khác, từ trước khi Dương Quảng là Thái tử thì cả hai đã gắn bó lợi ích với nhau. Theo đó thì nếu muốn "vô lễ", vì sao Dương Quảng không làm từ trước mà phải đợi tới thời điểm nhạy cảm như vậy mới "vô lễ".

Hơn nữa, cứ cho là Dương Quảng "mừng quá hóa rồ", không kiềm chế được bản thân thì phía Trần thị vì sao trong thời kỳ Dương Kiên còn khỏe mạnh và đang được sủng ái, cô ta vẫn ngấm ngầm giúp đỡ cho Dương Quảng giết hại anh trai để đoạt ngôi Thái tử rồi giờ đây, khi vị vua già không còn sống được bao lâu nữa, quyền lực đã sắp vào tay Dương Quảng thì cô ta lại từ chối sự sủng hạnh mà Dương Quảng dành cho mình? Bởi lẽ điều đó đồng nghĩa với việc cô ta đang từ chối sự vinh hoa, phú quý cho phần đời còn lại của cuộc đời mình.

Thậm chí, nếu như cho rằng, Trần thị sẵn sàng đánh đổi tất cả để giữ gìn sự trinh tiết của mình đối với Tùy Văn Đế thì cô ta cũng không thể đem chuyện bị "sàm sỡ" nói lại với Dương Kiên. Bởi một lý do cực kỳ đơn giản, một khi Dương Quảng bị bắt, không có gì đảm bảo rằng vị Thái tử mưu mẹo này không khai báo mối quan hệ giữa hai người từ khi còn phối hợp cùng nhau đoạt ngôi Thái tử. Trần thị được các sử gia đánh giá là một người thông minh, vì vậy, tin rằng cô ta sẽ không hành động xuẩn ngốc tới như vậy.

Với những chứng cứ nói trên, có thể khẳng định rằng, câu chuyện Tùy Dạng Đế Dương Quảng giết cha, soán ngôi rồi cưỡng đoạt cả mẹ kế hoàn toàn là chuyện bịa đặt. Tuy nhiên, suốt hàng ngàn năm qua, câu chuyện dân gian này đã biến Tùy Dạng Đế trở thành một ác ma, một bạo chúa tàn bạo vô luân.

Song vào năm 604, Dương Quảng hoàn toàn không biết điều đó. Ngày 23 tháng 7 năm đó, sau suốt 20 năm dày công nỗ lực và chuẩn bị, Dương Quảng cuối cùng đã như ước nguyện ngồi được lên ngai Hoàng đế nhà Tùy, trở thành vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại này.

Khai quật ngôi mộ cổ Trung Quốc, lộ bí mật “khủng” của nhà Tùy

(Kiến Thức) - Trong cuộc khai quật tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, các nhà khảo cổ phát hiện ngôi mộ cổ khoảng 1.400 tuổi. Bên trong ngôi mộ của một cặp vợ chồng cùng nhiều cổ vật "khủng", hé lộ bí mật của nhà Tùy. 

Khai quật ngôi mộ cổ Trung Quốc, lộ bí mật “khủng” của nhà Tùy
Khai quat ngoi mo co Trung Quoc, lo bi mat “khung” cua nha Tuy
Các nhà khảo cổ từ Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học An Dương ở Trung Quốc mới công bố phát hiện đáng chú ý trong cuộc khai quật một ngôi mộ cổ có niên đại từ thời nhà Tùy (từ năm 581 - 618). 

Ai là mỹ nữ phong lưu nhất trong lịch sử Trung Hoa?

Đây là nữ nhân huyền thoại trong lịch sử Trung Hoa: Người di truyền sự phong lưu cho Võ Tắc Thiên, 44 tuổi xuất giá, 60 tuổi vẫn nuôi trai trẻ trong nhà.

Ai là mỹ nữ phong lưu nhất trong lịch sử Trung Hoa?

Mỹ nhân di truyền sự phong lưu cho Võ Tắc Thiên

Vào thời nhà Đường có một vị nữ nhân đặc biệt mà đến hiện tại vẫn có không ít người ngưỡng mộ. Nữ nhân này đặc biệt ở chỗ, 44 tuổi bà mới được gả đi. Vào thời xưa, 44 tuổi là một độ tuổi tương đối cao, có thể đã lên chức bà. Tuy nhiên, nữ nhân lại vẫn có thể hạ sinh 3 cô con gái như hoa như ngọc cho chồng. Đó chính là Vinh Quốc phu nhân Dương thị.

Phát hiện hơn 3.000 ngôi mộ cổ gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng

(Kiến Thức) - Trong cuộc khai quật tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, các nhà khảo cổ tìm thấy hơn 3.000 ngôi mộ cổ. Những cổ mộ này nằm gần lăng mộ của Tần Thủy Hoàng.

Phát hiện hơn 3.000 ngôi mộ cổ gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Phat hien hon 3.000 ngoi mo co gan lang mo Tan Thuy Hoang
Theo các nhà khảo cổ, hơn 3.000 ngôi mộ cổ mới được phát hiện tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Những ngôi cổ mộ này được giới khảo cổ tìm thấy khi tiến hành một số dự án xây dựng lớn. 

Đọc nhiều nhất

Tin mới