Tướng Peter Pavel, người đứng đầu Ủy ban quân sự của NATO tuyên bố, bất kể quan hệ căng thẳng giữa Moscow và phương Tây, cho đến nay Nga chưa một lần nào vi phạm đường biên giới hay không phận của các quốc gia Baltic.
Trong cuộc nói chuyện với các phóng viên, Tướng Peter Pavel cảnh báo họ rằng không nên sử dụng ngôn từ "cuộc xâm lăng của Nga" đối với các quốc gia thuộc khu vực Baltic - Estonia, Latvia và Litva, bởi chẳng có gì như thế xảy ra trong khu vực.
“Bất chấp những căng thẳng chính trị trong thời gian gần đây giữa Nga và các nước phương Tây, không hề thấy có hành vi nào của phía Nga là xâm phạm không phận hay lãnh thổ của các quốc gia này”, tướng Pavel nhấn mạnh.
Tướng Peter Pavel, người đứng đầu Ủy ban quân sự của NATO. Ảnh: Jerusalem Post. |
"Tất cả những gì chúng tôi ghi nhận trong khu vực là gia tăng hiện diện quân sự, số lượng các cuộc tập trận, tăng số lượng các chuyến bay của các máy bay tầm xa, số lượng các chuyến by trinh sát… Tôi sẽ không gọi những thứ đó là "cuộc xâm lăng", Military.com trích dẫn lời tướng Peter Pavel.
Vị tướng NATO cũng nhận xét rằng nguyên nhân của hầu hết các vụ chặn máy bay Nga và NATO trong khu vực là do hiểu nhầm. Tướng Pavel kêu gọi các bên nên có "hành vi trách nhiệm" để tránh xảy ra sự cố tương tự.
Trước đó, hôm 8/3, Mỹ tuyên bố sẵn sàng bảo vệ các nước Baltic trước “mối đe dọa/sự xâm lăng” của Nga.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Ed Royce tuyên bố: Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Lithuania (Litva), Latvia và Estonia trong việc chống lại các nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này.
Phát biểu sau cuộc họp với Ngoại trưởng các nước Baltic, ông Royce cho biết: "Mối quan hệ bền chặt, dài lâu của chúng tôi với Baltic đã được khẳng định, tăng cường trong thời gian bị Liên Xô chiếm đóng, khi đó Hoa Kỳ từ chối công nhận họ thuộc Liên Xô. Ngày hôm nay các đồng minh Baltic của chúng tôi một lần nữa phải đối mặt với điện Kremlin vốn đang muốn làm suy yếu, can thiệp và hăm dọa họ".
Những phát ngôn về "mối đe dọa/sự xâm lược" Nga dường như là câu cửa miệng của các chính trị gia vùng Baltic. Về phần mình, Kremlin đã nhiều lần chỉ ra rằng tất cả các nước NATO đều biết rõ rằng Moscow không có "kế hoạch tấn công" ai và họ lợi dụng huyền thoại về một "mối đe dọa từ phương Đông" chỉ để đặt thêm thiết bị quân sự sát biên giới Nga mà thôi.
Baltic hiện đang là khu vực nhạy cảm, được coi là đối trọng giữa Nga-phương Tây/Hoa Kỳ. Do đó việc Mỹ dành sự quan tâm đặc biệt với các nước trong khu vực này điều hoàn toàn dễ hiểu.