Tướng Lê Mã Lương nói gì về tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam?

(Kiến Thức) - Theo tướng Lê Mã Lương, sự kiện tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam là một minh chứng cho sự hợp tác đối ngoại đa phương của hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Nó mở ra một triển vọng hợp tác về mặt quân sự Việt-Mỹ.

Sáng 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS USS Wayne E. Meyer cùng khoảng 6.500 thủy thủ đã vào đến vịnh Đà Nẵng (vùng biển Việt Nam) để bắt đầu chuyến thăm hữu nghị thành phố Đà Nẵng đến ngày 9/3.
Trong chuyến thăm này, các thuỷ thủ Mỹ sẽ tham gia nhiều hoạt động giao lưu nhân dân và trao đổi chuyên môn như tham gia thi đấu bóng rổ và bóng đá cùng thanh niên địa phương, đến thăm các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ mồ côi, học nấu món ăn Việt, dự diễn tập phòng cháy chữa cháy, trao đổi kỹ thuật trên tàu...
Nhân sự kiện tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tướng Lê Mã Lương.
 Tướng Lê Mã Lương.
Nhận định về sự kiện đặc biệt này, Tướng Lê Mã Lương cho rằng, đây là một sự hợp tác mà Việt Nam và Mỹ đang đẩy lên đến tầm cao.
“Sự hợp tác một cách toàn diện không chỉ về mặt quân sự, kinh tế, xã hội hay văn hóa. Việc tàu sân bay USS Carl Vinson - loại tàu hiện đại nhất trên thế giới có mặt ở Vịnh Đà Nẵng đã nói lên quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ là một minh chứng cho sự hợp tác đối ngoại đa phương của hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Gần đây, khi người ta biết về sự kiện này, trên mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình. Ngay cả nước ngoài người ta cũng ủng hộ. Sự kiện này có thể đụng chạm đến nước láng giềng nhưng trong quan hệ đối ngoại, chúng ta đã có khẳng định là quan hệ với đối tác mà các bên đều có lợi, không làm phương hại đến lợi ích của nước thứ 3”, Tướng Lương nhận định.
Tướng Lương cho rằng, về mặt quân sự, sự kiện trên đã mở ra một triển vọng hợp tác về quân sự giữa Việt Nam và Mỹ.
“Cái mà tôi rất kỳ vọng trong tương lai là không chỉ có một số anh em kỹ thuật tham gia vào đội quân Liên Hiệp Quốc mà là sự hình thành của một lực lượng tham gia vào gìn giữ hòa bình tại Liên Hiệp Quốc. Chúng ta trưởng thành lên, tích lũy kinh nghiệm, đánh giá được vị thế quân sự Việt Nam, thấy được mặt ưu điểm cũng như nhược điểm để chúng ta vươn lên một tầm mới", tướng Lương trao đổi.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Ảnh: US Navy.
 Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson. Ảnh: US Navy.
"Thứ 2, trong tương lai gần có sự hợp tác về thao diễn về mặt kỹ thuật, trao đổi về các lĩnh vực, sâu hơn sẽ rất có lợi cho chúng ta, nhất là khi chúng ta được tham gia vào diễn tập cùng với Mỹ giống như các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia ... hình thành một liên quân hàng năm có những cuộc diễn tập tại các nước tham gia. Về mặt tương lai rất cần có những cái đó. Thông qua sự kiện như vậy, chúng ta không đe dọa bất kỳ ai, bởi vì Việt Nam kể cả mua sắm trang thiết bị về quân sự chỉ là tự vệ, phòng thủ đất nước. Quan điểm chiến lược của Việt Nam là phòng thủ đất nước. Chúng ta mạnh lên sẽ thể hiện được tầm vóc mới trong phòng thủ đất nước”, Tướng Lê Mã Lương cho hay.
USS Carl Vinson là một trong 10 siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. Nó có biệt danh “Đại bàng Vàng” (Golden Eagle), lấy khẩu hiệu là “Sức mạnh từ biển cả” (Vis Per Mare). Với “nhân khẩu” gần 6.000 thuỷ thủ và chuyên viên, thủy thủ đoàn tàu Carl Vinson thậm chí đông dân hơn cả một số thành phố.
USS Carl Vinson là một trong những chiến hạm lớn nhất mà con người từng chế tạo. Phần boong chính hoạt động như một sân bay, gồm đường băng để cất và hạ cánh. Các tàu sân bay Mỹ sử dụng phương pháp phóng máy bay kiểu CATOBAR. Máy bay cất cánh với sự hỗ trợ của máy phóng thủy lực với lớp Nimitz và điện từ với lớp Ford. Khi máy bay hạ cánh, nó sử dụng móc ở đuôi bám vào cáp hãm đà để giảm nhanh tốc độ của máy bay.
Bên dưới mặt boong là nhà chứa máy bay, khu vực này chiếm phần lớn diện tích theo chiều dọc của tàu. Tàu sân bay lớp Nimitz có thể mang theo tối đa 90 máy bay. Nhà chứa máy bay được bố trí thành 3 khoang riêng biệt có thể cô lập hỏa hoạn lan sang khu vực khác.
Nó còn được trang bị 2 lò phản ứng giúp giải phóng nhiều không gian trên tàu kết hợp với các cải tiến trong thiết kế. Điều này cho phép tàu sân bay lớp Nimitz mang thêm 90% nhiên liệu hàng không và 50% vũ khí khi so sánh với tàu sân bay lớp Forrestall. Các loại vũ khí như bom, tên lửa trang bị cho máy bay thường được lưu trữ ở kho chứa bên dưới đường nước. 4 thang máy sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển máy bay và vũ khí lên boong và ngược lại.
Tàu sân bay hoạt động như một căn cứ không quân di động, do đó máy bay là thành phần quan trọng nhất trên hàng không mẫu hạm. Số lượng máy bay mà tàu có thể mang theo tùy vào kích thước của tàu. USS Carl Vinson mang theo Không đoàn tàu sân bay số 2 (CVW-2). Không đoàn này được biên chế với 4 phi đội chiến đấu, gồm 24-36 tiêm kích F/A-18 E/F Super Hornet, 10-12 F/A-18C Hornet. Các tiêm kích này có thể tấn công mục tiêu cách tàu mẹ hơn 800 km với nhiên liệu nội bộ.

Tin mới