Đó là nhận định của Tiến sĩ Liu Youfa - cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Viện Pangoal, một tổ chức tư vấn chính trị của Trung Quốc – trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 18/1/2017.
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ảnh: The Daily Beast |
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ xử lý như thế nào mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn là động lực cho cả hai nền kinh tế?
Để trả lời câu hỏi này, theo Tiến sĩ Liu Youfa, người ta cần có một cái nhìn cận cảnh những động lực đã thúc đẩy quan hệ song phương Mỹ-Trung cho đến nay.
Hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung
Trong 8 năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (cùng Chủ tịch tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào) và Tổng thống Barack Obama đã tạo đà cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc vốn đã chịu đựng những tác động to lớn về tài chính cũng như chính trị của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thường xuyên gặp gỡ qua các chuyến thăm song phương cũng như tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực và quốc tế. Những cuộc đàm phán cấp cao đã cho phép hai nhà lãnh đạo này đưa ra quyết định chiến lược và chính trị về một số vấn đề khó khăn phức tạp. Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc đã thành lập 94 cơ chế đối thoại song phương, tạo điều kiện điều kiện cho cả hai bên giải quyết các vấn đề khó khăn thông qua đối thoại và đàm phán.
Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại lớn của nhau. Bây giờ, hai nước cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn lẫn nhau.
Hai nước đều là thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã và đang phối hợp chính sách về nhiều vấn đề quan trọng để thúc đẩy quản trị toàn cầu. Trong số các thành tựu lớn nhất cho đến nay, có việc Mỹ và Trung Quốc đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại tại Paris vào năm 2015, giúp thế giới khỏi trượt vào con đường tự hủy hoại do suy thoái môi trường.
Những vấn đề tồn đọng
Tiến sĩ Liu Youfa cho rằng quá trình phát triển quan hệ song phương thường đi kèm với các vấn đề phức tạp và quan hệ song phương Mỹ-Trung không phải là trường hợp ngoại lệ.
Xét theo góc độ chính trị, Trung Quốc và Mỹ có hệ thống, truyền thống văn hóa và các giá trị khác nhau. Do đó, những khác biệt này có thể gây ra hiểu lầm và nghi ngờ lẫn nhau về nhiều vấn đề. Các chính phủ Mỹ kế tiếp nhau vẫn nghi ngờ sự trỗi dậy của Trung Quốc và dẫn đến việc chính quyền Obama khởi xướng chiến lược “xoay trục sang Châu Á”.
Hơn nữa, quan hệ song phương Mỹ-Trung vẫn còn thiếu sự hỗ trợ vững chắc của các hiệp ước ràng buộc lẫn nhau. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã tuyên bố công khai rằng chính quyền của ông sẽ xem xét lại chính sách "một nước Trung Hoa" vốn là cả “vạch đỏ” đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ-Trung có thể bị trục trặc, sau khi ông Trump tại vị ở Nhà Trắng.
Từ góc độ kinh tế, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cả hai đều là động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hai nền kinh tế này có sự chênh lệch về mức đô phát triển và ở hai đầu khác nhau của dây chuyền sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả là sự phối hợp chính sách vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn.
Quan trọng hơn, quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung vẫn còn thiếu sự hỗ trợ thể chế. Hai nước là đối tác thương mại lớn của nhau, nhưng vẫn chưa đàm phán và ký kết được một thỏa thuận thương mại tự do.
Từ góc độ an ninh, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không đủ khả năng để xây dựng một mối quan hệ hài hòa. Hai nước có chiến lược toàn cầu khác nhau và Mỹ vẫn chưa quen với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Các chính phủ Mỹ gần đây đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và do đó, đã và đang thực hiện chính sách "bao vây" Trung Quốc, theo logic Chiến tranh Lạnh.
Trong lĩnh vực chính trị và quân sự, Mỹ đã và đang xây dựng một số hệ liên minh dựa trên các giá trị chung với các nước xung quanh Trung Quốc. Trong lĩnh vực kinh tế, chính phủ Mỹ đã cố gắng xây dựng các tổ chức thương mại và đầu tư "thế hệ tiếp theo", loại trừ sự tham gia của Trung Quốc.
Tiến sĩ Liu Youfa kết luận: Trung Quốc và Mỹ hiện đang đứng trước “ngã ba đường” của phát triển kinh tế bền vững và đổi mới quốc gia. Cả hai nước đều đang chịu áp lực từ một nền kinh tế thế giới phát triển chậm chạp và thương mại toàn cầu bị bó buộc. Cả hai nước đều phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống. Cả hai nước có nghĩa vụ thúc đẩy một thế giới hòa bình, phát triển và hợp tác. Vì vậy, "tinh thần cùng hội cùng thuyền" vẫn cần được áp dụng đối với quan hệ Mỹ-Trung dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.