Đó là nhận định nhà phân tích Zalmay Khalilzad, cựu giám đốc hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc là từng là đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Liên Hợp Quốc.
Nhà phân tích Zalmay Khalilzad, cựu giám đốc hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc là từng là đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Liên Hợp Quốc. |
Chiến thắng Ramadi là một diễn biến tích cực, nhưng chính phủ Iraq vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Hiện chưa có báo cáo đáng tin cậy về sự hiện diện của phiến quân IS ở các địa điểm khác nhau trong thành phố và người ta không biết đến khi nào các ổ đề kháng còn lại của IS ở Ramadi mới bị xóa sổ. Và đến bao giờ thì các biện pháp tái thiết Ramadi mới được thực thi. Nếu chính phủ Iraq thất bại trong việc khắc phục những hậu quả của chiến dịch Ramadi, sự hồi sinh của IS là rất có thể xảy ra.
Dù sao đi chăng nữa, tái chiếm Ramadi là một thành công đáng kể và có thể đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống IS. Sau thảm bại Mosul, lực lượng an ninh Iraq - đặc biệt là lực lượng đặc biệt của nó - đã phục hồi đáng kể về khía cạnh tổ chức lại, tính chuyên nghiệp và sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù chiến dịch tái chiếm Ramadi kéo dài nhiều tháng trời, lực lượng đặc biệt Iraq – với sự hậu thuẫn của không quân Mỹ và các lực lượng bộ tộc Sunni mới được đào tạo – đã chiến đấu khá hiệu quả chống lại một kẻ thù rất thiện chiến trong môi trường đô thị chật hẹp.
Trong khi một số chiến thắng IS trước đó ở thành phố Tikrit là công lao của dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn, các lực lượng an ninh Iraq đã có công đầu trong chiến dịch đánh bật phiến quân IS khỏi trung tâm thành phố Ramadi. Trong chiến dịch này, các lực lượng dân quân Shiite đã đóng một vai trò không đáng kể.
Vai trò của các chiến binh người Sunni trong việc giải phóng Ramadi quả là đáng khích lệ. Vai trò của cộng đồng Hồi giáo Sunni trong cuộc chiến chống IS là rất quan trọng. Trong hai năm 2006 và 2007, người Sunni đã góp phần quan trong vào việc đánh bại nhóm khủng bố Al Qaeda ở Iraq.
Chính sách bè phái thiên vị cộng đồng Hồi giáo Shiite của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã khiến cho cộng đồng người Hồi giáo Sunni ở Iraq phẫn nộ và có thiên hướng cực đoan hơn. Chính vì vậy mà Nhà nước Hồi giáo IS đã dễ dàng trỗi dậy ở các khu vực mà người Sunni chiếm đa số. Đó là chưa kể các tay súng Shiite đã đàn áp, cướp bóc dân chúng người Sunni sở tại, sau khi đánh chiếm thành phố Tikrit – quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein. Việc các cộng đồng người Sunni chán ghét chính phủ do người Shiite chi phối ở Baghdad là thắng lợi chiến lược của IS trong bối cảnh thất bại chiến thuật ở Tikrit.
Việc giải phóng Ramadi mang lại cho chính phủ Iraq cơ hội thu phục “con tim khối óc” của người Sunni trong việc đánh bại IS. Để làm được điều này, chính phủ Iraq cần thực hiện ba bước sau đây.
Thứ nhất, các lực lượng Iraq cần xóa sổ các ổ đề kháng còn lại của phiến quân IS ở trong và ngoài thành phố Ramadi. Quân đội Iraq và các lực lượng Sunni địa phương cần thực hiện sứ mệnh, với sự hỗ trợ của liên quân về không quân và thông tin tình báo. Cần tránh gây thiệt hại đến tài sản và sinh mạng của của dân chúng địa phương. Điều này có thể khiến cho người Sunni ở các nơi khác quay súng chống IS.
Thứ hai, chính phủ Baghdad và các quan chức người Sunni cần nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của dân chúng Ramadi về bảo đảm an ninh, quản trị và cung cấp dịch vụ. Một nỗ lực tái thiết Ramadi là cần thiết để nhận được sự tin tưởng của người dân địa phương. Các cuộc điều tra gần đây cho thấy thái độ bất mãn của người Sunni với cả chính phủ trung ương ở Baghdad lẫn các chính trị gia địa phương đã đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của IS.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo Iraq cần thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề tự trị của người Sunni ở Anbar và các khu vực khác có đa số người Sunni sinh sống. Nhiều người Sunni muốn có quyền tự chủ mà người Kurd ở miền bắc Iraq đang được hưởng. Hiến pháp Iraq đảm bảo cho các tỉnh có quyền theo đuổi tự trị về các vấn đề địa phương. Thế nhưng, Thủ tướng tiền nhiệm Maliki đã vi phạm hiến pháp và trấn áp các tỉnh có người Sunni chiếm đa số theo đuổi phương án liên bang. Điều này đã khiến cho cộng đồng người Sunni vô cùng tức giận.
Một điều quan trọng nữa là chính phủ Iraq cần đạt được một thỏa thuận về chia sẻ quyền lực và tài nguyên giữa chính quyền trung ương và địa phương. Lực lượng an ninh của tỉnh sẽ được trao trách nhiệm duy trì trật tự ở địa phương đến mức tối đa.
Việc đạt được những mục tiêu này quả là không dễ dàng trong hoàn cảnh hiện nay khi giá dầu liên tiếp lập đáy mới và chính phủ Iraq đang phải đối mặt với vấn đề tài chính nghiêm trọng. Hiện thời, Thủ tướng Abadi có vẻ sẵn sàng hơn Thủ tướng Malaki trong việc giải quyết thỏa đáng những khiếu nại của người Sunni. Khắc phục được tình trạng phe phái, chia rẽ tôn giáo sắc tộc trong chính phủ Iraq sẽ giúp cho Thủ tướng Abadi vững vàng hơn trước áp lực của những người Shiite cực đoan.
Ramadi là một phép thử quan trọng đối với các trận đánh sắp tới ở Fallujah và Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq. Nếu liên quân chống IS do Mỹ cầm đầu và chính phủ Iraq có thể đề ra một chiến lược phối hợp để củng cố chiến thắng và có tiến bộ rõ rệt về tái thiết chính trị-kinh tế, Ramadi có thể một bước ngoặt khiến cho cộng đồng người Sunni xa lánh IS và ủng hộ chính phủ Iraq hiện hành.