Đó là nhận định của học giả John Bell - giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Quốc tế Toledo vì Hòa bình tại Madrid và từng là cố vấn chính trị cho Đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đặc trách miền nam Lebanon – trong bài viết dành cho Al Jazeera.
Theo học giả John Bell, với đại thắng Aleppo và sự hỗ trợ vững chắc của Iran và Nga, có thể nói rằng tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là khá an toàn, ít ra là trong thời gian này.
Với đại thắng Aleppo và sự hỗ trợ vững chắc của Iran và Nga, có thể nói rằng tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là khá an toàn. Ảnh YouTube |
Có ý kiến cho rằng nếu không có sự cai trị của Tổng thống Assad, các lực lượng Hồi giáo cực đoan (IS, Jabhat al-Fateh Sham...) sẽ nắm quyền ở Syria. Nga, Iran đã lặp đi lặp lại rằng chỉ có Assad và hệ thống của ông ta mới có thể ngăn chặn một cách hiệu quả các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Ý kiến trái ngược lại khẳng định Tổng thống Assad chính là cội nguồn làm nảy sinh ra các tổ chức khủng bố nói trên. Sự cai trị độc đoán của ông đã tạo ra sự phản kháng và đẩy lớp trẻ bất mãn đến chỗ cực đoan. Chính Tổng thống Assad đã tạo điều kiện cho các tay súng Hồi giáo cực đoan sang Iraq chống lại sự chiếm đóng của Mỹ và gần đây hơn là thả chúng khỏi các nơi giam giữ. Theo ý kiến phản biện này, Tổng thống Assad vừa là kẻ châm lửa đốt nhà vừa là lính cứu hỏa.
Liệu Tổng thống Assad có phải là nhân vật không thể thiếu trong tiến trình hòa bình Syria?
Đối với một số người, Tổng thống Assad là lựa chọn duy nhất có thể duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Nhà nước Syria mạnh dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Assad đã ngăn chặn tình trạng ly khai, chia cắt đất nước. Xét theo quan điểm này, phe đối lập Syria không chỉ cực đoan, mà còn không có tính đại diện trong hầu hết các cuộc bầu cử địa phương. Nếu tính toàn vẹn của Syria là mục tiêu, thì Assad chính là chìa khóa dẫn đến thành công.
Các ý kiến phản biện lại cho rằng chính Tổng thống Assad đã phá hủy đất nước, trong khi cố gắng duy trì toàn vẹn lãnh thổ.
Hàng triệu người Syria đã bị mất nhà cửa, hàng trăm nghìn người bị chết hoặc bị thương...trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ sáu. Ngay cả khi cứu Syria khỏi “thảm họa” IS, hành động của Tổng thống Assad vẫn tạo ra một tâm lý bạo lực.
Nghịch lý Assad thể hiện qua những câu hỏi sau đây: Liệu có thể có một Syria không bị chia cắt mà không có ông ta? Liệu có thể có một Syria lành mạnh với vị tổng thống khá độc đoán này?
Thật khó để tin rằng tương lai của một quốc gia lại phụ thuộc vào số phận của một chính khách. Có tin nói, các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang tìm kiếm một công thức, theo đó Tổng thống Assad sẽ ra đi sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại và có thể được thay thế bằng một chính khách người Alawite ít có vấn đề.
Tuy nhiên, hiện các bên chưa đạt được thỏa thuận này do mâu thuẫn giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò thực sự của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cách tốt nhất để tiến bộ là tạo ra một nền văn hóa ở Syria ít bị ảnh hưởng bởi tư tưởng độc tài, bất kể đó là ý thức hệ của IS hay sự độc quyền nhà nước của Tổng thống Assad. Về lâu dài, một nền văn hóa-xã hội bền vững ở Syria chắc chắn sẽ bác bỏ cả ý thức hệ cực đoan của IS lẫn sự cai trị độc đoán của Tổng thống Assad.
Quá trình này sẽ được thúc đẩy, nếu các nước muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ cho Syria giảm bớt sự can thiệp của họ. Những người khác muốn có một nền dân chủ ngay lập tức cũng cần phải tỉnh táo hơn trước thực tế ở Syria.
Theo học giả John Bell, việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria là một quá trình chuyển đổi sâu sắc về xã hội và văn hóa. Nghịch lý Assad đòi hỏi phải di chuyển Syria một cách từ từ nhưng chắc chắn, hướng tới một đất nước lành mạnh. Để làm điều này, phải có một thứ hàng hóa hiếm hoi trong nền chính trị sống gấp của thế kỷ 21 và đó chính là: thời gian.