Đổi thay nhờ tôm, cá…
Giờ về Cần Giờ đi đâu cũng thấy ao cá, ao tôm. Ông Võ Phương Tùng - Phó trưởng Trạm Thủy sản An Nghĩa (Chi cục Thủy sản TP.HCM) cho biết, sau khi ngành nông nghiệp thành phố và chính quyền huyện tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân vốn và kỹ thuật để nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao...
Ông Nguyễn Văn Đổi ngoài nuôi tôm, ông còn làm muối và nuôi cua. Ảnh: Trần Đáng |
Lão nông Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi, xã đảo Thạnh An) gần cả đời gắn chặt với hạt muối ở ấp đảo Thiềng Liềng giờ cũng đã chuyển dần gần 10ha muối sang nuôi tôm công nghiệp. Mỗi năm, ông nuôi 2 vụ tôm, từ những vụ tôm này, ông thu lợi cả tỷ đồng.
Theo ông Đổi, mô hình này giúp cho người nuôi dễ dàng khống chế về môi trường do quá trình nuôi có thay nước liên tục, kiểm soát khí độc trong ao nuôi, hạn chế tối đa các triệu chứng bệnh gây ra trên tôm… Quan trọng hơn là năng suất nuôi tôm công nghệ cao cao hơn nuôi công nghiệp, lợi nhuận tốt hơn, ổn định hơn…
Khởi nghiệp từ con tôm, nhưng anh Nguyễn Văn Minh (xã An Thới Đông) lại đang dịch chuyển sang con cá dứa - một đặc sản của người dân Cần Giờ. Hiện, anh Minh đang nuôi 3 ao cá dứa với diện tích hơn 1ha. Vụ vừa qua anh dành 7.000m2 nuôi cá dứa và thu hoạch được 13 tấn.
“Với giá 9.000 đồng/kg lợi nhuận chưa tốt lắm. Theo tôi, nuôi cá dứa rất tiềm năng, rủi ro ít, đầu ra rất tốt, giá tốt. Tuy nhiên, người nuôi cá dứa cần có tài chính tốt. Một ao cá 5.000m2 cần có tiền tỷ mới làm đủ” - anh Minh cho biết.
Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, trên địa bàn huyện có hơn 30ha đang nuôi cá dứa với hàng chục hộ nông dân nuôi. UBND huyện cũng đã đăng ký nhãn hiệu cho con cá này để tạo uy tín và nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Thúc đẩy chương trình trọng điểm
Từ năm 2016, huyện Cần Giờ xác định kinh tế biển là chương trình trọng điểm để phát triển kinh tế. Từ đây, huyện Cần Giờ đặc biệt quan tâm và tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân.
Theo ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trong điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, huyện đã triển khai các đối tượng, mô hình sản xuất có ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đảm bảo hiệu quả nghề nuôi, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất, đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng của nông dân.
Hiện, Cần Giờ có 5.576ha thả nuôi tôm. “Năng suất thu hoạch ở các mô hình nuôi tôm đều tăng so với năm trước nên tổng sản lượng tôm thu hoạch đạt khá và có lãi trên 10.670 tấn. Ngoài nuôi tôm, trên địa bàn còn có 252 hộ thả nuôi các loại cá dứa, cá chẽm, cua… với diện tích hơn 246ha. Phần lớn nông dân nuôi đều có lãi” - ông Đặng Xuân Bình - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ thông tin.
Cũng theo UBND huyện Cần Giờ, năm 2019, giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn huyện ước đạt 2.020 tỷ, tăng 5,2% so với năm trước, tương ứng lượng thủy, hải sản khai thác đạt 48.649 tấn.
“Cùng với thương mại - dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp… kinh tế biển đóng một vai trò rất lớn trong việc giảm nghèo, tăng hộ khá trên địa bàn huyện thời gian qua. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn giảm nghèo bền vững của thành phố giảm từ 15,44% (năm 2017) còn 5,76% (năm 2018)” - ông Bình thổ lộ.
Nhằm đẩy mạnh khai thác lợi thế kinh tế biển của địa phương, UBND huyện Cần Giờ cho biết, năm 2019, huyện sẽ tập trung thực hiện hoàn thành lộ trình mục tiêu nhiệm vụ Chương trình phát triển kinh tế biển và kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng năng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (giai đoạn 2017 - 2020). Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản đạt 6,6% và tổng sản lượng thủy sản, hải sản đạt 47.500 tấn.