Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an TP Hà Nội) vừa cho biết, đơn vị đã chuyển hồ sơ tới Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xử lý theo thẩm quyền liên quan đến việc giả mạo nhãn hiệu thời trang nổi tiếng Hermes.
Túi nhãn hiệu Hermes. |
Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP Hà Nội), điều tra xác minh, tại cửa hàng Hoàn Boutique, địa chỉ ở số 38, phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) do bà Phạm Thị Hoàn làm chủ và ông Vương Tuấn Anh, chủ cửa hàng LEGEND, địa chỉ ở số 4, Điện Biên Phủ, quận Hoàn Kiếm, (Hà Nội) đã có hành vi buôn bán các sản phẩm thời trang gắn dấu hiệu “HERMÈS”, “HERMÈS&hình”, “H&hình” trùng với nhãn hiệu “HERMÈS”, “HERMÈS&hình”, “H&hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Các nhãn hiệu trên thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Hermes International (Cộng hòa Pháp) theo Đăng ký quốc tế số 196756, số 199735, số 669026 và số 800232 cho nhiều sản phẩm/dịch vụ trong đó có sản phẩm, dịch vụ thuộc nhóm 14, 25, 26 (túi xách, giày dép, quần áo…).
Tại cơ quan công an bà Hoàn khai nhận, cửa hàng của bà chấp hành các yêu cầu của cơ quan thanh tra, lỗi vi phạm do chưa hiểu biết về sở hữu công nghiệp. Bà Hoàn bị phạt mức 20 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tịch thu tang vật để tiêu hủy các sản phẩm giả mạo. Trong đó có 25 chiếc túi xách nữ, 11 chiếc ví nữ, 2 chiếc móc chìa khóa, 2 thắt lưng, 3 chiếc vòng đeo tay. Còn Trường hợp của ông Vương Tuấn Anh – Chủ cửa hàng LEGEND cũng tương tự như trường hợp trên.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, trường hợp của ông Vương Tuấn Anh xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điều 129, Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ. Mức phạt là 4.000.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu để tiêu hủy 17 sản phẩm thời trang các loại giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.
Vụ việc đang được điều tra làm rõ.