Cô Priti Kushwaha, 33 tuổi, từng làm quản lý bán hàng tại một công ty thương mại điện tử trong thành phố Bengaluru, Ấn Độ, mới đây tử vong do tự ý uống thuốc phá thai.
Theo cảnh sát, cô Priti Kushwaha đã thử thai tại nhà riêng ở New Mico Layout vào thứ Bảy và kết quả là dương tính.
Vì không muốn sinh thêm con khi con trai mới 11 tháng tuổi, Priti Kushwaha đã nhờ chồng mình là Devbrath Kushwaha, một kỹ sư phần mềm ở Bengaluru, mua thuốc phá thai cho cô dù chồng cô đề nghị nên đến bệnh viện.
Sau khi uống thuốc, Priti Kushwaha chảy máu ồ ạt nhưng vẫn không chịu đến bệnh viện gặp bác sĩ. Thậm chí khi người chồng gọi cho anh trai cô là Navneet Sambhav, thông báo về vụ việc, anh trai cũng liên tục yêu cầu em gái tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nhưng cô Priti Kushwaha vẫn từ chối.
Ảnh minh hoạ. |
Rất nhanh sau đó, Priti Kushwaha bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đáng tiếc, khi đến được bệnh viện, Priti Kushwaha được tuyên bố đã tử vong vì mất máu quá nhiều.
Qua trường hợp này, các bác sĩ nhấn mạnh rằng không bao giờ được tự ý uống thuốc phá thai mà không có sự giám sát của chuyên gia y tế.
Bác sĩ Hemanandini Jayaraman, chuyên gia tư vấn sản phụ khoa tại Bệnh viện Manipal Old Airport Road cho biết: "Uống thuốc không kê đơn cực kỳ không an toàn và có thể đe dọa đến tính mạng. Lý do cần giám sát thuốc phá thai là vì có một quy trình để biết một phụ nữ mang thai bao nhiêu tuần, có thể có khả năng mang thai ngoài tử cung, nghĩa là thai nằm trong ống dẫn trứng hoặc ở nơi khác. Trong tình huống này, những viên thuốc phá thai sẽ không có tác dụng".
Bác sĩ Hemanandini Jayaraman cũng nói thêm, thai phụ có thể rơi vào tình trạng biến chứng dẫn đến chảy máu trong nặng, huyết sắc tố thấp, có thể rơi vào trạng thái sốc giảm thể tích.
Sốc giảm thể tích là một tình trạng cấp cứu trong đó bệnh nhân mất máu nghiêm trọng hoặc mất chất lỏng khác khiến tim không thể bơm đủ máu cho cơ thể.
Cụ thể, bệnh nhân bị sốc do giảm đột ngột thể tích tuần hoàn (có thể do mất máu toàn phần hoặc chỉ mất dịch, huyết tương), gây giảm tưới máu tổ chức (thiếu oxy tế bào) và rối loạn chuyển hóa tế bào. Tình trạng thiếu oxy tế bào nếu kéo dài có thể gây tổn thương tế bào các tạng. Tuy nhiên, nếu đến bệnh viện kịp thời, tỷ lệ sống sót khá cao.
Tiến sĩ Shafalika SB, Chuyên gia tư vấn từ Bệnh viện Manipal Yeshwanthpur và Hebbal, cũng cho biết: "Thuốc phá thai không có tỷ lệ thành công 100%. Thuốc phá thai phải luôn được kê đơn bởi bác sĩ phụ khoa hoặc bác sĩ y khoa đã đăng ký hành nghề, đảm bảo thai trong vòng 12 tuần và bằng cách siêu âm cho thấy thai chỉ ở trong tử cung".
Mời quý độc giả xem thêm video: Cảnh báo tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên (Nguồn video: THĐT)