Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân còn khá chủ quan trong vấn đề tuân thủ quy trình điều trị, lựa chọn nơi cung cấp thuốc, tự điều trị mà không có sự tư vấn... Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, người có thâm niên trong lĩnh vực phòng chống và điều trị HIV.
Thưa bác sĩ, hiện nay bệnh nhân có thể điều trị dự phòng sau phơi nhiễm khi hội đủ những yếu tố nào?
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là một can thiệp y khoa dựa vào khả năng ức chế virus HIV của thuốc kháng HIV (ARV). Nó giúp ngăn chặn HIV ngay từ ban đầu và khiến cho chúng ta không bị lây nhiễm HIV.
Bệnh nhân có thể điều trị dự phòng sau phơi nhiễm nếu đủ các yếu tố sau: Thứ nhất là chưa nhiễm HIV hoặc chưa rõ tình trạng huyết thanh của mình, thứ hai là có phơi nhiễm với HIV hoặc nghi ngờ phơi nhiễm với HIV (quan hệ không bao, rách bao, bị kim đâm…). Việc điều trị phải thực hiện không quá 72 giờ đầu sau phơi nhiễm, có hiệu quả đạt được từ 95 đến 99 phần trăm.
Khi điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV thì người bệnh phải sử dụng những loại thuốc như thế nào, mức giá ra sao thưa bác sĩ?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì quy định mới nhất trong việc sử dụng thuốc PEP là ưu tiên phác đồ 3 thuốc kết hợp bao gồm T-L-E (Tenofovir – Lamivudine - Efavirenz).
Ngoài ra, có nơi sẽ bán dưới dạng viên rời. Các thuốc PEP gồm 3 thuốc kết hợp sẽ giống với phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV, gọi chung là thuốc ARV phác đồ bậc 1.
Tại các phòng khám cộng đồng, thuốc ARV bậc 1 được bán với giá trên dưới 1 triệu đồng trên 1 lọ 30 viên. Thuốc ARV dùng để điều trị PEP không miễn phí, chỉ có thuốc điều trị HIV cho người đã nhiễm bệnh mới miễn phí.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ, tư vấn cho bệnh nhân trước khi dự phòng phơi nhiễm. Ảnh: TRÍ NHÂN |
Như vậy có nghĩa thuốc ARV là ‘chìa khóa’ của việc dự phòng cho bệnh nhân sau phơi nhiễm?
Để việc điều trị có hiệu quả, ngoài việc sử dụng thuốc ARV, phải tuân thủ đủ các bước theo quy trình như xét nghiệm sàng lọc, chỉ định điều trị và xét nghiệm sau khi điều trị.
Tôi nhấn mạnh là việc xét nghiệm trước khi điều trị rất quan trọng. Ý nghĩa của hành động này là nhằm xem người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước hay không. Nếu người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, việc điều trị phơi nhiễm sẽ không còn ý nghĩa.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh thổi phòng lên các nỗi sợ về phơi nhiễm, thực chất HIV không thể lây qua các tiếp xúc thông thường. Khi nguồn lây nhiễm âm tính thì việc uống các thuốc chống phơi nhiễm chỉ tốn tiền và mang lại nhiều căng thẳng lo âu.
Người bênh phải hiểu rằng quá trình tư vấn trước khi điều trị là quá trình cốt lõi chứ không phải là ở thuốc ARV. Việc tư vấn này bao gồm: Tư vấn xét nghiệm, tư vấn tuân thủ điều trị, tư vấn tác dụng phụ. Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc, bệnh nhân sẽ không được tư vấn hay hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay có nhiều loại ARV được bày bán công khai thông qua diễn đàn, mạng xã hội, các trang mua sắm trực tuyến. Bác sĩ đánh giá như thế nào về hình thức này?
Cái lợi của hình thức này là người bệnh dễ tiếp cận với ARV. Nhiều phòng khám, nhà thuốc bán online có thể tư vấn trực tiếp qua các trang mạng xã hội, tương tác online, sau đó giao hàng tận nơi.
Trường hợp bệnh nhân ở tỉnh thì không phải đi xét nghiệm tại TPHCM, có thể xét nghiệm tuyến tỉnh, sau đó gửi kết quả về cho các phòng khám trực tuyến rồi nhận thuốc qua đường bưu điện. Như vậy sẽ rút ngắn quy trình điều trị cho bệnh nhân.
Thuốc ARV phác đồ bậc 1. Ảnh: TRÍ NHÂN |
Tuy nhiên cái hại của phương thức này là ta không biết được nguồn gốc của thuốc như thế nào. Do đó ta phải đề phòng chuyện thuốc giả.
“Vì thế khi mua thuốc, tôi khuyên bệnh nhân là phải tiếp cận với nơi có uy tín. Cần lưu ý rằng ARV là thuốc chỉ định bán theo toa. Do đó, việc tự ý mua thuốc trôi nổi bên ngoài, người bị phơi nhiễm sẽ không được tư vấn cách uống thuốc, các độc tính… một cách cụ thể” - BS Nguyễn Tấn Thủ
Vậy những nguy cơ nào có thể xảy ra khi bệnh nhân tự ý mua thuốc ARV để điều trị?
ARV là một thuốc độc, do đó có khá nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, dị ứng, ngộ gộc gan v.v…Nếu không được tư vấn một cách đầy đủ về các tác dụng phụ, không lường trước được những tác hại thì họ sẽ bỏ thuốc. Ví dụ như thành phần thuốc Efavirenz gây ra chứng rối loạn tâm thần, chóng mặt, mất ngủ…
Khi uống thuốc, bệnh nhân phải được theo dõi cụ thể. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt thì có thể bị kháng thuốc. Đặc biệt, không phải người nào cũng dùng cùng một phác đồ, cùng một loại thuốc.
Cần lưu ý một nhóm đối tượng dễ bị thất bại trong điều trị phơi nhiễm đó là nhóm người liên tục có nguy cơ. Ví dụ những người hoạt động mại dâm. Nhóm người này thì không nên điều trị PEP tại vì họ sẽ tiếp tục có nguy cơ.
Thậm chí họ có thể đang ở giai đoạn nhiễm HIV thời kì cửa sổ. Ngoài ra một khác biệt nữa là động lực điều trị khác nhau. Điều trị phơi nhiễm thì nó lấp lửng. Lúc đầu họ có thể lo lắng, nhưng sau 1 tuần, 2 tuần, động lực giảm, họ sẽ dễ bỏ thuốc. Như vậy thì ‘tiền mất tật mang’.
Tôi từng gặp trường hợp một số bệnh nhân tuyến tỉnh lại mua phải những loại thuốc trong phác đồ cũ như d4T/AZT. d4T gây teo cơ, teo mô mỡ, yếu liệt chi. Do đó, nếu tự ý mua thuốc thì có thể gặp những trường hợp như vậy.
Bác sĩ có những lời khuyên như thế nào cho bệnh nhân khi muốn điều trị sau phơi nhiễm HIV?
Khi tiếp xúc với nguồn lây nghi ngờ, bệnh nhân nên xử lý tại chỗ. Đối với tổn thương da dẫn đến chảy máu: Xối ngay vết thương dưới vòi nước chảy. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn mà không nặn bóp. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng ít nhất 5 phút.
Nếu phơi nhiễm qua tình dục: không xử trí gì, không nên thụt rửa vì hành vi này càng tạo thêm ngõ vào cho virus qua các tổn thương niêm mạc. Nên nhanh chóng tiếp cận với cơ sở y tế.
Lưu ý rằng bệnh nhân nên ‘thăm dò’ thông tin từ nguồn gây phơi nhiễm nếu được (nếu bạn tình bị nhiễm HIV từ trước), cần lưu ý đến phác đồ điều trị ARV của họ. Vì nếu họ kháng thuốc với một phác đồ nào đó, có khả năng bệnh nhân cũng sẽ kháng thuốc.
Khi uống ARV, tuân thủ ARV trong suốt 4 tuần điều trị cũng như quy trình theo dõi sau điều trị. Cần giữ tâm lý thoải mái để giúp cơ thể đáp ứng tốt hơn với thuốc, hạn chế ảnh hưởng và tác dụng phụ của thuốc ARV lên đời sống và sinh hoạt.
Nếu bệnh nhân có những lo ngại thì nên đến các bệnh viên công lập hoặc Trung tâm y tế dự phòng. Ngoài ra, tại TPHCM còn có 3 phòng khám cộng đồng cũng có thể hỗ trợ cho bệnh nhân như phòng khám Galant, My home.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân lo ngại sẽ sơ hở thông tin nên không đến các cơ sở y tế. Tôi xin khẳng định là hệ thống y tế của chúng ta có nguyên tắc bảo mật thông tin cho người điều trị phơi nhiễm hoặc kể cả bệnh nhân HIV/AIDS.
Do vậy bệnh nhân có thể yên tâm. Bệnh nhân phải hiểu được tầm quan trọng của việc tư vấn trước khi điều trị. Đây chính là quy trình chuẩn của việc dự phòng sau phơi nhiễm.
Cảm ơn bác sĩ vì những chia sẻ vừa rồi!