Liên quan đến chuyện Hoa hậu Mỹ là UmaSofia Srivastava - Miss Teen USA và Noelia Voigt (Hoa hậu Tuổi Teen) - Miss USA (Hoa hậu Hoàn vũ Mỹ 2023) cùng từ bỏ vương miện vì thấy mình không xứng đáng đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn về nhan sắc. Nhiều người cho rằng, đây là việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự tôn trọng bản thân và trách nhiệm với cộng đồng.
Trong khi đó, ở Việt Nam, hàng loạt Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… sau khi đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc đã có những hành vi ứng xử, phát ngôn lệch chuẩn… gây bất bình trong dư luận. Ngoài ra, một số người còn gây mất lòng tin và suy giảm sự yêu mến khi có những bê bối đời tư rất khó để cảm thông, chia sẻ. Dẫu vậy, cho đến giờ phút này, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ người đẹp nào vì lòng tự trọng, vì trách nhiệm với cộng đồng, vì sự cao quý của vương miện… mà tự động trả lại danh hiệu khi thấy mình không còn xứng đáng.
Trước vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang để có thêm góc nhìn mới.
Việc tổ chức tràn lan các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… ở Việt Nam như hiện nay đã tạo nên sự hỗn loạn chưa từng có. Nhiều người nói vui, giờ ra đường người bình thường ít hơn hoa hậu. Chính sự việc này đã góp phần đẩy "văn hóa háo danh" lên một nấc cao mới. Theo ông, cần phải có những quy định như thế nào để siết chặt hơn công tác tổ chức và chấm chọn người đăng quang trong các cuộc thi nhan sắc?
- Có lẽ chưa quốc gia nào nhiều cuộc thi "sắc đẹp" như ở Việt Nam. Tình trạng "nhà nhà, người người đi thi sắc đẹp" khiến giá trị chiếc "vương miện" trở nên giảm sút. Nghiêm trọng hơn là niềm tin, sự trân trọng của công chúng đối với người đăng quang mất đi ý nghĩa tích cực. Muốn làm được điều này, các cơ quan quản lý văn hoá cần chấn chỉnh nghiêm túc đối với các cuộc thi, mà trước hết là siết chặt cơ chế cấp phép đối với các cuộc thi mang tính thương mại, ngành dọc. Bên cạnh đó, khâu chấm giải, trao giải cũng cần được kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng "chạy giải", "mua giải" tồn tại tràn lan như thời gian vừa qua.
Việc lựa chọn đơn vị tổ chức cũng là khâu quan trọng trong các cuộc thi Hoa hậu, Người đẹp. Các cơ quan quản lý văn hoá cần lựa chọn đơn vị tổ chức uy tín, ít tai tiếng, phi thương mại hoá, giảm thiểu tối đa tình trạng lũng đoạn, tiêu cực trong các cuộc thi này.
- Hành động từ bỏ ngôi vương của người đẹp trong một cuộc thi khi cảm thấy mình không còn xứng đáng, không chỉ cho thấy ý thức trách nhiệm xã hội cao mà còn khẳng định "giá trị của "ngôi vương" trong cuộc thi đó. Điều này phản ánh "văn hoá từ chức" khi người trong cuộc thấy mình không còn xứng đáng với trách nhiệm xã hội, cũng như kỳ vọng của công chúng dành cho mình. Đó là nét đẹp của ứng xử văn minh, của lòng tự tôn và ý thức về giá trị bản thân.
Ở Việt Nam, thời gian qua có không ít người đẹp vừa đăng quang đã vướng phải rất nhiều lùm xùm về phát ngôn hoặc bê bối đời tư, gây mất lòng tin đối với dư luận, gây mất giá trị đối với vương miện… nhưng vẫn không chịu từ bỏ vương miện. Theo ông, căn cốt của những điều này là gì?
- Ở Việt Nam, nhiều Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp… sau khi đăng quang không thực hiện tròn trách nhiệm xã hội của người có ảnh hưởng tới công chúng, vướng nhiều bê bối đời tư không chỉ cho thấy "giá trị niềm tin" bị giảm sút, sự tự trọng mất đi mà còn làm cho cuộc thi không còn nhiều ý nghĩa.
Vì vậy ở ta mới có tình trạng danh xưng "hoa hậu" gắn liền với người được xướng tên kéo dài qua nhiều năm dù cho "nhiệm kỳ" đã kết thúc. Từ đó nảy sinh tình trạng "nhà nhà thi hoa hậu, người người kiếm vương miện" khiến danh xưng trở nên hỗn loạn. Tất cả đều xuất phát từ việc công chúng "tung hô" quá mức giá trị các danh xưng này, khiến danh xưng Hoa hậu không còn mang ý nghĩa "tích cực" và thường gắn liền với lợi ích vật chất có được từ danh xưng ấy. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi nhiều "Hoa hậu" vướng lùm xùm đời tư mặc cho công chúng kêu gào, truyền thông tẩy chay nhưng vẫn quyết không từ bỏ "danh xưng".
Nếu nói thế có nghĩa là chuyện các Hoa hậu của Việt Nam không chịu từ bỏ vương miện dù hình ảnh và tên tuổi "trượt dốc" sau nhiều scandal ầm ĩ cũng một phần do được dư luận tung hô quá đà hoặc dễ dãi bỏ qua lỗi lầm?
- Như trên tôi đã trao đổi, danh xưng Hoa hậu ở Việt Nam không đơn thuần chỉ là "giải thưởng" mà còn là cơ hội đổi đời của nhiều người đẹp. Có nhiều Hoa hậu đăng quang từ những năm 90 của thế kỷ trước mà cho đến hiện tại vẫn được "định danh" với tên tuổi của họ mỗi lần xuất hiện trước công chúng, trong khi đó ở nhiều nước, sau khi vương miện được trao lại cho người khác thì người đẹp mang danh Hoa hậu trước đó không còn được xướng tên mỗi lần xuất hiện.
Chính xu hướng "bất tử hoá danh xưng" này ở ta khiến nhiều Hoa hậu lạm dụng danh xưng để làm kinh tế hoặc làm những việc không liên quan đến trách nhiệm xã hội của họ. Một phần do công chúng tung hê quá mức, một phần do quy định, chế tài ở ta đối với những trường hợp này vẫn còn lỏng lẻo.
Tôi chưa thấy Hoa hậu nào ở Việt Nam sau khi vướng tai tiếng, thị phi, bê bối… bị các cơ quan chức năng tước danh hiệu. Chính điều này đã khiến danh xưng Hoa hậu đã trở thành bảo chứng cho những toan tính phía sau. Nhiều người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp để đạt cho được danh xưng ấy đã thực hiện những hành vi tiêu cực vận động, mua bán giải.
Tất cả cũng là do chiếc vương miện mà họ mang trên đầu được định "giá" theo đúng nghĩa đen. Từ cái "giá" của cuộc thi, các Hoa hậu bước ra ngoài xã hội cũng mang tâm lý phải "tận dụng" hết mức cái "giá" từ danh xưng ấy mang lại cho bản thân hơn là làm cho xã hội đẹp lên, nhân văn lên.
Theo ông, cần thiết phải có những quy định "cứng" về mặt pháp luật để lập lại trật tự và đưa các cuộc thi nhan sắc về đúng với vai trò của nó?
- Muốn giảm được tiêu cực từ các cuộc thi, thì đơn vị tổ chức cần mời những chuyên gia độc lập trong chấm giải và trao giải. Một khi giá trị thực của chiếc vương miện được phát huy, tìm được người xứng đáng thì sau khi đăng quang những người đẹp này mới thực sự làm đúng trách nhiệm đối với xã hội.
Mặt khác cần quy định rõ tính nhiệm kỳ của danh xưng hoa hậu. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ thì danh xưng hoa hậu gắn với người đẹp trước đó không còn được xướng tên ở bất cứ hoạt động truyền thông nào. Từ đó sẽ nâng cao trách nhiệm xã hội của người đẹp, phát huy hết vai trò truyền cảm hứng, làm đẹp cho cuộc đời ở nhiệm kỳ của mình.
Các cơ quan quản lý văn hoá cũng cần ban hành các chế tài cứng rắn như tước danh hiệu Hoa hậu, cũng như xử phạt thật nặng những Hoa hậu có đời tư lùm xùm, tai tiếng làm ảnh hưởng đến uy tín cuộc thi. Có như vậy mới giải quyết triệt để tình trạng vàng – thau lẫn lộn từ các danh xưng như hiện nay.
Cảm ơn nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đã chia sẻ.