Từ tượng bàn tay trên bãi biển Thanh Hóa, tìm hiểu về tượng bàn tay trên bờ biển Hàn Quốc

Từ tượng bàn tay trên bãi biển Thanh Hóa, tìm hiểu về tượng bàn tay trên bờ biển Hàn Quốc

Ở một góc nhìn, bức tượng bàn tay trên biển ở Hàn Quốc trông như đang "giữ mặt trời" khi bình minh. Nhưng đây chưa phải là tất cả những điều thú vị về công trình đặc biệt này.

Bức tượng bàn tay ở bãi biển Thanh Hóa (trái) và bức tượng bàn tay ở bãi biển Hàn Quốc. Ảnh: Plo.vn-UOH

Thời gian gần đây, nhiều người dân và du khách bàn tán xôn xao trước sự xuất hiện của 5 trụ bê tông hình bàn tay xuất hiện ở bờ biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chia sẻ với báo chí, chủ đầu tư cho biết đây là 5 chòi canh gác dành cho nhân viên an ninh quan sát du khách tắm biển, với số tiền đầu tư 300 triệu đồng.

5 bàn tay khổng lồ trên bờ biển ở Thanh Hóa khiến một số người dùng mạng xã hội liên tưởng đến bức tượng bàn tay trên bờ biển ở Hàn Quốc. Thực ra đó là một trong hai bàn tay của công trình "The Hands of Harmony" (Tạm dịch: Đôi bàn tay hòa thuận) ở thành phố Pohang, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc.

2 bức tượng hình bàn tay đặt song song, một trên cạn, một dưới nước ở thành phố Pohang. Ảnh: Korea Tourism Organization

"Đôi bàn tay hòa thuận", nằm ở mũi Homigot, phía đông thành phố Pohang. Với mục đích chào mừng thiên niên kỷ mới, giáo sư Seung-guk Kim, tới từ Đại học Yeongnam (Hàn Quốc), đã tạo nên công trình này vào tháng 12/1999, với sự hỗ trợ của Ngân hàng xây dựng Pohang.

Bàn tay đặt ở bờ biển, một phần trong công trình Hands of Harmony

"Đôi bàn tay hòa thuận" gồm 2 bức tượng bằng đồng, có hình bàn tay mở, đặt đối diện nhau. Bàn tay phải cao 8,5 mét được đặt dưới biển, trong khi bàn tay trái cao 5,5 mét được đặt ở quảng trường gần biển.

Theo trang Visit Korea, việc hai lòng bàn tay hướng vào nhau truyền tải thông điệp rằng mọi người nên chung sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau. 

Bức tượng bàn tay trái đặt trên bờ. Ảnh: Fareezkhan

Mũi Homigot, nơi đặt công trình "Đôi bàn tay hòa thuận", là điểm đến nổi tiếng ở Hàn Quốc. Theo tiếng địa phương, Homigot có nghĩa là "đuôi hổ". Nguồn gốc của tên gọi này xuất phát từ việc nhiều người coi bán đảo Triều Tiên có hình dáng giống một con hổ. Mũi Homigot là phần nhô ra, giống phần đuôi. 

Ở góc phù hợp, bức tượng bàn tay như đang "giữ mặt trời". Ảnh: UOH

Homigot là nơi mặt trời mọc đầu tiên ở Hàn Quốc và là địa điểm chính của lễ hội “Mặt trời mọc Homigot”. Người dân địa phương và du khách tới đây để chào đón năm mới và chứng kiến cảnh mặt trời mọc lên qua những ngón tay ở bàn tay phải của công trình "Đôi bàn tay hòa thuận". 

 Lễ hội bắt đầu vào đêm 31-12 và kết thúc vào ngày 1-1. Nhiều chương trình khác nhau được chuẩn bị để làm cho lễ hội thâu đêm cho đến sáng sớm.

Tin mới