Trả lời báo chí hôm qua, Đô đốc Harry B. Harris Junior, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh, Washington quan ngại nhất là các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng dù ở căng thẳng, tranh chấp vẫn tiếp diễn ở một số khu vực khác tại châu Á-Thái Bình Dương.
“Mối bận tâm về an ninh lớn nhất của chúng tôi là Triều Tiên. Tôi ngán các hành động khiêu khích của họ. Tôi không hiểu gì về họ, không hiểu ý định, cách thức và đường lối lãnh đạo của họ. Tôi không biết giới lãnh đạo Triều Tiên muốn gì”, Đô đốc Harry B. Harris Junior thẳng thắn chia sẻ.
Xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại Bạo Phong Hổ do Triều Tiên tự sản xuất trong một cuộc diễu hành. |
Trong thời gian qua, Triều Tiên thường xuyên đe dọa “chiến tranh toàn diện” hoặc “tấn công hạt nhân” hủy diệt Mỹ và các nước láng giềng châu Á. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba, bất chấp sự lên án và phản đối quyết liệt từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, Đô đốc Harry B. Harris Jr cũng tố cáo Trung Quốc đơn phương thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không mới trên Biển Hoa Đông (ADIZ) bao gồm quần đảo tranh chấp với Nhật Bản là Điếu Ngư/Senkaku, đẩy căng thẳng khu vực leo thang mạnh mẽ.
“ADIZ (của Trung Quốc) không ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chúng tôi cho rằng, việc Trung Quốc áp đặt ADZIZ (tại Biển Hoa Đông) là một hành động đáng tiếc. Nó thể hiện sự ép buộc của Trung Quốc đối với những quốc gia khác”, Đô đốc Mỹ nhấn mạnh.
Chưa hết, ông Harry B. Harris Jr cũng không quên tố cáo động thái “ép buộc” các nước láng giềng trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên phần lớn Biển Đông và ngày càng tỏ ra kiên quyết hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các láng giềng như Philippines, Việt Nam và một số nước khác trong khu vực cũng như Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Cuối cùng, Đô đốc Harris thúc giục các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc giải quyết bất đồng “một cách hữu nghị, hòa bình” và hoan nghênh việc Trung Quốc chấp nhận tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới RIMPAC ở Thái Bình Dương do quân đội Mỹ dẫn đầu vào tháng 6. Cuộc tập trận có sự tham dự của 23 quốc gia trên khắp thế giới.