Hồ Hoàng Mai Thi (29 tuổi, sinh sống tại TP.HCM) và bạn trai có kế hoạch du lịch Nha Trang bằng ôtô tự lái vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.
Năm trước, cô chi gần 4 triệu đồng mua vé máy bay khứ hồi đến Phú Quốc. Năm nay, du khách này muốn quay lại đảo ngọc vì biển đẹp, khí hậu dễ chịu, nhưng quyết định thay đổi do giá vé máy bay cao so với ngân sách.
"Chúng tôi kiểm tra vé máy bay khứ hồi TP.HCM - Phú Quốc hồi đầu tháng 4, thấy giá vé tăng đến 6-7 triệu đồng/người. Hai đứa quyết định du lịch bằng ôtô của bạn trai cho đỡ tốn kém. Đây cũng là trải nghiệm thú vị", cô nói.
"Ngán" vé máy bay giá cao
Theo khảo sát của Tri Thức - ZNews, giá vé giai đoạn cận dịp nghỉ lễ đang ở mức cao và có xu hướng tăng từng ngày.
Lãnh đạo một hãng hàng không dự đoán giá vé dịp lễ sẽ không tăng đột biến so với hiện tại, nhưng sẽ không hạ nhiệt.
"Các dịp nghỉ lễ là thời điểm hãng bay tranh thủ kinh doanh để bù lại chi phí mùa thấp điểm nên rất khó để có vé rẻ. Giai đoạn này nhu cầu đi lại cao, các chuyến bay được lấp đầy cả 2 chiều", vị lãnh đạo nói.
Năm trước, Mai Thi ngắm hoàng hôn tại Phú Quốc vào dịp lễ. Nhưng năm nay, cô đổi lịch trình đến Nha Trang vì vé máy bay cao. Ảnh: Hồ Hoàng Mai Thi. |
Trong khi đó, đúng dịp 30/4 năm nay, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến thông xe, tiết kiệm thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Khánh Hòa chỉ còn 4-5 tiếng. Năm trước, khoảng cách từ TP.HCM đến đảo Phú Quý, Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận) cũng được rút ngắn nhờ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Ngoài ra, với việc gia tăng số lượng người sở hữu xe riêng, nhiều du khách chọn du lịch bằng các tuyến cao tốc mới vào dịp lễ để thuận tiện về lịch trình, đồng thời tiết kiệm chi phí so với di chuyển bằng máy bay.
Như Mai Thi và bạn trai, cả hai lên kế hoạch tự lái xe đi Nha Trang dịp 30/4 ngay khi nghe tin tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến thông xe đúng dịp này.
"Tôi thích đi biển nhưng bị say sóng nặng. Nếu đi đảo Phú Quý phải ngồi tàu cao tốc gần 2 tiếng, đến nơi tôi không còn sức để vui chơi. Nha Trang là lựa chọn phù hợp hơn", cô nói.
Lo ngại tình trạng "cháy phòng" vì du khách rẽ hướng du lịch đường bộ, Mai Thi đặt trước một khách sạn có view biển trên đường Trần Phú (phường Lộc Thọ) với mức giá 550.000 đồng/đêm. Cô dự trù khoảng 5 triệu đồng cho toàn chuyến đi.
"Tổng chi phí tiết kiệm hơn nhiều so với đi Phú Quốc. Thay vì chi nhiều tiền cho việc đi lại, tôi dành khoản này để ăn uống thả ga, tham quan các địa điểm đẹp và trải nghiệm nhiều trò chơi dưới nước", Mai Thi cho biết.
Du khách này cho biết thêm đã tính đến trường hợp ùn tắc trên cao tốc trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ. Để "né" tình trạng tình trạng này, cặp đôi quyết định ở lại Nha Trang đến chiều ngày 2/5.
"Tuyến cao tốc vừa thông xe, có thể nhiều người cũng du lịch bằng ôtô tự lái như chúng tôi. Cả hai quyết định chờ mọi người về bớt mới lái xe về", cô chia sẻ.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, Minh Thoa và gia đình lên kế hoạch đi Phan Thiết bằng xe hợp đồng 7 chỗ. Ảnh: Tạ Thị Minh Thoa. |
Tránh sự đông đúc của bãi biển Vũng Tàu vào dịp lễ, Tạ Thị Minh Thoa (25 tuổi, sống tại TP Vũng Tàu) cùng gia đình lên kế hoạch đi Đà Lạt bằng máy bay vào chiều ngày 29/4. Tuy nhiên, chuyến đi này nhanh chóng hủy vì giá vé tăng vọt.
"Tôi là giáo viên tiểu học nên đến hiện tại chỉ có 2 ngày nghỉ, đi máy bay sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đinh ninh vé chỉ tăng nhẹ như năm trước, nhưng tôi khá sốc khi tham khảo giá của các hãng bay. Giá thấp nhất hơn một triệu đồng, cao nhất lên đến 3 triệu đồng, vượt quá quỹ hầu bao nên tôi đành đổi điểm đến", cô cho biết.
Theo lịch trình mới, Minh Thoa thuê xe hợp đồng 7 chỗ cùng gia đình đến thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Thời gian di chuyển chỉ mất 3-3,5 tiếng. Tại đây, cô dành 2 ngày 1 đêm để tham quan và ăn uống.
Ưu tiên đi bằng cao tốc
Các tuyến cao tốc mới thu hẹp khoảng cách điểm đến trên bản đồ du lịch, du khách có xu hướng du lịch đường bộ nhiều hơn trong bối cảnh giá vé máy bay nóng "bỏng tay". Nguyễn Thị Minh Nguyệt (27 tuổi, sống tại TP.HCM) là một trường hợp như vậy.
Dịp 30/4 - 1/5 năm trước, Minh Nguyệt có chuyến đi 4 ngày 3 đêm đến đảo Phú Quý. Trong 2 ngày đầu, cô check-in hết những điểm "hot" như dốc Phượt, đỉnh Cao Cát, Gành Hang, khe Sung Sướng… Hai ngày sau là thời gian khám phá các món ăn địa phương trên đảo.
Đảo Phú Quý là điểm đến chưa bao giờ giảm sức hút. Nhờ tuyến cao tốc, thời gian di chuyển từ TP.HCM chỉ còn 2 tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến vui chơi. Ảnh: Thu Quỳnh. |
Năm nay, kỳ nghỉ lễ của Minh Nguyệt kéo dài 5 ngày, từ ngày 27/4 đến ngày 1/5. Phú Quý tiếp tục là điểm đến trong kế hoạch. Cô cùng nhóm bạn ở lại đảo 3 ngày, sau đó đi cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đến Nha Trang vui chơi thêm 2 ngày.
"Nhờ các tuyến cao tốc, việc tự lái xe đi du lịch trở nên dễ dàng. Quãng đường rút ngắn đáng kể giúp tôi dư dả thời gian vui chơi. Thậm chí, tôi có thể kết hợp 2 điểm đến trong cùng một chuyến đi. Khi chưa có cao tốc, từ TP.HCM đến Bình Thuận hay Nha Trang đã mất nửa ngày", cô bộc bạch.
Ngoài tiết kiệm thời gian, lý do Minh Nguyệt ưu tiên các điểm đến đường bộ là ít tốn kém chi phí và chủ động về lịch trình. Mỗi năm, vé máy bay đều tăng ít hoặc nhiều vào dịp lễ lớn vì nhu cầu du lịch cao. Cô không muốn hạng mục này ngốn phần lớn tiền trong tổng chi phí.
"Vào những ngày thường, tôi có thể du lịch bằng máy bay. Nhưng các dịp lễ, dù nghỉ ngắn hay dài ngày, du lịch tự túc bằng phương tiện cá nhân vẫn là lựa chọn tối ưu nhất", Minh Nguyệt cho biết thêm.
Di chuyển bằng cao tốc giúp tối ưu chuyến đi, nhưng cảnh hàng trăm xe nối đuôi nhau trong ngày quay về là điều Minh Nguyệt lo ngại nhất. Dịp lễ năm trước, xe cô nhích từng bước trên cao tốc, mất 4 tiếng mới đến TP.HCM.
"Xe thường đổ dồn vào ngày cuối của kỳ nghỉ, đặc biệt là buổi chiều vì tất cả đều đi làm trở lại vào ngày 2/5. Tôi rất ám ảnh viễn cảnh này nên tầm trưa ngày 1/5 sẽ quay về để trừ hao thời gian. Nếu tuyến cao tốc quá đông, tôi chuyển sang đi quốc lộ 1A cho thông thoáng", Minh Nguyệt cho biết.